CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (MCK: DLG, sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng 2021.
Về kết quả kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm, DLG ghi nhận doanh thu thuần hơn 900 tỷ đồng và tăng khoảng 11% so với cùng kỳ; lãi ròng 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 286 tỷ đồng. Tuy vậy vẫn không thấm tháp vào đâu so với khoản lỗ lũy kế hơn 800 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2021, DLG đang vay nợ tài chính ngắn và dài hạn tới 3.893 tỷ đồng.
Công ty có một số khoản nợ phải trả và vay đã quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính là 1.808 tỷ đồng, lỗ luỹ kế hơn 842 tỷ đồng nhưng Đức Long Gia Lai vẫn "hào phóng" cho một số tổ chức, cá nhân vay với số tiền 2.410 tỷ đồng. Đáng chú ý, các khoản cho vay này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ ba.
Trong đó, công ty cho nhiều đối tượng vay ngắn hạn 1.192 tỷ đồng và vay dài hạn 1.218 tỷ đồng. Khoản cho vay lớn nhất trị giá hơn 580 tỷ đồng lại không được thuyết minh cụ thể mà chỉ chú thích "cho các đối tượng khác vay".
Ngoài ra, hai cá nhân cũng vay của Đức Long Gia Lai hàng trăm tỷ mà không cần tài sản thế chấp hay bảo lãnh. Phần lớn các khoản cho vay trên có lãi suất trên 10%/năm.
Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo DLG cho biết: HĐQT đã được đại hội cổ đông thường niên ủy quyền quyết định thực hiện các hợp đồng giao dịch với đối tượng, người có liên quan. Tất cả các khoản cho vay có giá trị nhỏ hơn 35% tổng tài sản công ty.
Nợ ngập đầu nhưng vẫn cho vay không tài sản đảm bảo hơn 2.400 tỷ đồng là các yếu tố cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu khiến kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Đức Long Gia Lai.
Bạch Hiền (t/h)