Aljazeera đưa tin ngày 24/4 (theo giờ địa phương), hai vụ nổ liên tiếp đã làm rung chuyển một cơ quan chống khủng bố ở Tây Bắc Pakistan, làm ít nhất 12 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương.
“Các vụ nổ xảy ra sau khi vật liệu ở tầng hầm của tòa nhà Cục Chống khủng bố (CTD) bốc cháy”, ông Sharifullah Khan, một cảnh sát ở Kabal, cho biết, đồng thời nhận định không có dấu hiệu của một cuộc tấn công khủng bố.
Khu phức hợp nơi xảy ra vụ nổ cũng có đồn cảnh sát quận Kabal và trụ sở của lực lượng cảnh sát dự bị, nhưng thiệt hại chủ yếu ở tòa nhà của Cục Chống khủng bố.
Cảnh sát trưởng Akhtar Hayat cho biết, có một kho đạn cũ trong tòa nhà và cảnh sát đang điều tra xem liệu đây có phải là nguyên nhân gây ra vụ nổ hay không.
Cũng theo ông Hayat, hầu hết người thiệt mạng trong hai vụ nổ là cảnh sát chống khủng bố. Hai dân thường đi ngang qua tòa nhà cũng thiệt mạng.
Giám đốc của bộ phận chống khủng bố tại khu vực – ông Sohail Khalid nói với phóng viên rằng các vụ nổ dường như không phải là do tấn công hay hành động khủng bố.
"Cho đến bây giờ, chúng tôi tin rằng vụ nổ có thể do sự bất cẩn của một số người", ông Sohail Khalid nói.
Ông Bilal Faizi, phát ngôn viên của cơ quan cứu hộ tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, cho biết việc tìm kiếm nạn nhân do vụ nổ vẫn đang được tiến hành.
Trước đó, hồi tháng 1, một kẻ đánh bom tự sát đã gây ra vụ nổ tại một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Peshawar, khiến hơn 80 sĩ quan thiệt mạng.
Tháng 2, 5 người đã thiệt mạng khi một nhóm phiến quân Tehrik-e-Taliban Pakistan xông vào một khu nhà ở phía Nam Karachi, gây ra một cuộc đấu súng kéo dài hàng giờ đồng hồ.
Kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan, Pakistan đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể các cuộc tấn công nhằm vào các khu vực biên giới với nước này.
Tehrik-e-Taliban Pakistan, còn mang tên Taliban Pakistan, là nhóm vũ trang Hồi giáo bị cấm tại Pakistan, từng thực hiện hàng chục vụ tấn công đẫm máu khiến hàng trăm người chết ở nước này kể từ khi xuất hiện năm 2007. TTP là thực thể độc lập với nhóm Taliban ở Afghanistan, nhưng vẫn có chung hệ tư tưởng.
Tehrik-i-Taliban Pakistan từng kiểm soát nhiều khu vực ở biên giới Pakistan - Afghanistan và áp đặt luật Hồi giáo tại khu vực này. Các tay súng TTP bị đẩy khỏi Pakistan sang nước láng giềng Afghanistan từ năm 2010, nhưng đang dần xuất hiện trở lại sau khi Taliban giành quyền lực hồi tháng 8/2021.
TTP ký thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ Pakistan hồi tháng 6/2022, nhưng hai bên liên tục cáo buộc nhau phớt lờ điều khoản và dẫn đến nhiều cuộc đụng độ.
Mộc Miên (Theo Aljazeera)