+Aa-
    Zalo

    "Nín thở" sống dưới chân núi nứt nẻ, người dân mong được di dời

    (ĐS&PL) - Luôn sống trong sợ hãi, khi thiên tai có thể ập xuống bất cứ lúc nào, nên hầu hết các hộ dân sống ở vùng nguy hiểm tại xã Hòa Bắc đều mong muốn được di dời.

    Người dân sống trong sợ hãi

    Trải qua những trận mưa lớn đầu mùa, nhiều ngọn đồi ở các thôn Tà Lang, Nam Yên, Phò Nam (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) có nguy cơ sạt lở cao khiến người dân lo lắng, mong sớm được di dời đến nơi ở mới.

    Theo báo Tuổi Trẻ, bên cạnh những hộ dân này là các sườn đồi, núi trọc đã bị những cơn mưa đầu mùa xói mòn nghiêm trọng. Điển hình như nhà ông Nguyễn Văn Trầm (người dân thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) có hai mặt giáp núi. Cứ đến mùa mưa bão, gia đình ông lại gói ghém đồ đạc, sẵn sàng di tản đến nơi an toàn.

    “Nhiều năm trước, khu vực nhà tôi đã từng xảy ra sạt lở, lũ lớn, khiến đất đá đổ về rất nguy hiểm. Vài năm trở lại đây, chính quyền thông báo ngọn núi trước nhà tôi có nguy cơ sạt lở cao vào mùa mưa khiến cả gia đình bất an. Mong rằng gia đình tôi sớm được chuyển đến nơi định cư khác an toàn hơn”, ông Trầm cho biết.

    7 hộ dân sống dưới chân núi ở thôn Tà Lang. Ảnh: Tuổi Trẻ

    7 hộ dân sống dưới chân núi ở thôn Tà Lang. Ảnh: Tuổi Trẻ

    Gia đình ông Trầm cùng 6 hộ dân khác ở thôn Tà Lang được chính quyền đưa vào diện di dời khỏi vùng sạt lở, nhưng đến nay vẫn chưa được chuyển đến nơi ở mới.

    Trong khi đó ông Nguyễn Ngọc Phú cùng nhiều hộ dân khác tại tổ 1, thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc) cũng đang sống trong cảnh mất ăn mất ngủ khi mùa mưa lũ đến.

    “Mỗi lần mưa to, gia đình tôi thấp thỏm, lo sợ đất đá từ ngọn núi sau nhà có thể đổ xuống bất cứ lúc nào. Đặc biệt sau khi người dân khai thác hết cây làm sườn đồi trở nên trọc trắng. Nước từ các khe, rãnh cứ thế đổ ào ào xuống khu vực quanh nhà tôi”, ông Phú cho hay.

    Theo ông Phú, trước đây gia đình ông sống ở ven sông Cu Đê, nơi có nguy cơ ngập lụt cao. Sau đó ông cùng hàng chục hộ dân khác được chính quyền cấp đất để đến định cư tại khu vực chân núi này. Tuy nhiên những năm qua tình trạng đất đá từ trên đồi tràn xuống khiến khu vực này trở thành một trong những điểm nóng có nguy cơ sạt lở tại Đà Nẵng.

    “Vào trận mưa lớn vài năm trước, đất đá từ trên núi ập xuống san lấp hai ao cá phía sau nhà tôi. Tôi mong chính quyền sớm xem xét để có phương án hỗ trợ người dân ở khu vực này để mọi người có thể an tâm làm ăn, ổn định cuộc sống”, ông Phú cho biết.

    Bà Nguyễn Thị Kim Phượng (ngụ tổ 1, thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc) cho biết, cứ mỗi khi có mưa lớn, nước cuốn theo đất đá từ ngọn đồi phía trước tràn thẳng vào nhà. Khi nước rút đi để lại bùn đất dày cộm khiến việc dọn dẹp rất vất vả.

    Cũng tại Hòa Bắc, cách trung tâm UBND xã chừng 200m, sát miệng cống chui cao tốc La Sơn - Hòa Liên là cả chục gia đình chịu cảnh đứng ngồi không yên mỗi khi có mưa lớn, cũng được xếp vào diện phải di dời khẩn cấp.

    Bà Nguyễn Thị Hoa có nhà sát chân núi này cho biết, đợt mưa đầu tháng 10/2024 vừa qua, đất đá đổ xuống, tràn vào sau nhà bà. “Sau lưng là núi dựng đứng, trước mặt là con suối nên nếu xảy ra sạt lở là không có đường thoát. Vì vậy, cứ thấy mưa lớn là các hộ phải di tản đi nơi khác”, bà Hoa cho biết, theo báo VTC News.

    Khi nào được di dời?

    Luôn sống trong sợ hãi, khi thiên tai có thể ập xuống bất cứ lúc nào, nên hầu hết các hộ dân sống ở vùng nguy hiểm tại xã Hòa Bắc đều bày tỏ mong muốn được di dời đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống.

    Những quả đồi trơ trọi, nhiều vết sói lở khiến người dân lo lắng. Ảnh: VTC News

    Những quả đồi trơ trọi, nhiều vết sói lở khiến người dân lo lắng. Ảnh: VTC News

    Theo báo VTC News, ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, địa bàn xã hiện có 3 khu vực đối diện nguy cơ sạt lở núi rất cao, cần phải di dời dân khẩn cấp.

    Theo tính toán, các hộ dân tại thôn Tà Lang sẽ được di dời về khu tái định cư Giàn Bí, các hộ tại miệng cống chui cao tốc di dời về khu Trung tâm Hành chính xã giai đoạn 2, còn các hộ tại tổ 1 thôn Nam Yên (khe Định) sẽ chuyển về khu tái định cư Nam Yên.

    Xã đang làm phương án để di dời các hộ dân, tuy nhiên theo ông Nam, việc này phải nằm trong quy hoạch chung của xã, của huyện; có quy hoạch rồi mới trình thành phố xem xét, phê duyệt, sau đó mới thực hiện được.

    Cũng theo Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, dù các hộ trên thuộc diện phải di dời khẩn cấp nhưng xã đang gặp khó trong việc bố trí tái định cư. Cụ thể, 7 hộ ở thôn Tà Lang được bố trí đưa về khu tái định cư Giàn Bí nhưng chưa có đất thực tế. Phải mở rộng khu tái định cư thì mới có đất bố trí cho dân vì theo quy hoạch trước đây, khu tái định cư này bố trí cho các hộ thuộc diện khác. Còn tại tổ 1 thôn Nam Yên, ngoài những hộ sát chân núi còn có hơn 40 hộ thuộc diện nguy cơ. Chính quyền đã mời tất cả các hộ này đến làm việc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như thông báo chủ trương, chính sách trong di dời để người dân nắm rõ, quyết định đi hay ở lại.

    “Khi thành phố thông qua phương án của mình thì mới có nguồn kinh phí. Có kinh phí để tổ chức kiểm định, đền bù, hỗ trợ cho dân thì mới di dời được. Mong là cuối năm nay và sang năm 2025 sẽ thực hiện được”, ông Nam nói và cho biết, trước mắt họ vẫn phải theo sát tình hình thời tiết để sẵn sàng di dời dân khẩn cấp mỗi khi có mưa bão.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nin-tho-song-duoi-chan-nui-nut-ne-nguoi-dan-mong-uoc-di-doi-a472305.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan