+Aa-
    Zalo

    Nỗ lực tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ở sân bay Tân Sơn Nhất

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lực lượng tìm kiếm đang làm ngày làm đêm để khẩn trương tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

    Lực lượng tìm kiếm đang làm ngày làm đêm để khẩn trương tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

    Báo Tiền phong đăng tin, ngày 13/7, trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) cho biết: “Chúng ta đã trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là quy tụ, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ở trên các chiến trường, nhất là các thông tin về mất tích. Lực lượng quy tập hài cốt liệt sỹ rất khẩn trương tìm kiếm trên khắp các chiến trường, kể cả trong nước và Campuchia, Lào…

    Để có được thông tin chính xác, Lãnh đạo Bộ Quốc phòng còn trực tiếp ra nước ngoài, như qua Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Thái Lan… để tìm kiếm thông tin, hồ sơ liên quan đến lịch sử, để có cơ sở tìm kiếm đồng chí, đồng đội đã hi sinh trong chiến tranh dù là thông tin nhỏ nhất”.

    Lực lượng quy tập hài cốt liệt sỹ ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đang khẩn trương tìm kiếm. Ảnh: Tiền phong

    Theo ông Nghĩa, trong những ngày này, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, khi vừa tổ chức lễ truy điệu, an táng hài cốt các liệt sĩ đã hi sinh trong trận đánh sân bay Biên Hòa (Tết Mậu Thân năm 1968), nay lực lượng tìm kiếm đang làm ngày làm đêm để khẩn trương tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ở sân bay Tân Sơn Nhất

    Theo tin từ Tri thức trực tuyến, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, theo thống kê hiện cả nước có gần 8,8 triệu đối tượng hưởng chính sách người có công. Nhà nước luôn quan tâm đến người có công, đặc biệt là nhiệm vụ trọng tâm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

    “Hiện nay nói con số gần 300.000 hay hơn 200.000 liệt sĩ mất tích, chưa tìm thấy là một số lượng rất lớn. Vùng xa xôi nào ở Nam Bộ cũng đều có những phần mộ chưa tìm được tên của các đồng chí, đồng đội”, Trung tướng Nghĩa nói.

    Còn Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa - Chính ủy Bộ tư lệnh TP.HCM cho biết, dự kiến, lực lượng công binh sẽ tìm kiếm mộ các liệt sĩ ở Tân Sơn Nhất trên diện tích khoảng 4 ha, với hai máy đào, thời gian đào và bóc tách di vật trên diện tích này mất ít nhất là một tháng.

    Ông Ngô Tuấn Nghĩa cho biết việc tìm kiếm còn vướng một khó khăn do công trình cạnh khu tìm kiếm do Sư đoàn không quân 370 quản lý vẫn đang thi công, gây khó khăn.

    Ông Nghĩa kiến nghị với Tổng cục Chính trị có ý kiến để Sư đoàn không quân 370 dừng thi công công trình này. Hoặc nếu không dừng thì khi thi công phải có người của Bộ tư lệnh TP.HCM giám sát, đảm bảo không bỏ sót bất cứ dấu hiệu nào của mộ tập thể liệt sĩ đang tìm kiếm.

    Tin trên VnExpress, việc lực tìm kiếm mộ tập thể của hàng trăm chiến sĩ hy sinh trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất hồi Tết Mậu Thân năm 1968 bắt nguồn từ thông tin do Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng cung cấp.

    Ông Thắng cho biết, sau khi mộ tập thể khoảng 150 chiến sĩ tại khu vực sân bay Biên Hòa được tìm thấy ngày 13/4, (cũng từ tài liệu của ông và cộng sự), nhóm ông vẫn giữ liên lạc với các cựu binh Mỹ. Họ tiếp tục làm cầu nối để tìm kiếm và chuyển nhiều tư liệu liên quan đến chiến dịch Mậu Thân 1968.

    "Các ông ấy không ngờ cuộc chiến tranh kết thúc đã gần 50 năm nhưng vẫn còn rất nhiều hài cốt chưa được tìm thấy. Khi về nước, họ nói sẽ tìm hiểu tất cả thông tin rồi cung cấp thêm cho chúng tôi", ông Thắng kể.

    Trong quá trình tìm kiếm thông tin về mộ tập thể liệt sĩ ở sân bay Biên Hòa, ông Thắng thấy một số hình ảnh liên quan đến mộ tập thể ở sân bay Tân Sơn Nhất, vì cùng thời điểm năm 1968.

    Manh mối đầu tiên là bức ảnh trắng đen có tấm bảng ghi nơi chôn cất quân giải phóng trong trận đánh đêm mùng 1 Tết Mậu Thân với nội dung kèm theo: "Ngôi mộ có 157 thi thể bộ đội Việt Nam, vị trí nằm ở khu vực đầu phía Tây khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, giữa 2 đường taxiway (đường lăn). Phía Mỹ sử dụng máy ủi đào một đường hào rộng sau để chôn cất các thi thể, sau đó phủ đất lên".

    Ông Thắng cùng các cộng sự cũng tìm thấy trên Internet một bức ảnh có nội dung tương tự nhưng có điểm khác nhau là "ngày 2 Tết Mậu Thân". Từ đó, nhóm ông nghi ngờ trong sân bay Tân Sơn Nhất có 2 khu mộ tập thể của bộ đội.

    Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng phân tích, năm 1995 cơ quan chức năng đã quy tập ngôi mộ của 181 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất đêm 30 rạng sáng ngày 31/1/1968, mở đầu chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Đây có khả năng là ngôi mộ 157 liệt sĩ mà tấm ảnh đen trắng đề cập.

    Nhưng số liệu phía Mỹ thể hiện có đến hơn 600 liệt sĩ được chôn trong sân bay Tân Sơn Nhất, nên khả năng còn mộ tập thể khác chưa được tìm thấy và nó là khu vực thuộc tấm ảnh thứ 2.

    Cựu binh Mỹ - ông Martin - sau đó cung cấp một số tấm ảnh vệ tinh sân bay Tân Sơn Nhất vào thời điểm 1/2/1968, 14/2/1968 và nhiều bức vẽ, sơ đồ sân bay có đánh dấu hố chôn tập thể 157 chiến sĩ hy sinh ngày 31/1.

    Trong đó, có bức không ảnh đầu phía Tây sân bay do Bob Laymon chụp từ máy bay Boeing 707 khi cất cánh trên đường băng 07L-25R (được cho là ngay sau trận Mậu Thân). Trong ảnh thấy rõ máy ủi và rãnh đào hình vòng cung ở hướng 4-5h. Phía trên bên phải là đường Quốc lộ 1 - nay là đường Trường Chinh, đường Cộng Hòa và đường tuần tra vành đai sân bay.

    Từ các thông tin có được, ông Thắng đã tổng hợp và gửi cơ quan chức năng xem xét tổ chức tìm kiếm mộ tập thể thứ 2 trong sân bay Tân Sơn Nhất.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/no-luc-tim-kiem-hai-cot-liet-sy-o-san-bay-tan-son-nhat-a196107.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan