(ĐSPL) – Sau khi nguyên nhân gây cá chết hàng loạt tại miền Trung được công bố, ngư dân các địa phương cảm thấy yên tâm hơn khi vươn khơi bám biển nhưng bên cạnh đó vẫn còn những nỗi trăn trở...
Sau gần 3 tháng chờ đợi, ngư dân miền Trung đã được nghe Chính phủ kết luận về nguyên nhân gây ra sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình , Quảng Trị, Thừa Thiên, Thừa Thiên - Huế hồi tháng 4 vừa qua.
Kết quả điều tra cho thấy, Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã xả thải không đúng quy trình, gây ô nhiễm nguồn nước biển nghiêm trọng.
Tại buổi họp báo, đại diên công ty TNHH Formosa đã cúi đầu nhận lỗi, xin lỗi Chính phủ và người dân Việt Nam vì đã để xảy ra sự cố ngoài mong muốn, đồng thời nhận bồi thường mọi thiệt hại đối với người dân bị ảnh hưởng với số tiền 11.500 tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD và tìm cách khắc phục; cải thiện hệ thống xử lý nước thải của dự án để đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Kết quả được công bố không gây nhiều bất ngờ cho ngư dân nhưng đã tạo thêm niềm tin mãnh liệt của người dân vào sự vào cuộc quyết liệt, cứng rắn của Chính phủ.
Chiều 1/7, một ngày sau khi nguyên nhân gây cá chết được công bố, vùng biển Vũng Áng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã tấp nập hơn. Ngư dân hơn bao giờ hết đang rất hồ hởi, phấn chấn. Những chiếc tàu thuyền, ngư cụ nay đã được đưa ra, sửa soạn chuẩn bị cho những chuyến ra khơi.
Ngư dân ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã chuẩn bị cho những chuyến vươn khơi bám biển. |
Sau gần 3 tháng lao đao, có thời điểm phải neo thuyền, ngừng ra biển, đến hôm nay, anh Bùi Xuân Luật, trú xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã chuẩn bị ngư cụ, ra biển từ rất sớm để sửa sang lại tàu thuyền, chuẩn bị chu đáo cho chuyến ra khơi vào sáng sớm mai.
Anh Luật chia sẻ: “Chúng tôi không quá bất ngờ khi biết chính Formosa là nguyên nhân gây ra cá chết. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc đánh bắt cá, chính vì vậy thời gian qua cuộc sống có nhiều đảo lộn. Thiệt hại để lại thì rất nặng nề, khó có thể bồi thường nhưng ít nhiều, sự cầu thị và lời cam kết của Formosa phần nào khiến ngư dân chúng tôi yên lòng”.
Không kém phần phấn chấn, ông Nguyễn Văn Mây, ngư dân ở xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh tươi cười chia sẻ: “Hay tin Formosa chịu trách nhiệm và cam kết sẽ bồi thường, khắc phục, ngư dân chúng tôi thấy yên tâm phần nào. Ít nhất, những thiệt hại thời gian qua chúng tôi gánh chịu cũng được bồi thường, góp phần giúp chúng tôi cân bằng lại cuộc sống”.
Bên cạnh sự phấn khởi ấy, vẫn còn đó nhiều trăn trở mà người dân các tình miền Trung dân cần được giải đáp.
Dù rằng, nguyên nhân cá chết đã được xác định, nhưng thời điểm hiện nay, đánh bắt cá vùng nào an toàn, thời điểm nào được vô tư ăn cá, thỏa sức tắm biển… mà không sợ ô nhiễm vẫn đang là câu hỏi được ngư dân nói riêng và người dân nói chung rất quan tâm.
“Không biết đến bao giờ người dân có thể yên tâm ăn cá biển, sự cố sẽ được khắc phục... Người dân chúng tôi rất cần có câu trả lời sớm”, bà Nguyễn Thị Nguyệt, trú tại TP. Hà Tĩnh bày tỏ.
Ngư dân Lê Văn Thành, trú xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh lo lắng: “Biết rõ nguyên nhân cá chết, được tiếp tục ra khơi, chúng tôi cảm thấy yên tâm phần nào, nhưng vẫn còn nhiều suy nghĩ lắm. Nước biển bao giờ sạch, cá có nhiễm độc? Chúng tôi vẫn cần lắm sự vào cuộc quyết liệt và của các cơ quan chức năng”.
Bên cạnh niềm vui bám biển trở lại, ngư dân Lê Văn Thành vẫn còn lo lắng đến bao giờ thì nước biển sạch, người dân yên tâm ăn cá... |
Ông Nguyễn Đình Vinh, chủ tịch UBND xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh cho biết, toàn xã hiện có hơn 320 hộ dân tham gia khai thác, đánh bắt hải sản. Sau khi nghe được công bố của Chính phủ, tất cả đều vui mừng vì sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ban ngành để tìm ra được nguyên nhân dẫn đến cá chết. Người dân nay chỉ mong muốn biển sớm sạch, cá đánh bắt được sẽ có người mua.
Cũng trong chiều 1/7, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã xuống tận các xã chịu ảnh hưởng để lắng nghe tâm tư, động viên bà con. Ông Sơn hứa sẽ phối hợp cùng Chính phủ làm hết trách nhiệm để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân yên tâm phát triển kinh tế, tiếp tục vươn khơi bám biển.
Sáng 1/7, ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thông tin với báo chí: UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quyết định thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh xả thải. Quyết định trên được ký vào cuối buổi chiều ngày 30/6, ngay sau khi chính phủ tổ chức buổi họp báo, chính thức công bố nguyên nhân gây hiện tượng cá chết hàng loạt tại Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Trung là do khu công nghiệp gang thép Formosa Hà Tĩnh gây ra. Được biết, hội đồng đánh giá thiệt hại gồm có 18 thành viên do ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh làm chủ tịch; Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh làm phó chủ tịch hội đồng; Lãnh đạo các Sở TN&MT, Sở NN&PTNT; Sở LĐ-TB&XH; Sở Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân và thị xã thị xã Kỳ Anh là các thành viên trong hội đồng. "Thành lập hội đồng là để có sự minh bạch, chủ động đánh giá thiệt hại mà ngư dân là người chịu ảnh hưởng trực tiếp và sẽ được thực hiện bắt đầu ngay trong ngày 1/7", ông Dương Tất Thắng cho biết. Cùng ngày, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại do sự cố môi trường biển do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương làm Chủ tịch Hội đồng cùng với 15 thành viên khác. Hội đồng có nhiệm vụ xây dựng đề cương, kế hoạch, phân công nhiệm vụ, thành lập tổ giúp việc, chỉ đạo thành lập các hội đồng đánh giá thiệt hại cấp huyện; đánh giá chính xác giá trị thiệt hại sau sự cố môi trường trên tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng trong thời gian sớm nhất; đề xuất giải pháp tổng thể để khôi phục sự cố và ổn định sản xuất phù hợp với quy định và thực tế ở các địa phương, các lĩnh vực; tổng hợp tham mưu, báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương. |
NHÓM PVMT
Nguồn: Người đưa tin
[mecloud]BdDzEPaDcA[/mecloud]