Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) dưới thời cựu Chủ tịch Lê Quang Thung đã có nhiều sai phạm liên quan đến việc góp vốn hàng nghìn tỷ đồng không hiệu quả cũng như những "nhập nhèm" tại công ty "sân sau".
"Hạ cánh" 6 năm vẫn không an toàn
Theo thông tin đăng tải trên Cổng thông tin điện tử bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra, bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, tổng công ty Cao su Đồng Nai, công ty Cao su Phú Riềng và các đơn vị có liên quan.
Dưới thời cựu Chủ tịch Lê Quang Thung, tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã mắc những sai phạm nghìn tỷ. |
Cơ quan cảnh sát điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật đối với 5 bị can gồm: Lê Quang Thung - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam; Nguyễn Thành Châu - nguyên Giám đốc công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Văn Minh - nguyên Kế toán trưởng công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Hồng Phú - nguyên Giám đốc công ty Cao su Phú Riềng và Hoàng Văn Sơn - Kế toán trưởng công ty Cao su Phú Riềng. Cả 5 bị can trên đều bị khởi tố điều tra về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 - Bộ luật Hình sự.
Theo tìm hiểu, tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tiền thân là ban Cao su Nam Bộ. Tháng 7/1977, đơn vị này chuyển đổi thành tổng công ty Cao su Việt Nam (trực thuộc bộ Nông nghiệp). Sau gần 30 năm hoạt động theo mô hình tổng công ty, năm 2006 chính thức trở thành tập đoàn. Tập đoàn này kinh doanh đa ngành, trong đó trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến cao su là ngành kinh doanh chính.
Trong 5 nguyên lãnh đạo VRG bị khởi tố lần này, trường hợp của nguyên Chủ tịch Lê Quang Thung được dư luận quan tâm hơn cả. Ông Lê Quang Thung bị khởi tố khi đã về hưu gần 6 năm. Theo tìm hiểu, tháng 3/2010, ông Lê Quang Thung - Giám đốc tập đoàn Cao su được bổ nhiệm chức quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn. Trước thời điểm đó, ông Hồ Xuân Hùng - Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được cử kiêm nhiệm chức Chủ tịch VRG.
"Ghế nóng" này đã "dính dớp" trước đó khi cuối tháng 4/2008, Thủ tướng Chính phủ có quyết định cách chức Chủ tịch HĐQT VRG đối với ông Trần Kiên Quyết do vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai trong thời gian làm Giám đốc công ty Cao su Tân Biên thuộc VRG. Sau chưa đến 2 năm giữ chức quyền Chủ tịch VRG, đầu tháng 1/2012, ông Lê Quang Thung đã nghỉ hưu theo chế độ.
"Ném" tiền Nhà nước qua cửa sổ
Cuối năm 2014, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại VRG và một số đơn vị thành viên. Theo kết luận thanh tra, trong giai đoạn 2006 - 2011, khi ông Thung còn giữ chức Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT, tình hình kinh doanh của VRG khá lạc quan. Cụ thể, năm 2011, vốn chủ sở hữu của tập đoàn này đạt hơn 31.448 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2006; tổng tài sản đạt hơn 57.717 tỷ đồng, tăng 2,89 lần so với năm 2006. Tổng doanh thu toàn tập đoàn cũng ở mức cao và chủ yếu từ kết quả kinh doanh sản phẩm cây cao su. Năm 2011, doanh thu tập đoàn đạt hơn 33.380 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 96.936 tỷ đồng. Trong 6 năm từ 2006 - 2011, VRG đã nộp Ngân sách Nhà nước hơn 11.187 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng theo kết luận thanh tra, VRG đã mắc nhiều sai phạm, trong đó phải kể đến những khoản đầu tư hàng nghìn tỷ đồng thua lỗ. Cụ thể, công ty mẹ - VRG đã đầu tư vốn ra bên ngoài doanh nghiệp vượt so với vốn điều lệ theo quy định là 2.591 tỷ đồng. Đáng lưu ý trong đó là việc đầu tư góp vốn thành lập CTCP Cao su Phú Riềng - Kratie.
