(ĐSPL) - Mới đây, đạo diễn Việt kiều Lê Lâm đã có buổi trò chuyện, giao lưu với giới sử học và khán giả Việt Nam sau buổi công chiếu phim tài liệu Công binh - Đêm dài Đông Dương của ông. Nhà sử học Dương Trung Quốc cùng nhiều người thân của những người lính thợ xưa đã có mặt, họ không khỏi xúc động, khi được chứng kiến sự thật từ quá khứ.
Đạo diễn Lê Lâm và nhà sử học Dương Trung Quốc (trái) khẳng định vai trò lịch sử quan trọng của bộ phim Công binh – Đêm dài Đông Dương. |
Nỗi đau tha hương khó “điểm mặt, gọi tên”
Bộ phim tài liệu Công binh – Đêm dài Đông Dương đã được công chiếu rộng rãi trên nước Pháp từ năm 2013 và được khán giả nước ngoài đón nhận nồng nhiệt. Cũng năm đó, bộ phim này đã nhận giải Kỳ lân vàng tại Liên hoan phim Amiens, giải nhất Hội đồng giám khảo LHP Pessac tại Pháp, cùng nhiều đề cử tại Hà Lan và Hồng Kông.
Tháng 9 năm 1939, khi nước Pháp tuyên chiến với phát xít Đức, Chính phủ Pháp đã cưỡng bức hai vạn thanh niên Việt Nam sang Pháp phục vụ cho chiến tranh. Những chàng thanh niên đó đã sống một cuộc đời đầy tủi nhục ở “mẫu quốc”. Theo thời gian họ gần như bị quên lãng, không ai biết họ sống chết ra sao.
Mãi đến năm 2009, khi cuốn sách Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939- 1952) - một trang sử thuộc địa bị lãng quên của nhà báo Pháp Piere Daum xuất bản thì sự thật mới được phơi bày. Ngay khi cuốn sách này ra đời, đạo diễn Lê Lâm và nhà sản xuất của ông bên Pháp ngay lập tức mua bản quyền và bắt tay vào sản xuất. Năm 2013, đạo diễn Lê Lâm đã hoàn thành bộ phim Công binh - đêm dài Đông Dương và đi vòng quanh nước Pháp chiếu giới thiệu bộ phim này.
Công binh – Đêm dài Đông Dương phản ánh thực trạng thời chiến năm 1939, khi Pháp tuyên chiến với Đức, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã đưa 2 vạn thanh niên Việt Nam sang phục vụ cho chiến tranh tại Pháp. Đáng chú ý là không chỉ có người trẻ, những người trung tuổi đã về hưu cũng bị kéo sang tiếp tục làm việc và bỏ lại người thân, gia đình tại quê nhà.
Một khán giả chia sẻ câu chuyện gia đình, ông Lê Hoàn Nam xúc động: “Ông nội tôi đã đi theo các công trình xây dựng của Pháp ở Việt Nam từ thời trẻ. Năm 1939, đến tuổi về hưu ông vẫn bị bắt sang Pháp làm lính thợ và qua đời bên đó khi bị bệnh. Bà tôi cùng 10 người con ở nhà trong nỗi băn khoăn, đau khổ vì mất hết ruộng vườn, lắng nghe những lời ra tiếng vào từ hàng xóm. Nhiều người con thậm chí đã hận ông. Như tôi là cháu cũng không hề biết mặt ông nội. Chúng tôi đã cố gắng nhiều năm, liên lạc với cả Đại sứ quán để tìm tung tích di cốt của ông, nhưng chưa có kết quả”.
Tương tự như trường hợp của ông Nam, không ít những người con của lính thợ Đông Dương đến tìm hiểu về công việc của ông cha mình trong quá khứ tại nước ngoài. Để khi chứng kiến lịch sử được tái hiện, họ ngỡ ngàng với tâm trạng hoang mang khi đã qua mấy thập kỷ mới biết được sự thật về người thân.
