+Aa-
    Zalo

    Những tội chỉ bị xử lý khi có yêu cầu của nạn nhân

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Rút yêu cầu khởi kiện có nghĩa là không còn thưa kiện nữa. Tuy nhiên, không phải tất cả các hành vi phạm tội nếu được bãi nại là không bị xử lý hình sự.

    (ĐSPL) - Rút yêu cầu khởi kiện có nghĩa là không còn thưa kiện nữa. Tuy nhiên, không phải tất cả các hành vi phạm tội nếu được bãi nại là không bị xử lý hình sự.

    Hỏi: Vừa qua con tôi vẫn bị khởi tố và đưa ra tòa án xét xử. Tôi thấy có trường hợp tương tự như vậy (gây thương tích nhưng đã bồi thường thiệt hại và người bị hại đã có đơn bãi nại) thì không bị xử lý hình sự. Vậy, pháp luật quy định trường hợp nào và đối với hành vi phạm tội gì khi người bị hại có đơn bãi nại thì không bị xử lý hình sự?


    Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

    Đơn bãi nại được hiểu là rút yêu cầu khởi kiện, có nghĩa là không còn thưa kiện nữa. Tuy nhiên, không phải tất cả các hành vi phạm tội nếu được bãi nại là không bị xử lý hình sự.

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự (năm 1999, sửa đổi và bổ sung năm 2009) chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại.

    Cụ thể:

    - Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (khoản 1 Điều 104).

    - Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (khoản 1 Điều 105).

    - Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (khoản 1 Điều 106).

    - Tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (khoản 1 Điều 108).

    - Tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (khoản 1 Điều 109).

    - Tội Hiếp dâm (khoản 1 Điều 111).

    - Tội Cưỡng dâm (khoản 1 Điều 113).

    - Tội Làm nhục người khác (khoản 1 Điều 121).

    - Tội Vu khống (khoản 1 Điều 122).

    - Tội Xâm phạm quyền tác giả (khoản 1 Điều 131).

    - Tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (khoản 1 Điều 171).

    Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.

    Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

    Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

    Và Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích như sau:

    "1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11\% đến 30\% hoặc dưới 11\% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

    a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

    b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

    c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

    d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

    đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

    e) Có tổ chức;

    g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

    h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

    i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

    k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

    2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31\% đến 60\% hoặc từ 11\% đến 30\% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

    3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61\% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31\% đến 60\% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

    4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân".

    Như vậy, theo quy định pháp luật trên, nếu con bạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự về tội cố ý gây thương tích thì khi có đơn bãi nại của người bị hại thì con bạn sẽ không bị truy tố. Nhưng, nếu con bạn bị truy cứu trách nhiệm theo khoản 2, 3 hoặc 4 Điều 104, thì mặc dù có đơn bãi nại của người bị hại thì cơ quan công an vẫn tiến hành khởi tố vụ án. Do đó, con bạn vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

    Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.

    Luật gia Đồng Xuân Thuận
    Nguồn: Người đưa tin
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-toi-chi-bi-xu-ly-khi-co-yeu-cau-cua-nan-nhan-a141443.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan