Cựu công tố viên đầu tiên đắc cử tổng thống
Ứng viên đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) Yoon Suk-yeol, người dẫn dầu làn sóng phản đối chính phủ và mong muốn thay đổi chế độ, đã giành được chiến thắng sít sao trong cuộc đua vào Nhà Xanh với 48,5% số phiếu bầu vào ngày 10/3, chỉ hơn đối thủ chính của đảng Dân chủ cầm quyền Lee Jae-myung 0,7 điểm %.
Lên tiếng sau khi có kết quả bầu cử, ông Yoon phát biểu: "Đây không phải chiến thắng đối với tôi hay đảng PPP. Kết quả ngày hôm nay là chiến thắng dành cho toàn bộ người dân. Giờ đây, khi cuộc bầu cử đã kết thúc, chúng ta cần phải làm việc cùng nhau để trở thành một khối thống nhất".
Toàn bộ số phiếu bầu tại Hàn Quốc đã được hoàn tất kiểm đếm vào lúc 6h21 (giờ địa phương). Trong đó, ông Lee Jae-myung nhận được tổng cộng 47,8% phiếu bầu. Tuy nhiên, vào lúc 4h, ông đã thừa nhận thất bại tại cuộc bầu cử trong bài phát biểu từ trụ sở đảng Dân chủ. Đồng thời, ông cũng đã gửi lời chúc mừng tới đối thủ đảng PPP và kêu gọi mọi người đoàn kết, hàn gắn đất nước.
Với thắng lợi này, ông Yoon Suk-yeol (61 tuổi) là cựu công tố viên đầu tiên đắc cử tổng thống Hàn Quốc. Ông lần đầu được biết đến rộng rãi vào năm 2016 khi dẫn đầu cuộc điều tra chống lại cựu Tổng thống Park Geun-hye liên quan tới vụ bê bối tham nhũng quyền lực lớn. Khi ấy, ông Yoon vận động sự cần thiết về việc thay đổi chế độ.
Ông ủng hộ sự công bằng và công lý, thúc đẩy sự phẫn nộ của công chúng đối với các nhiều hành vi thiếu công bằng của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, bao gồm việc bổ nhiệm những nhân vật dính bê bối làm bộ trưởng tư pháp.
Chiến thắng của ông sẽ đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử dân chủ của Hàn Quốc, đảng cầm quyền lại thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Quyền lực được sử dụng để thay đổi theo chu kỳ 10 năm hoặc sau hai nhiệm kỳ. Theo hiến pháp Hàn Quốc, ông Moon Jae-in bị cấm tái tranh cử.
Thách thức trong tương lai
Theo NEC, cuộc bầu cử năm nay của Hàn Quốc có sự tham gia của khoảng 34 triệu cử tri, tương đương với 77,1%. Hai cuộc thăm dò được công bố vào tối 9/3, sau khi người dân Hàn Quốc kết thúc bỏ phiếu, cho thấy 2 ứng viên tổng thống chạy đua với kết quả sít sao và dự đoán sự chênh lệch trong kết quả cuối cùng giữa 2 người ít hơn 1 điểm %.
Các chuyên gia nhận định, chiến thắng sít sao này cho thấy người dân Hàn Quốc đang bị chia rẽ và cảnh báo tân Tổng thống Yoon có thể sẽ phải đối mặt với con đương chông gai khi cố gắng thống nhất và đoàn kết 2 phe đối lập nhau.
Tiến sĩ Lee Seong-hyon, học giả thỉnh giảng tại Trung tâm Fairbank của Đại học Harvard, cho biết nhiều người coi cuộc bầu cử như một phán quyết đối với Tổng thống Moon và các chính sách thất bại của ông.
Các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề ngoại giao của Hàn Quốc trong tương lai, chỉ ra rằng ông Yoon, do thiếu kinh nghiệm, có thể sẽ áp đặt đường lối của đảng trong việc củng cố quan hệ đồng minh của Hàn Quốc với Mỹ - điều có thể kéo theo nhiều vấn đề.
Cụ thể, ông Yoon từng nói rằng Hàn Quốc cần triển khai một hệ thống chống tên lửa Phòng thủ Khu vực Tầm cao (Thaad) khác của Mỹ để răn đe Triều Tiên. Tuy nhiên, năm 2016, việc lắp đặt pin Thaad đầu tiên ở Hàn Quốc từng gây ra đòn trả đũa kinh tế lớn từ Trung Quốc kéo dài gần 2 năm.
Chuyên gia về châu Á Sean King của công ty tư vấn Park Strategies có trụ sở tại New York (Mỹ) nhận định: "Yoon cần phải gồng mình trước phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh khi tìm cách đưa Hàn Quốc đến gần Mỹ hơn".
Trong khi đó, ông Shawn Ho, cộng sự nghiên cứu của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, bày tỏ quan ngại rằng một trong những việc tốt mà chính quyền ông Moon làm được trong việc cố gắng hạ nhiệt căng thẳng với Triều Tiên "có thể sẽ bị bỏ rơi" khi ông Yoon lên nắm quyền. Ông nhận xét: "Chính quyền của ông Yoon sẽ có đường lối cứng rắn hơn đối với Triều Tiên và yêu cầu nước này phi hạt nhân hóa hoàn toàn cũng như không thể đảo ngược trước khi có bất kỳ cuộc đàm phán nào về việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt".
Ngoài ra, chuyên gia còn cho rằng sau khi lên nắm quyền, chính phủ mới của ông Yoon có thể sẽ không quá quan tâm tới khu vực Đông Nam Á. Ông Ho cho biết điều này sẽ thật đáng tiếc khi chính quyền của ông Moon đã thành công trong việc nâng quan hệ ASEAN-Hàn Quốc lên mức cao nhất mọi thời đại do Chính sách hướng Nam mới nhằm vào làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á.
Phó giáo sư nghiên cứu quốc tế Leif-Eric Easley của Đại học Ewha Womans nhận xét: "Chính quyền của ông Yoon cũng sẽ cần đối phó với những thách thức như phục hồi kinh tế sau đại dịch và khủng hoảng khí hậu, đồng thời đóng góp cho cộng đồng quốc tế".
Ông dự đoán Hàn Quốc có thể "đấu tranh để theo đuổi các chính sách cải cách thay vì chính trị" sau một cuộc bầu cử chia rẽ nhưng với khả năng phục hồi dân chủ, vai trò quốc tế của nước này có thể bắt đầu phát triển.
Minh Hạnh (Theo Straits Times)