+Aa-
    Zalo

    Những rào cản khiến doanh nghiệp phải “đóng băng” và biện pháp tháo gỡ

    (ĐS&PL) - Giảm “rừng thủ tục” trong kiểm tra chuyên ngành, giảm những rào cản liên quan đến thể chế, chính sách; cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan nhà nước... là một trong những biện pháp quan trọng góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi, phát triển, nhất là sau đại dịch COVID-19.

    Doanh nghiệp “phát nản” trước “rừng” thủ tục hành chính

    Năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gặp nhiều khó khăn. Không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng “đóng băng”, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể có xu hướng tăng lên.

    Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp với tổng thể các biện pháp nhằm kịp thời ứng phó với dịch bệnh, như: Giảm lãi suất; cơ cấu lại nợ; giảm, giãn nộp thuế, bảo hiểm xã hội; miễn, giảm phí một số dịch vụ công; giảm, giãn nộp tiền thuê đất,... và đặc biệt là đã đưa ra gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ đồng lớn chưa từng có.

    nhung rao can khien doanh nghiep phai dong bang va bien phap thao go

    Những rào cản khiến doanh nghiệp phải “đóng băng” và biện pháp tháo gỡ(Ảnh minh họa)

    Nhìn chung, những chính sách, giải pháp đã ban hành có sự kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách hỗ trợ ngành hoặc an sinh xã hội khác. Trong đó, bao gồm nhóm giải pháp ngắn hạn, cơ chế, chính sách trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể, nhóm giải pháp căn cơ, dài hạn để tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; cơ bản phù hợp diễn biến và tác động của dịch bệnh, tương đồng với cách tiếp cận mới của nhiều quốc gia trên thế giới, được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Nhìn chung, các chính sách đều có hiệu quả và tác động nhanh chóng đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chính sách tốt nhưng điều kiện thực thi quá bất cập, doanh nghiệp khó thụ hưởng; các thủ tục hành chính còn rườm rà…

    Chia sẻ với PV về vấn đề này, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt cho rằng, thực trạng hiện nay, không ít các doanh nghiệp “phát nản” trước “rừng” thủ tục hành chính. Việc thủ tục hành chính rườm rà, cán bộ đùn đẩy khiến doanh nghiệp đầu tư vào nhiều địa phương thấy mệt mỏi vì cầm hồ sơ chạy lòng vòng.

    “Ngay cả trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, còn có quá nhiều vướng mắc. Không ít các doanh nghiệp nhỏ và vừa “kêu than” khi thủ tục hành chính gây khó, còn quá nhiều giấy phép con không phù hợp vẫn tồn tại. Cùng với đó là sự chậm trễ trong quá trình phê duyệt các thủ tục hành chính và thiếu sự quyết liệt trong quá trình thực thi các nhóm giải pháp của một số cơ quan hành chính. Và nhìn nhận trên thực tế, còn rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, thậm chí lao đao, ví dụ như doanh nghiệp trên lĩnh vực du lịch”, luật sư Kiên thông tin.

    Cũng theo luật sư Phạm Hồng Kiên nhấn mạnh, mỗi một rào cản được gỡ bỏ là thêm một cơ hội cho doanh nghiệp. Các khung pháp lý phải được xây dựng phù hợp, bắt kịp với sự phát.ập trung cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

    nhung rao can khien doanh nghiep phai dong bang va bien phap thao go

    Luật sư Phạm Hồng Kiên- Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt.

    Cùng với đó, là sự tập trung cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồng thời tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận với doanh nghiệp nhằm giảm thiểu các chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Cần cắt giảm một số thủ tục còn phiền hà như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, lao động…

    “Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát theo dõi đánh giá trách nhiệm, tiến độ của các ngành, các địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tránh tình trạng “đá bóng” doanh nghiệp hết nơi này đến nơi khác”, luật sư Kiên nhấn mạnh.

    Giải pháp

    Cùng trao đổi với PV, Luật sư Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Công ty Luật Đỗ Gia Việt (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đưa ra nhận định, so với các loại dự án đầu tư khác, số lượng dự án đầu tư có sử dụng đất là rất lớn nhưng quy trình thực hiện thủ tục hành chính của các dự án này rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Mặc dù đã có nhiều chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính, song nhà đầu tư vẫn phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc do thủ tục hành chính gây ra, nhất là đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất.

    “Qua nghiên cứu cho thấy, hiện không có một quy trình thủ tục đầy đủ, thống nhất từ khi chuẩn bị đầu tư đến lúc vận hành dự án để công khai, minh bạch; thời gian hoàn thành các thủ tục hành chính kể từ khi có ý tưởng đến khi dự án đi vào vận hành thường rất dài; chưa kể trong quy trình thủ tục này còn có sự chồng chéo, trùng lặp về mục tiêu, nội dung quản lý và cơ quan thực hiện, xuất hiện nhiều thủ tục “con”….Đây là những rào cản gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước”, luật sư Ngọc Anh phân tích.

    Trong những năm qua, Chính phủ đã quan tâm đến những khó khăn của doanh nghiệp do thủ tục hành chính gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chính sách chưa được thực thi đồng bộ, dập khuôn hoặc chưa phù hợp với xu hướng phát triển trong thời đại mới.

    Trước những vấn đề trên, theo Luật sư Ngọc Anh, thứ nhất, cơ quan Nhà nước các cấp theo thẩm quyền cần khẩn trương ban hành khung pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa và củng cố định hướng chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua.

    “Trong đó,  phải tập trung vào việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân một cách thực chất, thông qua các chính sách hỗ trợ về lãi suất, ưu đãi về thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng...; tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và các giải pháp tài chính, tín dụng; thực hiện công khai minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy liên kết tích cực giữa các ngành kinh tế, chủ thể kinh tế và không gian kinh tế. Khắc phục triệt để tình trạng các doanh nghiệp lớn chi phối, lấn át các doanh nghiệp nhỏ trong việc tiếp cận các nguồn lực và cơ hội”, luật sư Ngọc Anh phân tích giải pháp.

    anh 3

    Luật sư Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Công ty Luật Đỗ Gia Việt

    Thứ hai, thực hiện triệt để cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bộ, ngành và chính quyền địa phương theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp. Thông qua việc xây dựng cơ chế “một cửa điện tử”, thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó tập trung vào cải thiện việc tiếp cận các yếu tố đầu vào cho sản xuất, kinh doanh; giảm thời gian, chi phí tuân thủ các thủ tục về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng; rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

    Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về chế độ sở hữu rõ ràng để góp phần ngăn ngừa xung đột trong xã hội, góp phần phân bổ nguồn lực hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, bức xúc của các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp nhằm tạo động lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ổn định trong thời gian tới.

    Chang – Thuý

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-rao-can-khien-doanh-nghiep-phai-dong-bang-va-bien-phap-thao-go-a554012.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan