Những hình thức phạt học sinh bằng cách tát vào mặt, bắt học sinh tự tát,… trong suốt thời gian gần đây đang khiến xã hội vô cùng bức xúc.
Cô giáo ở Sài Gòn bắt học sinh tự tát 32 cái vì nói chuyện riêng
Mới đây trường hợp phụ huynh phản ánh cô N.T.T., giáo viên chủ nhiệm lớp 5/2, trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh), đặt ra quy định học sinh nói chuyện phải tự tát 2 cái. Em thứ hai bị phát hiện tự tát 4 cái. Em tiếp theo 6 cái. Cứ lần lượt như thế, em bị phát hiện sẽ tự động cộng thêm 2 cái tát.
Đến giữa tháng 10/2018, theo quy định lạ đời của cô T., có học sinh phải tự tát 32 cái ngay trước bạn bè, dù đó là lần đầu vi phạm.
Trường Tiểu học Trần Văn Ơn tạm đình chỉ giáo viên bị tố phạt học trò tự tát vì nói chuyện. |
Sự việc kéo dài một thời gian, học sinh trong lớp đều phải tự tát nhưng các em sợ, không dám nói với bố mẹ. Khi biết được hình phạt khủng khiếp này diễn ra ở lớp học của con, phụ huynh bức xúc phản ánh sự việc với nhà trường.
Thầy giáo tát mặt, đá mông nhiều học sinh trong lớp
“Con tôi bị thầy Nguyễn Phú Quốc (chủ nhiệm lớp 5/2 Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Gò Vấp, TP.HCM) tát vào mặt nên đòi nghỉ học. Tôi phải động viên mãi cháu mới chịu đến trường” - bà HL, một phụ huynh lớp 5/2 Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, cho biết.
Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. |
Bà HL nói: “Ngày 26/9, tôi nhắn tin thầy Quốc xin phép cho con tôi được nghỉ học vì bệnh và thầy Quốc đồng ý. Đến ngày 28/9, con tôi đi học về khóc sướt mướt. Tôi gặng hỏi thì được biết cháu bị thầy tát vào mặt do không làm bài tập kiểm tra. Điều đáng nói bài tập thầy Quốc cho nhằm ngày con tôi nghỉ bệnh. Mặc dù có mượn tập bạn chép lại nhưng cháu lại sót bài tập kiểm tra. Con tôi có lỗi thì thầy Quốc có thể phạt bằng những hình thức khác. Cái tát của thầy Quốc khiến con tôi sợ tới mức không muốn đi học”.
Trao đổi với Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, thầy Nguyễn Phú Quốc thừa nhận có tát mặt và đá mông một số học sinh (HS). “Nhiều HS không tập trung nghe giảng bài và hay nói leo nên tôi đã có những hành vi nói trên trong lúc nóng vội. Riêng trường hợp HS Q., tôi tát mặt do HS này không tập trung học, hay nói chuyện” - thầy Quốc nói.
Học sinh bị thầy giáo tát liên tiếp vào mặt trên bục giảng
Tháng 2/2014, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh ẩu đả giữa thầy giáo và học trò ngay trên bục giảng, gây nhiều bức xúc cho cư dân mạng.
Hình ảnh học sinh bị thầy giáo tát liên tiếp vào mặt được các học sinh khác quay lại. Ảnh cắt từ clip. |
Trong clip này cho thấy, một thầy giáo đang lớn tiếng quát mắng một nam sinh trong lớp rồi thẳng tay tát mạnh 4 cái liên tiếp vào mặt em này. Sau đó, một nam sinh khác cũng bị thầy giáo gọi lên và đánh tương tự.
Bức xúc trước hành động của giáo viên, nam sinh trên lao vào đánh trả thầy giáo ngay trên bục giảng. Ngay sau đó, các bạn gái trong lớp đã lập tức can ngăn cuộc ẩu đả.
Vụ việc trên được xác định xảy ra tại lớp 11A1 vào thời điểm trước Tết nguyên đán (2014) trong tiết học môn Hóa học của thầy Trần Anh Tuấn (23 tuổi, giáo viên dạy hợp đồng) tại Trường THPT Nguyễn Huệ (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
Cô giáo "nghiến răng" véo tai, tát liên tiếp vào mặt
Sự việc xảy ra tại lớp 9.4, trường THCS Nguyễn Văn Bé vào cuối năm 2009 và bị "tố giác" trên báo chí vào khoảng đầu tháng 4 năm 2010. Cô giáo Châu Thị Hồng Đào, GV chủ nhiệm lớp 9.4 đã xử phạt học sinh trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm ngày 28/12/2009 dưới hình thức tát vào má và véo tai học sinh, do nhiều học sinh của lớp không thuộc bài môn Anh văn và bị các lỗi khác nên giáo viên bộ môn ghi vào sổ đầu bài. Vụ việc này được một học sinh trong lớp ghi lại và đăng tải lên diễn đàn của trường.
Cô giáo thẳng tay tát vào mặt học sinh không thương tiếc. |
Sau đó, vào ngày 16/4/2010, trước toàn thể phụ huynh học sinh lớp 9.4, Ban Giám hiệu trường Nguyễn Văn Bé đã công bố xử lý kỷ luật và cắt thi đua của cô Châu Thị Hồng Đào, giáo viên đã có hành vi tát học sinh trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm lớp.
Còn với em N.Đ.T - học sinh chụp ảnh, tại thời điểm đó cho biết: "Em bây giờ cũng không muốn quay lại trường học nữa. Em nghỉ để đi học nghề vì một phần bản thân không học theo được kiến thức tại lớp, nhưng cũng có một phần do việc em chụp ảnh và đưa lên mạng (mạng của nhà trường) nên sợ bị trường đuổi học. Mà đuổi học thì khó mà xin đi học ở trường khác".
Thu Hằng(T/h)