(ĐSPL) - Người chúng tôi gặp là Đại tá Nguyễn Kim Hồng (SN 1931, quê huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, hiện đang ở thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Vào đội dân quân tự vệ khi còn là thiếu niên, ông đã có hơn 40 năm miệt mài chiến đấu trong quân ngũ.
Ông Hồng là người trực tiếp tham gia nhiều trận đánh lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc.
Em út của đội dân quân tự vệ
Chiến tranh đã qua đi nhưng ký ức về những sự kiện lớn của dân tộc như Quốc khánh 2/9, Điện Biên Phủ trên không, Thành cổ Quảng Trị... vẫn mãi là hồi ức không thể quên trong tâm trí người lính già. Ông nói rằng, mỗi khi đến ngày này, ra đường thấy cờ đỏ sao vàng trên các tuyến phố, những hình ảnh về ngày đứng dưới loa nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập lại cứ thế ùa về.
Chầm chậm nhấp chén trà đặc, Đại tá Kim Hồng hồi tưởng về những ngày tháng 8/1945: “Khi đó Ủy ban khởi nghĩa huyện Hương Khê do đồng chí Nguyễn Tuy làm Chủ tịch đã tổ chức quần chúng tước vũ khí của binh lính đồn Chu Lễ, tiếp quản huyện lỵ. Sau khi giành chính quyền ở huyện, Ủy ban khởi nghĩa lãnh đạo các xã nhanh chóng tổ chức giành chính quyền cấp xã”.
Mặc dù đã lớn tuổi nhưng người lính già vẫn còn minh mẫn. |
Ngày đó, chàng thiếu niên Kim Hồng mới bước qua tuổi 15. Tận mắt chứng kiến tội ác của quân thù, nhìn thấy không ít đồng bào chết đói, chết khát nằm la liệt trên đường, ông quyết tâm xung phong vào đội dân quân tự vệ. Bất chấp sự phản đối từ gia đình, ông Kim Hồng vẫn một mực đòi vào đội dân quân tự vệ. Nhìn cậu bé người gầy gò, xanh xao, nhiều cán bộ cách mạng cảm thấy e ngại. Thậm chí, có người còn khuyên Kim Hồng nên về nhà giúp mẹ trông em.
Không được nhận vào đội dân quân tự vệ, cậu bé Kim Hồng thẫn thờ ngồi đợi. Mãi tới chiều tối, một đồng chí chừng 30 tuổi mới gọi Kim Hồng vào phòng. Biết tin mình được chấp nhận, chàng thiếu niên hét lên vì vui sướng. Và từ đây, ông trở thành cậu em út của đội dân quân tự vệ. Dù thế, ông luôn là người xông xáo nhất trong các nhiệm vụ được giao.
Trong ký ức của ông Hồng khi đó, không khí tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Hương Khê vô cùng sôi nổi, rầm rộ. Người già, người trẻ, người gậy gộc, người giáo mác kéo nhau lên huyện đòi chính quyền. Trước cảnh cả đoàn người kéo nhau lên, trong tay ai cũng có vũ khí, tri huyện hoảng sợ phải ra thương lượng với người dân, chấp nhận thoái vị. “Ngày đó người dân đói lắm, không có gì ăn bởi quân Nhật lấy hết thóc lúa của dân. Thời kỳ đó cả nước có hàng triệu người chết đói, trong đó có không ít người dân Hương Khê”, ông Kim Hồng nhớ lại.
Kỷ niệm sâu sắc nhất trong lòng Đại tá Kim Hồng về ngày 19/8 đó chính là không khí sôi nổi trong quần chúng nhân dân. Ai cũng tin tưởng sự lãnh đạo của Bác Hồ, của Đảng Cộng sản Việt Nam để cướp chính quyền. Hôm đó, cậu bé Kim Hồng cũng tham gia đoàn của toàn dân. Ông Hồng kể: “Buổi tối 18/8 có lệnh tổng khởi nghĩa của ban cách mạng lâm thời, thông báo tới toàn dân. Sáng hôm 19/8, 7h đã có rất nhiều người tập trung, ai cũng cầm vũ khí trong tay. Người gậy gộc, người cuốc xẻng, giáo mác kéo nhau lên huyện bao vây trụ sở nha huyện để giành lại chính quyền trong tay. Khi đó bà con vừa đi vừa hô to khẩu hiệu “Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh”, “Việt Minh muôn năm”,... Khi thấy nhân dân rầm rộ kéo đến, lính của nha huyện không dám bắn thẳng vào dân mà chỉ dám bắn chỉ thiên. Trước sức mạnh của quần chúng, bọn chúng không làm gì được, nhân cơ hội đó, bà con ùa vào tước vũ khí”.
Một số lính của nha huyện bị dân cảm hóa, hạ vũ khí đầu hàng. Họ hối lỗi trong giọt nước mắt muộn màng rồi theo đoàn biểu tình đi tiếp. Đại tá Kim Hồng chia sẻ: “Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hương Khê, đánh dấu mốc thắng lợi trọn vẹn của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn tỉnh”.
Ngày mùng 2/9 toàn bộ người dân Hà Tĩnh trong đó có ông Kim Hồng đã cùng tập trung dưới loa để lắng nghe bản Tuyên ngôn độc lập do Bác Hồ đọc. Khi nghe thấy giọng trầm ấm của Bác, ai cũng xúc động đến rơi nước mắt. Ông Kim Hồng đứng khóc. Lần đầu tiên trong đời, ông cảm thấy hạnh phúc đến vậy.
Ký ức về những trận đánh lịch sử
Sau năm 1945, ông Hồng tham gia lớp Bình dân học vụ của huyện Hương Khê và là một trong những đồng chí trẻ tuổi nhất tham gia giảng dạy. Một thời gian ngắn sau đó, ông chính thức được cầm súng ra chiến trường để cùng các đồng đội chiến đấu. Những trận đánh trên chiến trường Điện Biên, mặt trận Khe Sanh, Thành cổ Quảng Trị hay các chiến dịch quân đồn ở mặt trận Tây Bắc... có lẽ sẽ mãi là hồi ức sống mãi trong ông.
Đó là 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. ông khi đó là cán bộ tác chiến của Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Nhiệm vụ của Trung đoàn 57 là tham gia đánh trận khu vực Hồng Cúm. Ông và các đồng đội phải ngăn không cho quân Pháp kéo về chi viện cho phân khu Trung.
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, vị Đại tá này lại tiếp tục bước vào chiến dịch Thượng Lào - Cánh đồng Chum - Xieng Khuang (Lào), năm 1959; Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Suốt 170 ngày đêm gian khổ, ác liệt, đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Mặc dù khó khăn đủ bề, ông và đồng đội luôn động viên nhau vững tinh thần.
Tiếp đó là chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Khi đó, ông Hồng giữ chức vụ Tham mưu trưởng Hậu cần của mặt trận. “Ngày đó, trời mưa lũ, nước chảy ngập hầm. Các chiến sỹ phải chiến đấu trên nóc hầm nên thương vong rất nhiều. Còn bao nhiêu người, chúng tôi vẫn chiến đấu và quyết không buông súng”, Đại tá Hồng nói.
Sau 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ông Hồng nhận chỉ đạo quay về miền Bắc, tham gia trận chiến Điện Biên Phủ trên không. Đó là trận đánh trong suốt 12 ngày đêm. Ông được đơn vị phân công quan sát trận địa để báo cáo trực tiếp lên Bộ Chính trị và chỉ huy Quốc phòng. Rồi đến năm 1979, Đại tá Hồng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới. Lúc này, ông giữ chức vụ Tham mưu trưởng Hậu cần Quân khu II. Đại tá Kim Hồng công tác tại Quân khu II cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1987.
Sau nhiều năm trực tiếp cầm súng, tham gia hầu hết các trận đánh lớn, ông trở về với cuộc sống thường ngày. Ông Hồng bảo: “Mặc dù từ giã binh nghiệp nhưng tôi vẫn giữ được thói quen của một người lính. Có lẽ, cách ăn, ngủ, nếp sinh hoạt của tôi cũng đã ngấm chất lính rồi. Tôi không cho phép mình được nghỉ ngơi. Tôi từng làm Chủ nhiệm CLB Hưu trí thị xã Phúc Yên; Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào khu vực Vĩnh Phúc; Phó Ban liên lạc Cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên khu vực Bắc Hà Nội...”.
Người dân địa phương gọi ông bằng cái tên thân thương nhưng khâm phục, "Đại tá chân đất". Ông không ngại ngần xắn quần áo, xuống lội ruộng cùng người dân. Hễ ai gặp khó khăn ông đều giúp đỡ hết mình. Đối với người lính già này, việc được người dân quý mến là một niềm hạnh phúc lớn lao.
Những phần thưởng xứng đáng Hơn 70 năm qua, với những đóng góp trong cả thời chiến và thời bình, Đại tá Kim Hồng đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Quân kỳ quyết thắng; đặc biệt là Huân chương Quân công hạng Nhì - Danh hiệu huân chương cao nhất của quân đội Nhân dân Việt Nam. |
LÊ DUYÊN
[mecloud]fFK4icei6p[/mecloud]