(ĐSPL)- Liên tiếp trong thời gian ngắn vừa qua, hàng loạt vụ nữ sinh bị mất tích, xâm hại đang khiến dư luận xôn xao. Có gia đình chưa tìm thấy con, có gia đình đã tìm thấy nhưng nạn nhân trong tâm lý hoảng loạn.
Thiếu nữ mất tích sau một cuộc gọi của người thân
Như tin tức báo Đời sống & Pháp luật đã đưa, theo lời mời của một người phụ nữ, Thu xin phép bố mẹ lên Hà Nội để đi làm thuê. Cho đến nay đã gần 2 tháng nhưng gia đình em đã không thể liên lạc được với Thu.
Ông Hà Ngọc Hải - sinh năm 1964, ở khu 4, xã Trị Quận, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ - bố nữ sinh cho biết, khoảng một tháng trước, con gái ông là Hà Thị Hoài Thu (sinh năm 1997) được một người phụ nữ tên L. cùng huyện gọi điện rủ đi bán quần áo ở Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, gia đình hoàn toàn mất liên lạc với Thu.
Nữ sinh Thu mất tích đã gần 2 tháng nhưng gia đình vẫn chưa có thông tin gì về nữ sinh. |
Theo ông Hải, vào sáng 22/7, người phụ nữ tên L. ở khu 1, xã Kim Đức, huyện Phù Ninh có gọi điện nói muốn rủ Thu xuống Hà Nội bán quần áo cho chị L. ít hôm. Ngày 24/7, sau khi xin phép gia đình, Thu một mình bắt xe ô tô xuống Hà Nội.
“Đến khoảng 2h chiều cùng ngày, Thu có gọi điện về nói với tôi là con đã xuống tới chỗ làm. Tuy nhiên, đến tối gia đình điện cho Thu đều không được, điện thoại tắt máy. Kể từ đó đến nay, đã hơn 1 tháng, gia đình tôi không biết Thu đang ở đâu”, ông Hải kể lại.
Ông Phạm Quang Đông – Phó trưởng Công an xã Trị Quận (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Cuối tháng 7/2015, Công an xã Trị Quận có tiếp nhận đơn của ông Hà Ngọc Hải (SN 1964, ngụ tại Khu 4, xã Trị Quận, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ), trình báo về vụ việc của cháu Hà Thị Hoài Thu (SN 1997) - con gái ông Hải, được một người phụ nữ gọi điện xuống Hà Nội để đi làm.
Từ đó đến nay gia đình liên lạc với em Thu nhưng không được. "Tiếp nhận vụ việc, chúng tôi đã báo cáo lên Công an huyện Phù Ninh theo đúng thẩm quyền và đang phối hợp điều tra để tìm được em Thu trong thời gian sớm nhất”, ông Đông nói thêm.
Cô gái mất tích khi đi du lịch
Một trường hợp khác xảy ra vào ngày 22/8, nữ sinh Đỗ Thị Hằng (sinh năm 1995) mất tích trên đường đi du lịch.
Hằng đang là sinh viên năm thứ 3, khoa Mỹ Thuật, chuyên ngành Thiết kế thời trang của trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương tại Hà Nội cùng 4 người khác, trong đó có 2 nam, 2 nữ đi du lịch Sapa. Sau ngày hôm đó Hằng không về nữa.
Thông tin từ báo Gia đình & Xã hội cho biết, công an huyện SaPa đã xác định được cuộc gọi cuối cùng của Đỗ Thị Hằng (nữ sinh trường Cao đẳng Sư phạm TW) vào lúc 22h ngày 22/7. Cuộc gọi đi được định vị tại xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
Nữ sinh Hằng mất tích sau khi đi Sapa chơi. (Ảnh: Gia đình & Xã hội) |
Thông tin đó cho thấy, có thể Hằng đã không ở lại SaPa trong đêm mà chỉ dừng chân chụp ảnh, đăng tải lên mạng xã hội rồi lên đường đi Mường Khương luôn.
Đại tá Trần Văn Trường, Trưởng công an huyện SaPa cho biết, trên địa bàn huyện chưa ghi nhận trường hợp khách du lịch nào gặp tai nạn hay những sự cố đáng tiếc mà có tên là Hằng.
Đường đi của Hằng cũng đã được xác định. Nữ sinh xuất phát từ Mai Dịch, Hà Nội di chuyển ra cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Sau đó, nhóm nữ sinh này đi qua địa phận huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái rồi lên SaPa. Điểm dừng chân cuối cùng mà cơ quan chức năng xác định được là huyện Mường Khương, Lào Cai.
