+Aa-
    Zalo

    Nỗi ám ảnh 70 năm và sự thật rùng rợn trong trại tử thần Auschwitz

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Những ngày này 70 năm trước, Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng trại Auschwitz - một cỗ máy giết người tàn ác và có hệ thống của Đức Quốc xã.

    (ĐSPL) - Những ngày này 70 năm trước, Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng trại Auschwitz - một cỗ máy giết người tàn ác và có hệ thống của Đức Quốc xã. Năm nay, kỷ niệm 70 năm giải phóng trại tập trung Auschwitz, Tổng thống Ba Lan đã tưởng niệm hơn 1 triệu nạn nhân đã bị sát hại cùng với nhiều nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng Chính phủ bên cạnh 300 nạn nhân còn sống sót. Họ quay trở lại Auschwitz để vinh danh những nạn nhân và kể lại câu chuyện của chính họ.

    “Phòng thí nghiệm” chết chóc

    Auschwits - chỉ riêng cái tên cũng đã gợi lên ký ức kinh hoàng trong Thế chiến thứ hai. Theo kế hoạch diệt chủng của Adolf Hitler đối với người Do Thái châu Âu, được gọi là “Giải pháp Cuối cùng”, hơn 1,3 triệu người đã bị đưa tới trại tập trung Auschwitz-Birkenau ở thành phố Oswiecim ở miền Nam Ba Lan bị chiếm đóng trong khoảng thời gian từ tháng 6/1940 và tháng 1/1945.

    Sáu triệu người Do Thái cũng như các dân tộc Romania, người đồng tính, người khuyết tật, những người bất đồng chính kiến đã bị phát xít Đức sát hại trong các trại tập trung. Và khoảng một triệu người bị Đức Quốc xã hành quyết chỉ riêng tại trại Auschwitz. Khi trại tử thần này được quân đội Liên Xô giải phóng vào ngày 27/1/1945, những binh sỹ tìm thấy 7.000 tù nhân, trong đó có 130 trẻ em.

    Hình ảnh của những đứa trẻ sống sót sau khi trại tập trung Auschwitz được Hồng quân Liên Xô giải phóng. (Ảnh: BBC).

    “Lao động là tự do” là khẩu hiệu lớn ngay trên lối vào trại. Trớ trêu và nghiệt ngã ở chỗ, tù nhân ở đây phải lao động khổ sai và không có lấy một sự tự do nào. Họ phải làm việc trong những điều kiện hết sức tồi tệ, vắt kiệt sức lực cho tới chết. Tự do là khái niệm gần như biến mất trong trại Auschwitz-Birkenau. Ngay cả những sinh hoạt tối thiểu như nghỉ ngơi, ngủ cũng đều bị giám sát rất chặt. Đến khi đi vệ sinh, tù nhân cũng bị theo dõi ngặt nghèo về mặt thời gian đại tiện và tiểu tiện.

    Theo kế hoạch hủy diệt dân tộc Do Thái của trùm phát xít Hitler, Auschwitz trở thành “lò giết người hàng loạt” lớn nhất trong lịch sử loài người. Phần lớn những người bị đầy đến Auschwitz sau một thời gian đều bị sát hại trong các lò hơi ngạt khổng lồ. Nổi tiếng nhất trong các lò hơi ngạt là Phòng hơi ngạt số 1 với mệnh danh “Căn nhà nhỏ màu đỏ”, do được xây bằng gạch đỏ.

    Một trong những thủ đoạn tàn ác nhất của phát xít đó là trước khi hành hình các tù nhân, chúng trao cho họ những valy ghi tên tuổi, gieo cho họ một ảo tưởng về hy vọng được thả ra ngoài. Sau đó, họ sẽ được đưa đến phòng hơi ngạt để hành hình. Ở đó họ phải đối mặt với khí Zyklon B, với một lượng vừa phải có thể giết chết 1.200 người ở phòng hơi ngạt trong vòng 20 phút.

    Sau khi giết các nạn nhân, chúng đưa họ xuống hố chôn xác quy mô lớn. Tuy nhiên, thân thể nhiều nạn nhân còn được kết thúc trong lò thiêu. Do nhu cầu tiêu hủy xác lớn nên những lò thiêu như thế này được thiết kế để 20.000 người cùng được hỏa táng trong 24h đồng hồ.

    “Untersuchungsraum” là tên căn phòng đáng sợ nhất ở Auschwitz-Birkenau. Nó có nghĩa là “phòng thí nghiệm”. Tại đây, núp dưới danh nghĩa nghiên cứu khoa học, phát xít Đức đã tiến hành các thí nghiệm y tế, thử nghiệm các loại chất độc hóa học với vật thí nghiệm chính là các tù nhân.

    Di sản của sự hận thù

    Những ký ức kinh khủng đó thỉnh thoảng vẫn ùa về trong giấc mơ của những nạn nhân còn sống. Dù rằng năm nay có thể là lần cuối cùng những nhân chứng của nạn Diệt chủng Do Thái Holocaust tham dự buổi lễ kỷ niệm, bởi vì những người trẻ tuổi nhất trong số đó giờ đã 70 tuổi.

    “Không ai trong chúng tôi tin rằng người ta từng phải làm việc trong bùn, rằng khi ai đó không thể làm việc được họ bị bắn, rằng có hàng đống thi thể. Sau khi tôi đến, tôi không cần phải tưởng tượng, tôi nhìn thấy điều đó. Đó là lý do vì sao sau chiến tranh tôi không thể tới đây trong suốt 50 năm. Bởi vì tôi không nhìn thấy con người, tôi chỉ thấy những tù nhân hoặc những cái xác, hay ống khói đang nhả khói của những lò thiêu”, bà Alina Dabrowska nhớ lại những ngày tháng ở Auschwitz khi bà chỉ là một đứa trẻ.

    Một người sống sót khác, bà Hart-Moxon nhớ lại việc một số tù nhân muốn tìm đến cái chết thường chạm vào hàng rào điện vì đó là cách dễ nhất để giải thoát bản thân khỏi những đòn tra tấn, hành hạ của phát xít Đức. Tuy nhiên, lính canh thường bắn chết họ trước khi phạm nhân đến gần hàng rào.

    Bà Hart-Moxon vẫn nhớ như in ngày đầu tiên bị đưa đến trại tập trung Auschwitz: “Khi được đưa đến trại tập trung Auschwitz, chúng tôi nhìn thấy những hình ảnh hãi hùng như tù nhân cạo trọc đầu, mặc trang phục rách nát, đôi mắt lớn, la hét bằng nhiều thứ tiếng và bị đánh đập. Khi đó, chúng tôi nghĩ rằng: “Lạy Chúa, tại sao điều này lại xảy ra với chúng con”.

    Bà Roza Krzywolwocka-Laurow 79 tuổi từ Ba Lan bị đưa đến Auschwitz vào năm 1944 khi bà mới tám tuổi. “Nếu tôi còn sống thì đó là để cảnh báo điều này không bao giờ xảy ra lần nữa”, bà nói khi đứng trước “Bức tường chết chóc” lỗ chỗ vết đạn, nơi mà Đức Quốc xã bắn chết hàng ngàn người.

    Một nhân chứng khác của tội ác diệt chủng là bà Marta Wise. Bà bị đưa vào Auschwitz khi 10 tuổi. Ký ức của bà về trại tập trung này là khu vực thử nghiệm y học của bác sỹ phát xít Đức Josef Mengele, kẻ có biệt danh Thiên thần chết chóc. Bà nói rằng các nạn nhân thường nhận nhiều mũi tiêm từ Mengele khiến họ ngất xỉu ngay lập tức hoặc quằn quại vì đau. Bởi Wise có mắt xanh, bà đã không phải trải qua thí nghiệm tàn bạo của Mengele nhằm đổi màu mắt đen của người Do Thái và người di gan sang màu xanh Aryan. Bà nói rằng trong thí nghiệm, những người may mắn thường chết ngay lập tức. Số còn lại sẽ bị mù và chịu đựng sự đau đớn khủng khiếp.

    “Chúng tôi không biết Mengele tiêm những gì, bởi gã đã đào tẩu trước khi những người Nga tới. Gã cũng mang theo các tài liệu, ghi chú được gọi là "thử nghiệm” y học. Gã là một con quỷ. Khi gã nở nụ cười, bạn biết gã là kẻ độc ác nhất và sẽ làm trò gì đó vô cùng ác độc. "Thật là một phép lạ”. Tôi thấy mình rất may mắn khi còn sống sót”, bà Wise nói.

    Còn ông David Wisnia 88 tuổi, nói: “Đó thực sự là cả một quãng đời, khơi lên những ký ức kinh hoàng. Đêm qua nằm ngủ, tôi mơ một giấc mơ khủng khiếp. Tôi tỉnh dậy nhìn ra ngoài cửa sổ và tưởng mình còn ở Birkenau trong dãy buồng giam 14, nơi tôi bắt đầu vào năm 1942”.

    Trại tập trung lớn nhất của Đức Quốc xã đặt tại làng Oswiecim của Ba Lan nay đã trở thành Di sản Thế giới và thu hút hàng triệu du khách cùng các nạn nhân sống sót mỗi năm.

    Thủ tướng Merkel: Người Đức có trách nhiệm vĩnh cửu với nạn nhân Do Thái

    Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định “trách nhiệm vĩnh cửu” của người Đức trong việc nhắc nhở thế hệ sau về sự tàn bạo và tội ác của chủ nghĩa phát xít và Đức không bao giờ quên trách nhiệm của mình với hàng triệu nạn nhân Do Thái. Bà Merkel cũng lên án chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo và nạn bài ngoại, bài Do Thái, đặc biệt nhằm vào những người muốn tìm kiếm một cuộc sống mới ở Đức. Bà cho rằng trại tập trung Auschwitz là một lời cảnh báo về sự tàn bạo mà con người có thể gây ra cho nhau. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Auschwitz là nơi khủng khiếp nhất của lịch sử nhân loại. Và sự kiện trại tập trung này được giải phóng có ý nghĩa đặc biệt”.

    Nhật ký Anne Frank

    Một trong những nhân chứng sống động nhất về tội ác của Đức Quốc xã là cuốn “Nhật ký Anne Frank”. Quyển sách viết về cuộc sống của cô bé người Do Thái Anne trong những ngày Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan. Edith Frank, mẹ của Anne , chết tại trại tập trung Auschwitz vào năm 1945, do quá đói và kiệt sức để có thể sống lâu hơn. Anne Frank bị đưa từ Auschwitz đến trại tập trung Bergen - Belsen gần Hanover ở và cũng chết năm 1945. Bố của Anne, ông Otto Frank là người duy nhất sống sót trong gia đình, sau khi quân đội Nga đến Auschwitz. Ông dùng cả thời gian còn lại của cuộc đời để cố chuyển đến thế giới lời nhắn nhủ được ghi chép trong quyển nhật ký của con gái.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-am-anh-70-nam-va-su-that-rung-ron-trong-trai-tu-than-auschwitz-a83785.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan