Theo đó, các trường công khai đề án tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam trên cổng thông tin điện tử của trường, của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc quy chế thi; Cấp phát, quản lý chứng chỉ theo đúng quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT. Cần đảm bảo người sử dụng chứng chỉ có thể tra cứu thông tin về chứng chỉ trên website chính thức của trường.
Bộ cũng yêu cầu trường báo cáo kế hoạch tổ chức thi, thời gian, địa điểm của từng đợt thi, tổng hợp và đánh giá kết quả thi sau mỗi đợt thi gửi về bộ phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo.
Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được ban hành ngày 24/1/2014, trên cơ sở ứng dụng khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh ở các nước, kết hợp với tình hình và điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam.
Khung này được chia làm 3 cấp (sơ cấp, trung cấp, cao cấp) và 6 bậc (từ 1 đến 6 tương thích với các bậc từ A1 đến C2 trong CEFR):
Bậc 1 (sơ cấp) tương thích với bậc A1 trong CEFR.
Bậc 2 (sơ cấp) tương thích với bậc A2 trong CEFR.
Bậc 3 (trung cấp) tương thích với bậc B1 trong CEFR.
Bậc 4 (trung cấp) tương thích với bậc B2 trong CEFR.
Bậc 5 (cao cấp) tương thích với bậc C1 trong CEFR.
Bậc 6 (cao cấp) tương thích với bậc C2 trong CEFR.
Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc này được dùng làm tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức, viên chức (về ngạch, bậc hoặc quy hoạch, bổ nhiệm) thay vì sử dụng các loại chứng chỉ A, B, C như trước.
Yêu cầu đầu vào khi tuyển sinh trình độ sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) trong nước cũng áp dụng theo khung này. Với sinh viên đại học, điều kiện để được tốt nghiệp là có chứng chỉ bậc 3/6 trở lên.
Thủy Tiên(T/h)