Tùng cổ "Ông Bụt"
Trong giới chơi cây ở Việt Nam, không ai là không biết đến cái tên Phan Văn Toàn (hay còn gọi là Toàn "đô la") ở TP.Việt Trì, Phú Thọ. Khu gia trang của anh nằm ngay ở vị trí đắc địa của TP.Việt Trì, trong đó quy tụ hàng trăm cây cảnh khác nhau, nhiều cây thuộc vào dạng quý hiếm, “có một, không hai”.
Nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm hay các cây cổ từng thuộc sở hữu của vua chúa như: cặp khế của vua Gia Long (khoảng 400 tuổi), cây tùng La Hán của vua Quang Trung (600 tuổi), cây Đề, Bằng Lăng từ cung đình Huế…
Một số cây trong số này đã được công nhận là “Di sản Việt Nam”. Cách đây vài năm, vườn cây của "tay chơi" sinh vật cảnh này gây xôn xao dư luận khi được định giá lên tới 300 tỷ đồng.
Năm 2014, vườn cây “độc nhất, vô nhị” của Toàn “đô la” từng được hội Sinh vật cảnh Châu Á bình chọn là Vườn cây xuất sắc nhất Đông Nam Á. Năm 2015 vườn cây tiếp tục được các tổ chức trong nước công nhận là vườn cây cảnh di sản đầu tiên tại Việt Nam.
Trong khu gia trang của Toàn “đô la”, cây có giá trị thấp nhất cũng lên tới 50 triệu đồng, cây đẹp “tầm tầm” có giá vài trăm triệu đến vài tỷ, còn đẹp nhất có hai cây, gồm cây tùng “ông Bụt” và cây sanh “Dáng làng”. Trong đó, cây tùng có tên “ông Bụt” được giới săn cây cảnh coi là bậc “đại trưởng lão”, từ vài năm trước đã được định giá tới 1,2 triệu USD vì có 500 năm tuổi!
Tác phẩm “ông Bụt” được đại gia Toàn “đô la” mua lại của một tay chơi Nam Định. Việc mua bán siêu cây cảnh triệu đô này đến này vẫn được giới chơi sinh vật cảnh kể như một giai thoại.
Siêu cây “mâm xôi con gà”
Năm 2010, trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, siêu cây “mâm xôi con gà” được giới chuyên môn xếp vào “tứ kỳ mộc” của đất ngàn năm văn vật. Chủ nhân của siêu cây này là ông Nguyễn Nam Thành (Việt Trì, Phú Thọ).
"Mâm xôi con gà" là cây sanh cổ thụ có tuổi đời hơn 150 tuổi. Ấn tượng với dáng vẻ độc đáo, “xuất thần” của siêu cây này, ông Nguyễn Nam Thành quyết định bỏ tiền để mua đứt. Thời điểm đó, theo nhiều tay chơi cây cảnh, cây "mâm xôi con gà” có giá vào khoảng 6 tỷ đồng, tương đương một chiếc Rolls Royce.
Sở dĩ cây “Mâm xôi con gà” tạo được sức hút là bởi nó hội tụ đủ 4 yếu tố “cổ - kỳ - mỹ - văn” và giống như một bức tranh thiên nhiên hoàn thiện với “Tay ngón long quần thụ - Bông tán tản vân - Thân vách dáng làng – Thạch thụ tương sinh”.
Tháng 4/2012, siêu cây triệu đô của đại gia đất Việt Trì đã được lên trang bìa của tạp chí về nghệ thuật chơi cây cảnh BCI của Mỹ. Trong một triển lãm sinh vật cảnh, Mâm xôi con gà được định giá 6 triệu USD.
Siêu cây "Thành đồng tổ quốc"
Anh Dương Văn Mười là nghệ nhân cây cảnh có tiếng ở Thường Tín (Hà Nội). Vị nghệ nhân này từng gây xôn xao giới chơi cây với vụ mua bán tác phẩm “Tiên lão giáng trần” cho đại gia Toàn đô la.
Ngoài “Tiên lão giáng trần”, anh Mười còn một tác phẩm đặc biệt nữa là cây sanh cổ “Thành đồng tổ quốc”. Đầu năm 2021, đại gia Toàn đô la đã đến gặp anh Mười hỏi mua cây với giá 1,5 triệu USD (khoảng 34,5 tỷ đồng). Tuy nhiên, lúc đó anh Mười từ chối vì anh cho rằng phải 2 triệu USD (khoảng 46 tỷ đồng) mới xứng.
Sau đó, dù ông Toàn đô la lại đến và chấp nhận trả 2 triệu USD nhưng, anh Mười vẫn từ chối. Nghệ nhân Thường Tín chia sẻ: “Tôi có 2 cây cảnh để đời. Một cây đã về với vườn của ông Toàn nên tôi muốn dành cây này cho người khác. Hiện tôi đang muốn giữ cây để chơi. Ít nhất 1-2 năm nữa, khi có ai khác trả khoảng 50 tỷ đồng tôi mới bán”.
“Thành đồng tổ quốc” là cây sanh cổ có tuổi đời khoảng 200 năm. Anh Mười đã mất 11 năm để chăm sóc, hoàn thiện tác phẩm. Ban đầu, cây phôi cao 5m, rộng 7m, nghệ nhân Dương Văn Mười đã nghiên cứu, cắt giật xuống còn cao 2m, rộng 3m chỉ trong một ngày.
Sở dĩ tác phẩm có tên là “Thành đồng tổ quốc” vì cây có bộ rễ lớn, vững chãi, nhìn như một bức tường thành.
Theo một số chuyên gia sinh vật cảnh, cây sanh “Thành đồng tổ quốc” của anh Dương Văn Mười hội tụ đủ 7 yếu tố: “Phô thân – khoe lá – lộ căn – cổ linh – tinh tú – kĩ dăm – mịn tàn” nên cây xứng đáng có giá trị hàng chục tỷ đồng.
Tác phẩm Chiến thắng Bạch Đằng
Bộ tác phẩm gồm 5 chiếc thuyền với nhiều kích cỡ khác nhau làm bằng gỗ sao đen mô tả trận chiến trên sông Bạch Đằng thuộc sở hữu của anh Phạm Đức Thịnh..
Chủ nhân của tác phẩm này cho biết, anh phải mất gần chục năm để sưu tầm và thực hiện siêu phẩm này. Trong đó, nguồn gỗ lấy từ các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên.
Anh đã dùng lũa, tức là phần lõi của cây gỗ, tìm được dưới lòng đất, lòng sông suối từ hàng ngàn năm trước để tạo tác nên bộ tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đặc sắc này. Mẫu gỗ sao đen này đã được anh Thịnh gửi mẫu sang Nhật Bản và Trung tâm Phóng xạ Các bon của nước này xác nhận gỗ lũa có niên đại 1.240 năm.
Theo anh Thịnh, giá của tác phẩm này không phải là vấn đề lớn, sức hút của nó còn nằm ở tính văn hóa lịch sử và tùy vào cách cảm nhận của từng người chơi cây cảnh.
Nhiều người nhận định, bộ siêu phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" có giá là 3 triệu USD, tức gần 60 tỷ đồng.
Bạch Hiền (t/h)
Ảnh: Dân Trí, Soha