Chia sẻ về nguyên nhân theo đuổi đề tài lính thợ này trong suốt 3 năm trời, đạo diễn Việt kiều Lê Lâm bày tỏ: “Sau những năm sống trên đất Pháp, tôi đã gặp rất nhiều con cháu của những người lính thợ Việt Nam, nhưng không hề hiểu gì về thế hệ cha ông, nguồn gốc của họ. Bộ phim này đã thu hút nhiều người con lính thợ và khiến họ tìm ra sự thật.
Tương tự tại Việt Nam, không mấy gia đình có người làm lính thợ biết được người nhà họ đang làm gì tại nước ngoài. Tôi muốn gợi lại những gì lịch sử đã lãng quên, mở ra những điều thế hệ trước đã giấu đi cho mọi người không thể biết”.
“Tô” lại trang sử bị lãng quên…
Đoàn làm phim từ những năm 2010, khi ấy chỉ vỏn vẹn 4 người và 2 chiếc máy quay để thực hiện những góc quay giản dị, tái hiện cái nhìn chân thực nhất cho khán giả. Những người lính thợ ngày ấy cũng bị điều khiển như con rối, làm “bù nhìn” ở chế độ thực dân. Đó là nguyên nhân đạo diễn Lê Lâm nghĩ đến nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam, nét truyền thống độc đáo của nông dân ta thời xưa, hoàn toàn khác biệt với các nước khác trên thế giới.
Những cảnh quay của bộ phim tư liệu kéo dài suốt 120 tiếng đồng hồ, nhưng rồi được rút ngắn lại để làm phim chỉ 2 tiếng. Đó là những tư liệu quý báu, từ các nhân chứng sống cuối cùng còn sót lại mà đạo diễn Lê Lâm lưu ý: “Từ trước đến nay, những phim về Đông Dương chưa hề được thể hiện dưới góc nhìn của những người lính thợ Việt Nam. Có thể nói Công binh – Đêm dài Đông Dương chính là thời điểm phút chót tôi ghi lại được từ những nhân chứng cuối cùng”.
Dưới góc nhìn của người nghệ sỹ, đạo diễn Lê Lâm quan niệm, mọi tác phẩm nghệ thuật phải đi theo chữ “đạo” (trong từ đạo diễn). Điều quan trọng hơn cả ở phim Công binh - Đêm dài Đông Dương là yếu tố con người. “Công binh là những người làm công nhân dưới ách đô hộ của người Pháp, nước Pháp. Dưới chế độ thực dân, những chế độ khắc nghiệt luôn xảy ra ở các nước thuộc địa”.
Về đề tài mang đậm chất lịch sử của bộ phim tư liệu này, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: “Bộ phim đã thể hiện vai trò của điện ảnh trong việc tái hiện lại quá khứ đem đến tác dụng thực sự khi gợi lại trang sử đầy xúc động. Đạo diễn Lê Lâm đã sử dụng chính ngôn ngữ nghề nghiệp của mình để tô lại trang sử xưa cho người sau. Bao lâu nay, chúng ta viết lịch sử theo cách vô nhân xưng mà không hề để ý đến yếu tố con người, đây là một hạn chế lớn. Câu chuyện những người lính thợ nhắc nhở chúng ta không thể quên vai trò của con người trong lịch sử. Họ là cộng đồng người đã đóng góp cho nước Pháp và nước ta nhưng lại bị lãng quên. Chúng ta cần có trách nhiệm với lịch sử và thế hệ cha ông”.
Suốt chặng đường làm nghệ thuật, đạo diễn Lê Lâm quan niệm làm nghệ thuật phải có cái “tâm” song song với cái “tầm”. “Khi làm bộ phim tài liệu này, tôi chưa hề nghĩ tới tiếng tăm hay nó có thành công hay không. Điều đơn giản tôi chỉ muốn bộ phim này như một viên gạch nhỏ đóng góp xây dựng lại bức tường lịch sử của cả hai nước. Khi phim được công chiếu tại Việt Nam, tôi cảm thấy mãn nguyện vì mơ ước của mình đã trở thành hiện thực”, vị đạo diễn Việt kiều nói.
Phương Hà
Xem thêm video Giải trí:
[mecloud]YjtbXR1VAx[/mecloud]