Nhờ những phẩm chất lãnh đạo tuyệt vời, sự chăm chỉ, chu đáo và điềm tĩnh trước sự tác động của ngoại cảnh, không ít doanh nhân tuổi Sửu đã và đang có nhiều thành công trên thương trường, khẳng định tên tuổi, vị thế của mình không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn danh ra quốc tế.
Đứng ở vị trí thứ 2 trong 12 con giáp, Trâu được xem là loài động vật to khỏe, chăm chỉ, chịu khó làm việc vất vả. Có lẽ vì vậy, người tuổi Sửu thường rất giỏi chịu đựng, hy sinh, đơn giản, mộc mạc lại chân thành và được nhiều người kính trọng.
Trong công việc, người tuổi Sửu thường là nhưng nhà lãnh đạo tận tâm và luôn có sự chuẩn bị chu đáo cho mọi việc, ít bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh.
Chính vì những phẩm chất lãnh đạo tuyệt vời đó, không ít doanh nhân tuổi Sửu đã và đang có nhiều thành công trên thương trường, khẳng định tên tuổi, vị thế của mình không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn danh ra quốc tế.
Nhân dịp năm mới Tân Sửu, cùng điểm lại những doanh nhân tuổi Sửu sở hữu tập đoàn nghìn tỷ đình đám tại Việt Nam.
"Ông trùm" ngành thép Trần Đình Long
Xếp thứ 3 trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng và Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết là ông Trần Đình Long- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG).
Ông Long sinh năm 1961(năm Tân Sửu), được coi là doanh nhân thành công và giàu có nhất ngành thép Việt Nam.
Năm 2020 là một năm được coi là vô cùng thành công đối với Tập đoàn Hòa Phát nói chung và Chủ tịch Trần Đình Long nói riêng.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất Quý III/2020, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 3.785 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi cùng kỳ 2019. Đây cũng là mức lãi cao nhất trong quý của Hòa Phát trong suốt gần 30 năm lịch sử hoạt động.
Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt lợi nhuận ròng 8.845 tỷ đồng và đã thực hiện được đến 98% kế hoạch năm nay.
Trong nhiều phiên giao dịch trở lại đây, cổ phiếu ngành thép tăng mạnh và trở thành ngọn sóng lớn dẫn dắt thị trường. Trong đó, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát liên tục lập đỉnh và có thanh khoản ở mức cao so với mặt bằng chung của thị trường sau thông tin doanh nghiệp đạt lợi nhuận kỷ lục.
Nhờ diễn biến tích cực của giá cổ phiếu nên giá trị tài sản của “ông trùm” ngành thép Việt cũng tăng lên nhanh chóng.
Với thị giá 41.450 đồng/cpphiên chiều 31/12, chỉ tính riêng giá trị số lượng cổ phiếu HPG mà ông Trần Đình Long đang nắm giữ (864,000,000 cổ phiếu) đã lên tới 35,81 nghìn tỷ đồng.
“Nữ hoàng cá tra” Trương Thị Lệ Khanh
"Bà trùm" thủy sản Trương Thị Lệ Khanh mới đây đã lọt danh sách 50 người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes bình chọn,
Bà Lệ Khanh sinh năm 1961 ở An Giang. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại trường Đại học Tài chính Kinh tế TP.HCM, bà Khanh về làm việc tại một công ty xuất khẩu thủy sản tại An Giang. Trong thời gian làm việc tại đây, bà đã tích lũy không ít kiến thức và kinh nghiệm về ngành thủy sản.
Năm 1997, bà Lệ Khanh nghỉ việc nhà nước để "ra riêng" khi thành lập nên Công ty CP Vĩnh Hoàn.
Năm 2013, Vĩnh Hoàn trở thành công ty đại chúng với mã chứng khoán VHC.Suốt 23 năm qua, bà Khanh đã lèo lái Vĩnh Hoàn trở thành doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực xuất khẩu cá tra, cá basa tại Việt Nam.
Vì phần lớn doanh thu đến từ thị trường quốc tế, trong năm 2020, trước hàng loạt thách thức do đại dịch Covid-19 cũng như sự suy thoái toàn cầu trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B), kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn không đạt mức kỳ vọng.
Năm 2020, doanh nghiệp của “nữ hoàng cá tra” Trương Thị Lệ Khanh đặt kế hoạch với hai kịch bản, kịch bản cao là doanh thu 8.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.063 tỷ đồng; kịch bản thấp với doanh thu là 6.450 tỷ đồng và lợi nhuận là 800 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9/2020, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt gần 5.094 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 551,6 tỷ đồng, giảm 43,8% so với cùng kỳ.Với kết quả này, sau 9 tháng đầu năm doanh nghiệp hoàn thành 51,9% kế hoạch lợi nhuận với kịch bản cao; hoàn thành 69% kế hoạch lợi nhuận với kịch bản thấp.
Mặc dù vậy, bức tranh kinh doanh của Vĩnh Hoàn vẫn có nhiều điểm sáng khi mà tính đến hết quý III/2020, tổng tài sản của VHC ghi nhận gần 7.008 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ so với đầu năm. Nợ phải trả của VHC giảm từ 1.735 tỷ đồng còn 1.619 tỷ đồng. Đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng từ 2.932 tỷ đồng lên 3.425 tỷ đồng.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh chính, trong kỳ, VHC có đầu tư chứng khoán với tổng giá trị tính đến cuối quý III/2020 là 128 tỷ đồng với 3 mã cổ phiếu chiếm 10% trên tổng giá trị cổ phiếu trở lên là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VNM), Tập đoàn FPT (mã FPT) và Tập đoàn Hoà Phát (HPG).
Mức cổ phiếu của Vĩnh Hoàn tăng cao tới 143% trong thời điểm những tháng cuối năm cũng góp phần củng cố giá trị tài sản của bà Lệ Khanh.
Hiện tại, bà Trương Thị Lệ Khanh đang sở hữu trực tiếp 42,8% cổ phần của Vĩnh Hoàn, là Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt VASEP và là người giàu thứ 13 trên sàn chứng khoán với tổng khối tài sản lên tới hơn 3.800 tỷ đồng.
Trong danh sách tỷ phú nữ của Việt Nam, bà Khanh xếp ở vị trí thứ 4, sau bà chủ Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo và 2 nữ tướng của Vingroup là bà Phạm Thu Hương và bà Phạm Thúy Hằng.
CEO TNI Corporation Lê Hoàng Diệp Thảo
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo (SN 1973- Quý Sửu) đồng sáng lập và sở hữu Tập đoàn Trung Nguyên – hiện đang là CEO Công ty TNHH Trung Nguyên International- TNI Corporation.
Ngày 16/06/1996 bà cùng chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ khởi nghiệp, thành lập Hợp tác xã cà phê Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột. Đến năm 1998, công ty mở quán cafe Trung Nguyên đầu tiên tại TP.HCM tại nhà của hai vợ chồng ở 587 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận.
Năm 2008, bà Diệp Thảo giữ vai trò Tổng Giám đốc Công ty Trung Nguyên International (TNI) và Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên.
Là một người phụ nữ xinh đẹp, tài năng, một doanh nhân thành đạt, song trong khoảng thời gian còn điều hành Trung Nguyên bà khá kín tiếng, ít xuất hiện trước truyền thông. Đến khi cuộc hôn nhân của bà và ông Đặng Lê Nguyên Vũ gây ồn ào dư luận, tốn nhiều giấy mực của báo giới, bà Diệp Thảo mới được mọi người biết đến nhiều hơn.
Mâu thuẫn, tranh chấp quyền quản lý công ty Trung Nguyên giữa vợ chồng ông vua cà phê Trung Nguyên chính thức nổ ra sau khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ bãi nhiệm chức danh Phó TGĐ của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Trung Nguyên vào tháng 4/2015.
Về tranh chấp tài sản, HĐXX xác định, tổng cộng ông Vũ bà Thảo sở hữu cổ phần trị giá hơn 5.700 tỷ đồng trong các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên. Tòa chia cho ông Vũ hưởng 60%, bà Thảo 40%.
Tuy nhiên, toà chấp nhận đề nghị của ông Vũ, cho rằng việc chia cổ phần cho cả hai sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, nên để ông Vũ sở hữu các cổ phần của bà Thảo.
Kết thúc vụ ly hôn ồn ào kéo dài suốt 4 năm với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, hiện nay tổng giá trị tài sản bà Thảo sở hữu lên tới 3.400 tỷ đồng.
Trong đó, số tài sản gồm tiền, vàng gửi tại ngân hàng trị giá 1.764 tỷ đồng và 1.220 tỷ đồng tương ứng với số cổ phần bà sở hữu tại tập đoàn Trung Nguyên; 7 khu bất động sản có giá trị hơn 375 tỷ đồng. Với khối tài sản đang sở hữu, bà Thảo lọt vào danh sách Top 10 phụ nữ giàu nhất Việt Nam.
Bạch Hiền