Nhiều sai phạm nghiêm trọng xảy ra từ khâu lập, thẩm định... cho đến công tác khảo sát, điều tra thổ nhưỡng sai trình tự dẫn đến chất lượng vườn cây thấp, khả năng thiệt hại lên tới hơn 483 tỷ đồng. VRG và chủ đầu tư còn thực hiện vay vốn, bảo lãnh vay vốn ngân hàng và sử dụng sai mục đích hơn 1,89 triệu USD chưa thu hồi được, dẫn đến mất khả năng trả nợ.
Chưa hết, VRG cùng các đơn vị thành viên còn có những khoản đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với giá trị lớn tiềm ẩn nguy cơ mất vốn. Đơn cử như việc góp vốn vào CTCP Thương mại dịch vụ và Du lịch Cao su (Rutratoco) chủ yếu để đầu tư khách sạn tại thị xã Móng Cái, Quảng Ninh. Trong quá trình đầu tư, VRG và Rutratoco đã có nhiều sai phạm như không tổ chức thẩm định tổng mức đầu tư khi điều chỉnh; nghiệm thu, thanh toán sau tại chỗ một số gói thầu hơn 14 tỷ đồng. Cái kết là công ty đã liên tục thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, mất vốn hàng trăm tỷ đồng, không còn khả năng trả nợ vay.
Góp vốn vào công ty "sân sau"
Quá trình thanh tra còn phát hiện, một số lãnh đạo VRG đã tham gia góp vốn cá nhân, gia đình để sáng lập và lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động CTCP Chế biến và XNK Thủy sản Đồng Tháp (DSEC). Việc này trái quy định về quyền thành lập, góp vốn mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp theo luật Doanh nghiệp. Chưa hết, một số đơn vị của VRG còn tham gia góp vốn vào DSEC - nơi được coi là công ty “sân sau” của các quan chức ngành cao su, khi chưa được tập đoàn đồng ý. Thậm chí, có đơn vị dùng cả quỹ phúc lợi để đầu tư, góp vốn.
Kể từ khi thành lập vào năm 2007, DSEC đã kinh doanh không hiệu quả. Mặc dù liên tục thua lỗ nhưng DSEC vẫn được công ty tài chính TNHH MTV cao su VN (RFC - cũng thuộc VRG) và các đơn vị góp vốn ưu ái cho vay bằng những hợp đồng vay, hồ sơ thế chấp và bảo lãnh không đủ căn cứ pháp lý. Theo kết luận thanh tra, việc đầu tư góp vốn và hoạt động kinh doanh của DSEC có nhiều sai phạm, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và doanh nghiệp. Cụ thể, với việc liên tục lỗ, đến thời điểm thanh tra, công ty này đã mất hết vốn điều lệ khoảng 144 tỷ đồng và dư nợ không có khả năng thanh toán hơn 253 tỷ đồng.
Liên quan đến RFC, đơn vị này không được cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh mua, bán kỳ hạn chứng khoán nhưng vẫn có 43 hợp đồng trị giá hơn 23,8 tỷ đồng đã thực hiện trước khi Hội đồng quản trị của RFC cho phép. Tính đến thời điểm thanh tra, tổng dư nợ chưa thu được của RFC lên đến hơn 356 tỷ đồng. Đây đều là các khoản khó xử lý do nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thậm chí không còn khả năng tài chính để xử lý nợ. Bên cạnh đó, VRG còn hướng dẫn nhiều đơn vị thành viên phải ký hợp đồng vay vốn của RFC khi thực tế không có nhu cầu sử dụng vốn. Điều này đã dẫn đến sự lãng phí, tăng chi phí sản xuất kinh doanh, giảm lợi nhuận tại nhiều đơn vị.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo xử lý phản ánh của báo chí về các sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các đơn vị thành viên trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2011 đã được Thanh tra Chính phủ kết luận. Theo đó, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, tổng hợp kết quả xử lý sau thanh tra theo Kết luận thanh tra số 2341/KL-TTCP ngày 2/10/2014, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/2/2018. Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/1/2018 kết quả điều tra, xử lý các sai phạm có dấu hiệu tội phạm xảy ra tại một số đơn vị thành viên tại VRG do Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra. |