(ĐSPL)- Một chiếc loa thùng, một chiếc micro không dây, bước chân họ không ngừng nghỉ trên những cung đường nơi phồn hoa đô hội, cất tiếng hát giữa sân khấu cuộc đời để mưu sinh.
Một ngày cuối tháng 6, trời Hà Nội nóng như đổ lửa. Thế nhưng không gian xô bồ ấy bỗng trở nên yên ả khi đâu đó cất lên tiếng hát ấm áp từ một gánh hát rong. Người thì lắng tai nghe, người lại lầm bầm cằn nhằn vì bị “làm phiền” bởi những ca sĩ đường phố, cũng không hiếm người mạt sát với những lời dè bỉu, khó nghe.
Bên một quán bia chật cứng khách trên đường Huỳnh Thúc Kháng, một “ban nhạc” 3 người đang hăng say phục vụ những khán giả của mình. Chàng ca sĩ mắt mơ màng ngân nga bản nhạc trữ tình nổi tiếng một thời được nhiều người ưa chuộng: “…Cuộc đời có bao lâu, vài lần đắng cay thôi, coi như mình đã già…”.
Trái ngược với hình ảnh thư thả của chàng ca sĩ, trong lúc đó, bạn anh đang hối hả mang kẹo cao su đến từng bàn để mời khách mua. Người cao hứng thì mua kẹo, bo thêm tiền, người “khó tính” thì xua đuổi, thậm chí mắng mỏ…
Đó là công việc thường ngày của ban nhạc “Hữu Tâm và những người bạn”.
Nơi nào có người nghe, nơi đó là sân khấu…
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa, thi đại học không đỗ, quanh quẩn mãi ở nhà không kiếm được công ăn việc làm, đúng lúc thấy mấy anh ra Hà Nội làm nghề này và có thu nhập khá ổn định nên Tâm cũng quyết theo nghề hát rong.
Đồ nghề của gánh hát đơn giản chỉ có một xe đẩy với chiếc loa thùng cỡ lớn chạy bằng ắc quy và chiếc micro không dây. |
Nghề hát rong tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng muốn được lòng khán giả thì các nhóm nhạc cũng phải đầu tư khá nhiều công sức. Vì đối tượng khách hướng đến phần lớn là giới trẻ nên các gánh hát rong đường phố phải luôn làm mới mình bằng việc cập nhật liên tục những bài hát đang ăn khách trên thị trường âm nhạc, đồng thời cũng không quên “ủ” sẵn một số bản nhạc vàng hoặc nhạc cách mạng để sẵn sàng phục vụ khi có yêu cầu. Điều này đồng nghĩa với việc các giọng ca phải bỏ khá nhiều thời gian để chọn lọc và tập luyện trước ở nhà nếu không muốn bị quên hoặc hát sai lời.
Khi được hỏi về ước mơ, chàng thanh niên 28 tuổi với giọng hát to và khỏe cười ngượng nghịu: “Mình có chút giọng, lại đam mê với âm nhạc, cũng muốn được thử sức trong các cuộc thi hát nhưng điều kiện không cho phép, thôi thì cứ chấp nhận theo đuổi niềm đam mê nhờ gánh hát này”.
Và những “trắc trở” trên đường mưu sinh…
Tâm bảo, công việc này thực ra chỉ là giải pháp tạm thời của những thanh niên thất nghiệp, tuy nhiên nó cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể với bình quân mỗi đêm mỗi người thu được khoảng 300.000 đồng, cộng thêm tiền bo của khách. Do vậy, các nhóm nhạc như của Tâm cũng hình thành ngày càng nhiều, sự cạnh tranh về địa bàn hoạt động của các nhóm cũng khá gay gắt.
Một lần, khi vừa rời một quán bia trên đường Cầu Giấy, nhóm của Tâm bị hàng chục thanh niên chặn đường “dằn mặt” vì dám xâm nhập địa bàn của nhóm khác. Phải khéo léo lắm và hứa “không bao giờ trở lại” thì mới đảm bảo được an toàn cho cả nhóm và quan trọng nhất là bộ loa thùng – cái cần câu cơm không thể thiếu mỗi ngày.
Bên cạnh kỹ năng ca hát, những “ban nhạc” này cũng phải tích lũy khá nhiều kinh nghiệm để xử lý khôn ngoan mỗi khi bị công an “sờ gáy” hoặc gặp những khán giả khó tính, khó chiều. Thậm chí, cuộc sống phiêu bạt cũng đã rèn luyện sự cho họ “cứng rắn”, “chai lỳ” trước những lời chỉ trích, mỉa mai…
“Có thể mọi người nghĩ hát rong là xấu, chẳng khác gì đi ăn xin, nhưng chúng em kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, đâu có cướp giật, xin xỏ ai đâu?”, Tâm chia sẻ.
Hãy mở rộng tấm lòng…
Hát rong là một “nghề không có nghiệp”. Bất kì ai khi chọn công việc này cũng đều có những lí do bất khả kháng, và đôi khi do dòng đời “đẩy đưa”. Ai cũng mong muốn có một việc làm ổn định, nhàn nhã nhưng không phải ai cũng may mắn được học hành đầy đủ, được có cơ hội tiếp cận với việc làm.
Quả thực, khi đánh giá về công việc của mỗi người, chúng ta nên có cái nhìn công tâm hơn đối với những người làm nghề này. Khi ngang qua những “nhóm nhạc” đang say sưa hát ca, nếu không thể chia sẻ thì ta cũng đừng nên dè bỉu hay miệt thị bởi lẽ, khi họ đang kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình thì cũng chính là khi họ xứng đáng được tôn trọng.
Trong cái vội vã, náo nhiệt của cuộc sống, đôi khi người ta quá bận rộn để dừng lại lắng nghe một bản nhạc hay. Vậy thì những “nghệ sĩ đường phố” như nhóm hát của Tâm không chỉ hát để mưu sinh mà còn hát để cống hiến cho cuộc đời những giai điệu đẹp, để mỗi người khi bất chợt nghe thấy một bài ca là khi họ được tĩnh lại và cảm nhận được nhiều hơn những phút giây bay bổng đã vô tình bỏ qua.