+Aa-
    Zalo

    Những tình huống bi, hài ở chốn pháp đình năm 2016

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Những tình huống bi hài có một không hai, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của biết bao người mẹ có con phạm tội; Chuyện tỏ thái độ vì bị tăng án...

    (ĐSPL) - Những tình huống bi hài có một không hai, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của biết bao người mẹ có con phạm tội hoặc con là nạn nhân; Chuyện tỏ thái độ vì bị xử tăng án... là những “sự kiện” đã diễn ra tại chốn pháp đình khắp cả nước năm 2016.

    Hoa hậu Phương Nga ngày hầu tòa

    Không nhận cha mẹ, cũng chẳng có anh em

    Một ngày giữa tháng 4/2016, sân tòa án vắng lặng bởi không có nhiều vụ án được xét xử. Một cặp vợ chồng già dắt díu nhau, động viên nhau trong ghế đá sân tòa. Họ là cha mẹ ruột của bị cáo Lê Thị Liên (SN 1983, quê huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Liên được xác định là hung thủ gây ra cái chết của bạn tình đồng tính hơn 3 năm trước. Năm 2013, Liên vào TP.HCM làm việc và may mắn được nữ chủ tiệm tóc cưu mang. Thời gian sau, Liên nảy sinh tình cảm và có quan hệ đồng tính với nữ chủ tiệm. Hai người từng 32 lần đưa nhau vào khách sạn "tâm sự", nhưng vì ghen, Liên đã giết chết bạn tình của mình rồi bỏ trốn và bị truy nã. Khi bị bắt, Liên không nhận mình là Lê Thị Liên mà nói mình là Kimura – một cô gái người Hàn Quốc.

    Ra tòa, Liên đã khiến HĐXX cũng như những người dự khán nhiều lúc cười ra nước mắt. HĐXX mời bị cáo Liên đứng sau vành móng ngựa thì Liên “nhắc” “Kimura chứ”. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại suốt phiên tòa. Liên cũng khai chẳng quen biết gì với nạn nhân. Ngay cả khi HĐXX mời cha mẹ, anh trai Liên lên đối chất, Liên cũng bảo không quen biết gì họ! Liên nói Liên sinh ra tại Đà Lạt, mẹ là người Việt, cha là người Hàn Quốc, không có cha mẹ nào khác. Tình huống này khiến cha mẹ Liên hết sức đau lòng. Họ bảo khúc ruột họ sinh ra mà đến giờ lại không chịu nhận cả cha mẹ mình. Không nhận được cô con gái nổi loạn, họ dắt díu nhau rời phòng xử án trong tiếng thở dài

    Kiện đòi bồi thường 1.000 đồng và 2 bản án trái ngược

    PGS.TSKH Phan Dũng đã từng công tác tại một trường đại học gần 40 năm, trong đó có 23 năm là Giám đốc trung tâm Sáng tạo khoa học – kỹ thuật thuộc trường. Khi đến tuổi về hưu, ông có mong muốn được tiếp tục ở lại trường theo Nghị định 141. Tuy nhiên, ông không những không được tiếp tục giữ lại trường theo nguyện vọng cá nhân mà còn nhận được quyết định nghỉ hưu với 2 văn bản có 25 chữ “không”. Cho rằng công lao và cống hiến của mình bị phủ nhận hoàn toàn, vị PGS.TSKH này đã kiện nhà trường, nơi mình từng công tác ra tòa.

    Trong đơn khởi kiện gửi TAND quận 5, ông Dũng yêu cầu trường ĐHKHTN phải cải chính các thông tin sai sự thật, bịa đặt, vu khống; Xin lỗi công khai bằng văn bản và bồi thường danh dự cho ông 1.000 đồng. Khi xét xử, TAND quận 5 đã tuyên bác đơn của ông Dũng, buộc ông Dũng phải xin lỗi trường trên báo chí. Trái lại, tòa án cấp phúc thẩm nhận định, ông Dũng kiện là đúng và tuyên ông Dũng không phải xin lỗi trường, nhưng không đề cập gì đến việc bồi thường danh dự tượng trưng 1.000 đồng như bị đơn yêu cầu.

    Tố chồng Thư ký tòa nhận tiền chạy án, bị cáo tăng án gấp 5 lần

    Ba người phụ nữ cùng ngồi khóc trên một ghế đá trong sân tòa án. Họ đều là người trong một gia đình. Ít phút trước đó, 1 trong 3 người kia là bị cáo trong vụ án Cố ý gây thương tích vừa bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử. Bị cáo Mai Thị Ngọc Vân (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho rằng mình không có tội, nhưng bị tuyên tăng hình phạt lên gấp gần 5 lần so với mức án của tòa sơ thẩm.

    Phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Vân sẽ chỉ như một phiên tòa bình thường khác nếu không có chuyện bị cáo này đã từng tố cáo chồng của 1 thư ký làm việc trong tòa án gạ đưa 85 triệu đồng để chạy cho bị cáo được hưởng án treo. Chuyện là, sau khi bị TAND quận Tân Bình tuyên phạt 9 tháng tù vì gây thương tích cho hàng xóm, Vân kháng cáo kêu oan, người bị hại cũng kháng cáo tăng hình phạt đối với Vân. Khi phiên phúc thẩm sắp diễn ra, Vân được 1 phụ nữ tên N. (thư ký tòa, phụ trách phiên xử phúc thẩm vụ án của Vân) gợi ý đưa tiền “chạy án”. Vân đã trình báo sự việc với công an. Khi chồng của thư ký N. đến nhận tiền thì bị bắt quả tang.

    VKS nói tòa sơ thẩm vi phạm tố tụng, đề nghị trả hồ sơ điều tra lại nhưng đề nghị này không được HĐXX chấp nhận vì cho rằng có vi phạm nhưng không nghiêm trọng. HĐXX cũng cho rằng hành vi của Vân là nguy hiểm, nhưng không thành khẩn khai báo, bản án sơ thẩm tuyên phạt 9 tháng tù là chưa phù hợp với hành vi bị cáo gây ra, chưa có tính răn đe, không... nhận được sự đồng tình của xã hội. Vì vậy, HĐXX quyết định chấp nhận kháng cáo của bị hại, tăng hình phạt của bị cáo Vân từ 9 tháng tù lên 4 năm tù.

    Mẹ già tìm đủ mọi cách mong con thoát chết

    Vụ án chấn động xảy ra tại Bình Phước do Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại gây ra chưa bao giờ hết xôn xao. Sơ thẩm, tòa tuyên Dương và Tiến mức án cao nhất, tử hình. Thương mẹ và muốn được sống, Tiến kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Không đành lòng để cậu con trai hiền lành chịu án tử, bà Vũ Thị Thi (mẹ Tiến) tìm mọi cách để mong Tiến có cơ hội sống. Nhà nghèo, bà đi vay mượn để có tiền đền bù cho gia đình bị hại nhưng vẫn không được chấp nhận.

    Vì thương con, bà đã lặn lội khắp nơi, gặp ai, bà cũng xin chữ ký xin giảm nhẹ tội cho Tiến. Cũng vì thương con, bà đã đến tòa từ sớm, quỳ gối giữa sân tòa, gập đầu trước từng người trong gia đình người bị hại để cầu xin họ tha thứ tội lỗi cho con trai của bà. Để cứu Tiến thoát khỏi án tử, bà đã làm tất cả những gì có thể, nhưng vì hành vi quá nghiêm trọng, Tiến vẫn bị tuyên mức án cao nhất. Nghe tòa tuyên án, Tiến không thể đứng vững vì quá thất vọng. Bên dưới, mẹ Tiến ngã quỵ. Bà khóc nức nở khi Tiến không được giảm án. Những giọt nước mắt của bà đã không thể rửa trôi tội lỗi quá lớn mà Tiến đã gây ra. Mọi nỗ lực của bà, tình thương của bà đã không giúp Tiến có cơ hội nhỏ nhoi được quay về. Bà phải nhờ đến người thân dìu mới có thể rời phòng xử. Bước chân nặng nề, mệt nhọc bước ra sân tòa, bà cố nán lại để được nhìn Tiến một lần nữa. Đến khi tiếng còi hú của xe chở con bà rẽ dòng người đông đúc trên phố để về trại giam, bà vẫn còn đứng đó, nhìn trân trân cho đến khi chiếc xe đi khuất.

    "Hợp đồng tình cảm" của 1 Hoa hậu

    Bị truy tố, xét xử về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga và đồng phạm khẳng định mình bị oan, bởi số tiền mà Nga nhận từ vị đại gia này thực chất là “tình phí”. Theo đó, Nga quen đại gia Cao Toàn M. và có tình cảm với nhau. Ông M. đã chuyển cho Nga tổng cộng 16,5 tỷ đồng. Sau đó vì nhiều lý do, 2 người chia tay nhau và ông M. đòi lại số tiền này, đây là tiền chuyển cho Nga để nhờ Nga mua nhà giá rẻ cho mình. Trong khi đó, Nga khẳng định “đó là số tiền bị cáo đặt điều kiện với ông M. nếu muốn duy trì tình cảm với nhau. Ông M. muốn nghiêm túc với bị cáo thì phải thể hiện bằng việc chuyển tiền cho bị cáo. Sau khi chuyển tiền, ông M. còn làm một bản cam kết với nội dung bị cáo phải duy trì mối quan hệ với ông M. ít nhất 7 năm, nếu sai phải trả lại tiền. Bản cam kết này ông M. yêu cầu bị cáo ký, thậm chí còn mua mực về điểm vân tay vào nữa”.

    Tình huống này khiến cả phòng xử án xôn xao và khiến HĐXX "bối rối". Không thể xử tiếp khi có nhiều điểm còn chưa rõ, tòa tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đến thời điểm này, vụ án trên vẫn chưa được xử lại, điều này đồng nghĩa với việc Hoa hậu Nga ăn Tết Đinh Dậu trong tù, còn vị đại gia kia cũng không tránh khỏi những lo lắng.

    CÔNG THƯ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-tinh-huong-bi-hai-o-chon-phap-dinh-nam-2016-a178606.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan