Năm 2017, Việt Nam có 2 tỷ phú USD được ghi danh toàn cầu là ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, theo bảng xếp hạng của Forbes.
Cụ thể, trong năm 2017 vừa qua, tỷ phú Phạm Nhật Vượng chứng kiến khối tài sản tăng trưởng ngoạn mục. Chỉ trong 1 phiên giao dịch ngày 5/12, ông Vượng ghi nhận 2 kỷ lục lịch sử: lấy lại ngôi người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, đồng thời sở hữu doanh nghiệp tư nhất lớn nhất trên cả nước.
Khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dần lộ diện và trên thực tế lớn hơn nhiều so với những tính toán hiện nay trên thị trường và cao hơn cả tính toán của tạp chí tài chính uy tín Forbes.
Tính tới cuối ngày 29/12, tổng tài sản của ông Vượng đạt 119,2 ngàn tỷ đồng (tương đương 5,3 tỷ USD), cao hơn nhiều so với con số 30,4 ngàn tỷ cuối 2016.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ảnh: Thanh niên |
Bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng, năm 2017, CEO hãng hàng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo là người phụ nữ Việt Nam duy nhất lọt top 100 người phụ nữ quyền uy nhất thế giới. Với khối tài sản tăng thêm 500 triệu USD, quyền lực của CEO VietJet bỏ xa bà Hillary Clinton.
Theo Forbes, khối lượng tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo tính tới hết ngày 29/12, là 2,4 tỷ USD, cao hơn nhiều con số 1,82 tỷ USD trong công bố trước đó. Bà Thảo cũng là nữ tỷ phú USD duy nhất người Việt và độc chiếm luôn “ngôi hậu” Đông Nam Á và đứng thứ 1.019 trên thế giới.
Tính theo số lượng cổ phiếu trên sàn, bà Thảo có tổng tài sản là 24,7 ngàn tỷ (1,08 tỷ USD). Tuy nhiên, khối tài sản này có thể còn tăng mạnh do cổ phiếu Ngân hàng HDBank sẽ lên sàn vào đầu năm 2018. Bên cạnh đó, bà Thảo còn là chủ tịch Tập đoàn Sovico Holdings).
CEO Nguyễn Thị Phương Thảo. Ảnh: Báo Đầu tư |
Khối tài sản của bà Thảo tăng vọt theo triển vọng của thị trường hàng không Việt Nam và kết quả kinh doanh của VietJet. Trong 9 tháng đầu năm, hãng hàng không Vietjet (VJC) của bà Thảo đạt lợi nhuận trước thuế gần 3 ngàn tỷ đồng và có tổng tài sản hơn 26 ngàn tỷ đồng. Cổ phiếu VJC đã tăng gần gấp đôi kể từ khi lên sàn hồi cuối tháng 2/2017.
Tính đến thời điểm hiện tại, Forbes mới chỉ công nhận 2 tỷ phú USD tại Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Tuy nhiên, nhiều khả năng trong năm 2018, tạp chí này sẽ công nhận thêm một/một vài tỷ phú USD Việt Nam nữa.
2 ứng viên có thể kể đến là tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan và tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.
Ông Quang mới đây đã được hãng tin Bloomberg vinh danh là tỷ phú USD thứ 3 tại Việt Nam với khối tài sản 1,2 tỷ USD. Còn với ông Trần Đình Long, việc cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng mạnh trong thời gian gần đây đã đưa tài sản trên sàn chứng khoán của ông Long vượt 1 tỷ USD (trên 24.200 tỷ đồng).
Vũ Đậu (T/h)