Một người đàn ông 35 tuổi có tiền sử bệnh tâm thần vừa truy sát người dân ở Bạc Liêu khiến 12 người thương vong. Trước đó, một vụ án thương tâm xảy ra tại Bình Định, nạn nhân chính là vợ, con và cha ruột của hung thủ.
Cả làng chạy trốn lưỡi dao tử thần của người đàn ông có tiền sử bệnh tâm thần
Khoảng 15h ngày 24/7, Thạch Sà Khêl ( 35 tuổi, ấp Đay Tà Ni, xã Hưng Hội, H. Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) bất ngờ vác dao truy sát người dân trong xóm. Chứng kiến sự việc, mọi người bỏ chạy tán loạn.
Nhận được tin báo, lực lượng công an huyện Vĩnh Lợi đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị chức năng có mặt tại hiện trường, khống chế và bắt giữ Khêl; đồng thời đưa người bị thương đến Trạm y tế xã Hưng Hội và Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu cấp cứu.
Nạn nhân vụ truy sát ở Bạc Liêu được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Tri thức Trực tuyến |
Vụ truy sát khiến bà Hồ Thị Trầm (91 tuổi) và cháu Dương Tú Quyên (7 tháng tuổi) tử vong, cháu Hồ Bích Ngọc (11 tuổi) cũng được bệnh viện xác định là đã tử vong, nhưng sau đó có dấu hiệu sinh tồn trở lại nhưng tiên lượng xấu. Ngoài ra, 9 người dân khác bị thương đang được cấp cứu tại bệnh viện.
Người dân địa phương cho biết, Khêl đã có vợ con tại địa phương nhưng đã ly hôn. Nhiều năm qua, Khêl có biểu hiện tâm thần và bỏ đi nơi khác làm phụ hồ. Khi vừa quay về thăm nhà thì Khêl gây ra tội ác.
Trong khi đó, chị Thạch Thị Ra Na (em gái Khêl) cho biết, Khêl có tiền sử tâm thần từ 10 năm trước và phải uống thuốc. Thời gian vừa qua Khêl quay về địa phương, nhưng không chịu uống thuốc nên gây ra tội ác.
Thảm án người tâm thần sát hại vợ con và cha ruột
Chiều 22/7, Công an huyện Hoài Ân (Bình Định) đã bắt giữ Nguyễn Trung Vinh (37 tuổi, ngụ thôn Đức Long, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) để làm rõ hành vi "Giết người".
Theo điều tra ban đầu, sáng 22/7, Nguyễn Trung Vinh chạy vào nghĩa địa ở thôn Đức Long. Sau đó, bố đẻ của Vinh là ông Nguyễn Trung H. (65 tuổi) cùng con dâu là chị Nguyễn Thị V. (31 tuổi, vợ của Vinh) và cháu nội Nguyễn Trung Đ. (5 tuổi, con của Vinh) đi tìm Vinh.
Sự việc khiến người dân địa phương hoang mang. Ảnh: Tri thức Trực tuyến |
Đến trưa cùng ngày, người dân phát hiện thi thể của ông H., chị V. và cháu Đ. tại nghĩa trang thôn Đức Long.
Theo báo Công an TP.HCM, cả 3 nạn nhân bị nhiều vết đánh đập trên cơ thể. Tại hiện trường có một khúc gỗ lớn và một số cục đá có dính nhiều máu nghi là vật gây án.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường xác minh, điều tra vụ việc. Sau khi khám nghiệm, thi thể các nạn nhân được bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Đến chiều cùng ngày, cơ quan công an đã bắt giữ nghi phạm Nguyễn Trung Vinh để điều tra hành vi "Giết người".
Được biết Nguyễn Trung Vinh vốn bị bệnh tâm thần, bỏ đi khỏi nhà từ lâu. Đến sáng 22/7, biết tin Vinh đang ở khu vực nghĩa địa thôn Đức Long, nên ông H., chị V. và cháu Đ. đến tìm thì xảy ra vụ việc.
Bước đầu, cảnh sát nhận định 3 nạn nhân tử vong nhiều khả năng bị nghi can ném đá trúng vùng đầu.
Nam thanh niên cầm xà beng rượt đuổi mẹ, sát hại bé trai 4 tuổi
Vào khoảng 13h30 ngày 25/4, tại thôn Minh Thành, xã Quỳnh Long đã xảy ra sự việc nghiêm trọng khi đối tượng Bùi Văn Tiến (SN 1985, trú tại địa phương) lên cơn tâm thần rồi cãi vã với mẹ. Sau đó Tiến đã cầm cây xà beng rượt đuổi để đánh mẹ, nhưng bà N chạy được.
Trong khi đang đuổi đánh mẹ mình thì Tiến phát hiện bé trai L.T.T (SN 2014, cùng địa phương) vừa bước ra khỏi nhà. Lúc này, Tiến dừng lại và lấy đá ném cháu T nhưng không trúng. Sau đó sẵn cây xà beng trên tay, Tiến lại gần và tấn công cháu bé. Do vết thương quá nặng, cháu bé đã tử vong trên đường đến bệnh viện.
Nhân chứng cho hay, lúc Tiến đuổi theo bà N nhưng không được đã dừng lại với ý định tấn công cháu T. Do sự việc xảy ra quá nhanh khiến những người chứng kiến bất ngờ, không kịp chạy tới để ngăn cản.
Bảo vệ dân phố sát hại bé trai 6 tuổi ở Sài Gòn bị tâm thần phân liệt
Vụ án mạng xảy ra vào cuối năm 2017 tại quận 11, TP.HCM. Nghi phạm được xác định là Hoàng Nhất Giang (28 tuổi, trú phường 5, quận 11, TP.HCM).
Nghi phạm Giang tại cơ quan điều tra. Ảnh: CAND |
Theo tin tức ban đầu, vào khoảng 13h ngày 26/11, Giang đang nằm ngủ ở chốt dân phòng khu phố 2, phường 5, quận 11 thì thấy một bé trai 6 tuổi đi ngoài đường. Lúc này, Giang theo sau và dùng dao tấn công cháu bé. Người dân phát hiện đã tri hô và đưa bé trai đi cấp cứu nhưng nạn nhân tử vong trước khi nhập viện.
Ngay sau đó, Giang bị cơ quan công an bắt giữ. Tại cơ quan công an, Giang khai một tháng nay, anh ta bị ám ảnh lời cháu bé nói anh ta là đồ ăn cắp, độc ác. Ám ảnh vì tiếng chửi cứ vọng về, khiến anh ta càng hậm hực muốn sát hại cháu bé để không nghe tiếng chửi.
Vì vậy vào trưa ngày 26/11, thấy cháu bé này đi ngang qua, Giang đã nảy sinh ý định gây án.
Cơ quan chức năng sau đó xác định Giang bị tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, giai đoạn đang tiến triển. Giang bị mất nhận thức và không có khả năng điều khiển hành vi trước, trong và sau khi gây án.
Người mắc bệnh tâm thần điều trị tại gia đình tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trả lời báo CAND, bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi cho biết, hiện nay, người mắc bệnh tâm thần được quản lý, theo dõi, điều trị tại gia đình chiếm tỷ lệ lớn. Việc giao cho gia đình quản lý đối tượng này đang hết sức khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với cộng đồng và xã hội.
Yếu tố bệnh lý dẫn đến các hành vi phạm tội ở những bệnh nhân này là hoang tưởng bị truy hại, hoang tưởng tự cao, ảo thanh ra lệnh, ảo thanh bình phẩm xấu, chán nản bi quan, kích động vận động, ý thức hoàng hôn... Ngoài ra, một số yếu tố bên ngoài có thể thúc đẩy hành vi phạm tội của bệnh nhân như căng thẳng tâm lý, lạm dụng rượu và ma túy... khiến cho hành vi phạm tội của bệnh nhân diễn ra mãnh liệt, tức thời.
Theo bác sĩ Vũ, một bệnh nhân tâm thần đã phạm tội thì họ sẽ phạm tội lần thứ 2, lần thứ 3 nếu bệnh vẫn còn. Các bệnh tâm thần trên chỉ có thể điều trị ổn định chứ không thể khỏi hẳn, do đó bệnh sẽ tái phát khi ngừng điều trị, kéo theo là lặp lại hành vi phạm tội.
Cơ quan chức năng từng khuyến cáo, những gia đình có người bệnh tâm thần thì bên cạnh việc quan tâm chăm sóc cần quản lý chặt các dụng cụ có tính gây sát thương; đồng thời cần nhanh chóng đưa những trường hợp có các biểu hiện như thay đổi bất thường về hành vi, tính nết, ngủ ít, đi lang thang… đến cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị sớm bệnh tâm thần, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Được biết, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cá nhân, cơ quan nào có trách nhiệm đưa người mắc bệnh tâm thần đến cơ sở khám, chữa bệnh điều trị khi người bệnh chưa phạm tội. Như vậy trách nhiệm đưa người bị bệnh tâm thần khi khám điều trị phải do sự tự nguyện của gia đình, nó phụ thuộc vào đều kiện hoàn cảnh kinh tế, sự e ngại không muốn cho mọi người biết có người nhà bị bệnh,..
Từ những vụ án liên quan đến người tâm thần, trong đó có nhiều vụ mà hung thủ và nạn nhân đều là những người thân ruột thịt. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có những biện pháp can thiệp để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Người tâm thần gây án: Xử lý ra sao? Căn cứ Điều 104 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định quyết định khởi tố vụ án hình sự: “Khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự”; Điều 126 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định khởi tố bị can: “Khi có đủ căn cứ xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can”. Đối với trường hợp người tâm thần gây án, sau khi có có đủ căn cứ xác định đối tượng gây án thì cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can về tội Giết người theo qui định tại Điều 93 Bộ Luật Hình sự. Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ xác định đối tượng đã từng bị bệnh tâm thần hoặc có dấu hiệu bất ổn về tâm lý mà cơ quan điều tra có nghi ngờ về năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì phải ra quyết định: Quyết định tạm đình chỉ điều tra theo điều 160 Bộ Luật Tố tụng Hình sự cho bị can đi giám định tâm thần; Quyết định trưng cầu giám định theo điều 155 Bộ Luật Tố tụng Hình sự để xác định năng lực trách nhiệm hình sự. Kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ quyết định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của bị can. Kết luận giám định sẽ xảy ra 02 trường hợp: Thứ nhất, nếu bị can bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người. Tuy nhiên hành vi phạm tội của bị can sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt do bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức điều khiển hành vi. Thứ hai, nếu bị can bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức và năng lực điều khiển hành vi thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi đã được Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ vụ án. Khi đó, cơ quan điều tra sẽ đưa họ đi chữa trị cho đến khi ổn định, rồi bàn giao cho gia đình và địa phương. Theo qui định của Bộ Luật Dân sự, khi người bị mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì phải được Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Khi đó thì cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con của người đó sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên. Trường hợp không có người giám hộ đương nhiên thì UBND xã, phường, thị trấn nơi người bệnh cư trú có trách nhiệm cử hoặc đề nghị người giám hộ. Như vậy kể cả trong trường hợp nếu người bị bệnh tâm thần được miễn trách nhiệm hình sự thì người giám hộ nếu không chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra theo Điều 606 Bộ luật dân sự. |
Hoàng Nguyên (T/h)