Lãng phí tài sản công bị phạt đến 20 triệu đồng, người nước ngoài được mang ôtô nhà ở lưu động vào Việt Nam du lịch,... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8.
Theo quy định mới về quản lý đầu tư xây dựng, những dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng sẽ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Ảnh minh họa: B.Đ |
Sử dụng lãng phí tài sản công phạt đến 20 triệu đồng
Theo Nghị định 58 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/8, khi sử dụng lãng phí phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng, dầu, sách báo, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách vượt tiêu chuẩn quy định sẽ bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng.
Ngoài ra, đối với tổ chức có hành vi mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh do ngân sách nhà nước cấp không đúng danh mục được phê duyệt thì mức phạt từ 1 – 20 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm. Bên cạnh đó, sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước lãng phí có thể bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.
Nghị định mới cũng bổ sung việc xử phạt 50 đến 60 triệu đồng với hành vi lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư không đúng tiêu chuẩn, vượt định mức.
Người nước ngoài được phép mang ôtô nhà ở lưu động vào Việt Nam du lịch
Nghị định 57/2015 của Chính phủ vừa sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch theo đó, được phép mang vào Việt Nam xe ôtô nhà ở lưu động có tay lái ở bên trái.
Để được chấp thuận cho phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam, các Doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam phải gửi đến Bộ Giao thông hồ sơ, gồm công văn đề nghị trong đó nêu rõ số lượng phương tiện, số lượng người, ngày và cửa khẩu nhập cảnh, ngày và cửa khẩu xuất cảnh, lộ trình các tuyến đường đi trong chương trình du lịch; Bản sao các giấy tờ liên quan kèm theo danh sách người điều khiển phương tiện; Danh sách phương tiện, biển số xe, màu sơn, số khung, số máy...
Thời gian chấp thuận cho các loại phương tiện của người nước ngoài mang vào Việt Nam được rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 3 ngày và trong trường hợp không chấp thuận, phải có văn bản trả lời trong thời gian 3 ngày làm việc và nêu rõ lý do.
Tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao
Để được xác định là doanh nghiệp công nghệ cao, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này phải đáp ứng các điều kiện:
Sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển quy định tại Điều 6 Luật công nghệ cao 2008.
Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành. Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 70\% trong tổng doanh thu thuần hàng năm.
Tổng chi cho nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 1\%; đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người tỷ lệ này phải đạt ít nhất 0,5\%...
Tiêu chí đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức
Việc đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực từ 1/8, dựa trên những nội dung:
Nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp và những việc cán bộ, công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức. Tiêu chuẩn chức vụ, chức danh của cán bộ, ngạch công chức, chức vụ lãnh đạo quản lý. Chương trình, kế hoạch công tác năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình hoặc được giao, phê duyệt hoặc phân công...
Từ các căn cứ đánh giá trên, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo 4 mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ.
Hướng dẫn mới về quản lý dự án đầu tư xây dựng
Nghị định 59/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 5/8 hướng dẫn về quản lý dự án đầu tư xây dựng, trong đó quy định việc phân loại dự án được dựa trên quy mô, tính chất, loại công trình chính của dự án gồm 4 loại: Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B và dự án nhóm C.
Đối với dự án quan trọng quốc gia: Thủ tướng quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định riêng của pháp luật.
Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước: Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở của dự án nhóm A; dự án quy mô từ nhóm B trở xuống do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư.
Đối với các dự án do Thủ tướng giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức thẩm định thì cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc các Bộ này thực hiện việc thẩm định thiết kế cơ sở của dự án.
Ngoài ra, Nghị định 59 còn quy định về thẩm quyền thẩm định dự án cũng như cách thức lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, trình tự xây dựng, quản lý, thực hiện và nghiệm thu dự án.