Đã 2 lần từ ngày con gái mất tích không có lí do, bà Đặng Thị Thúy - mẹ Hằng đã vượt quãng đường hàng trăm km lên SaPa tìm con gái.
Không ngại đường xá xa xôi, hiểm trở, mang theo tấm hình của con và hỏi bất kỳ những ai gặp được để mong có chút manh mối về con gái nhưng mọi hy vọng đều chưa có lời đáp.
Đến công ty thực tập rồi mất tích luôn
Ghi nhận từ Tri thức trực tuyến trước đó, vào trưa ngày 13/3 năm 2015 sinh viên Lê Thị Hà Phương (22 tuổi, năm cuối trường ĐH Kinh tế) mất tích sau ngày lên xe buýt đến công ty thực tập ở tỉnh Bình Dương.
Thông tin từ mẹ ruột Phương, bà Phan Thị Quyên ngẹn ngào chia sẻ, trưa 13/3, em đi xe buýt từ quận 5 (TP HCM) đến thực tập tại một công ty ở Bình Dương. Đến tối cùng ngày, những người chung phòng trọ không thấy Phương về, gọi điện cũng không được, nên báo cho gia đình bà Quyên.
Phương mất tích sau khi lên xe buyt đến công ty thực tập. (Ảnh: Tri thức trực tuyến) |
Ngay sau đó, mẹ nữ sinh trình báo Công an quận 5 và Công an tỉnh Bình Dương để phối hợp với gia đình tìm kiếm nữ sinh.
Một vụ mất tích đáng thương tương tự xảy ra sau nữ sinh Phương mấy ngày đã khiến gia đình nạn nhân vô cùng đau sót, bởi mặc dù đã tìm thấy nạn nhân nhưng tình trạng nữ sinh này vô cùng tồi tệ.
Vào ngày 19/3, anh Nguyễn Bá Châu - người nhà của sinh viên Nguyễn Thị Diễm My (22 tuổi, quê Phú Yên) cũng đến Công an quận Gò Vấp trình báo về việc nữ sinh này mất tích.
Theo gia đình nạn nhân, My đến trường Cao đẳng Bách Việt (ở quận Gò Vấp) để nhận giấy báo thực tập.
Đến chiều cùng ngày, không thấy My, gia đình tìm cách liên lạc nhưng điện thoại của cô gái này đã tắt. Sau 3 ngày mất tích bí ẩn, gia đình đã tìm thấy em ở ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh trong trạng thái tâm lý hoảng loạn.
Bố mẹ cần quan tâm đến tâm sinh lý của con gái nhiều hơn
Từ các vụ việc liên quan đến các nữ sinh nêu trên, chuyên gia tâm lý đã chỉ ra không ít vấn đề mà phụ huynh có con trong độ tuổi mới lớn cần lưu ý. Thạc sỹ Trần Đăng Thảo, Viện Tâm lý và Giáo dục Pháp luật (TP HCM) cho rằng, với nữ sinh tuổi dưới 20 nằm trong nhóm tuổi mới lớn.
Tuổi này các em rất muốn tự khẳng định bản thân. Vì vậy, khi đối mặt với các xích mích nhỏ trong cuộc sống, gia đình, học tập thì các em thường chọn phương án cực đoan là bỏ nhà đi cho… bõ tức.
Khi trẻ xa gia đình thì dễ rơi vào những “cạm bẫy” có ý đồ của các đối tượng xấu xung quanh. Không có sự bao bọc, che chở của gia đình, chưa đủ khả năng tự vệ nên trẻ dễ bị mất phương hướng, bị xâm hại.
Trả lời câu hỏi tại sao những tai nạn trên thường xuất hiện ở trẻ nữ nằm trong độ tuổi dưới 20, thạc sỹ Thảo cho rằng, ở tuổi này các em đã bắt đầu có các mối quan hệ xã hội rộng hơn, vượt tầm các mối quan hệ gia đình, bạn bè đơn thuần, từ đó cũng đối mặt cạm bẫy nhiều hơn.
Về khía cạnh những sự cố khó lường lại rơi vào các nữ sinh được đánh giá là ngoan, chuyên gia tâm lý Đăng Thảo nhận định, có thể các bậc phụ huynh đã lơ là trong quản lý con cái, thấy con ngoan nên xuất hiện tâm lý chủ quan.
Lời khuyên mà chuyên gia tâm lý này dành cho phụ huynh là luôn để ý tới các mối quan hệ của con. Đặc biệt là những mối quan hệ trên mạng xã hội. Tránh tạo ra những xung đột căng thẳng khiến trẻ có những phản ứng tiêu cực như bỏ nhà ra đi.
Đức An(Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud] gEXcBuYYlg[/mecloud]