Jenny Tạ - "Lọ lem phố Wall"
Jenny Tạ - người được mệnh danh “nàng lọ lem phố Wall”, là một trong những doanh nhân gốc Việt nổi danh tại Mỹ đi lên từ hai bàn tay trắng. Cô được nể phục vì là phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên thành lập 2 công ty chứng khoán có tầm vóc quốc tế tại phố Wall thuộc thành phố New York, Mỹ.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, ngay khi tốt nghiệp trung học, Jenny Tạ đã định hướng rõ con đường tương lai của mình là trở thành một doanh nhân.
Jenny Tạ cùng gia đình đến Mỹ định cư năm cô 6 tuổi. Do hoàn cảnh khó khăn nên khi lên đại học, Jenny có mong muốn lựa chọn ngành học đơn giản và có thể nhanh chóng kiếm được tiền. Đúng lúc đó, Công nghệ thông tin đang là ngành “hot” với nhiều cơ hội việc làm nên cô đã quyết định đi theo con đường này.
Ngoài giờ học, Jenny cũng thường dành thời gian giúp đỡ mẹ rửa bát, bưng bê phục vụ trong cửa hàng ăn nhỏ của gia đình. Cô nhấn mạnh: "Tôi dành 99% thời gian cho việc học". Nhờ thành tích học tập xuất sắc mà chỉ hơn 3 năm theo học, Jenny đã lấy được bằng cử nhân. Sau đó cô được mời vào làm việc tại công ty chứng khoán Shearson Lehman.
Dù có việc làm ổn định tại công ty danh tiếng nhưng Jenny chưa bao giờ hài lòng với chính mình. Cô luôn có một ước mơ cháy bỏng là thành lập công ty riêng. Vì Jenny hiểu rõ, là một phụ nữ cô sẽ phải mất đến vài năm cống hiến để có được một vị trí cao.
Nhằm chuẩn bị cho con đường tự kinh doanh trong tương lai, Jenny học thêm chương trình thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Trải nghiệm ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau, và cuối cùng cô đã thành lập công ty của riêng mình vào năm 25 tuổi.
Khi đó, cô lập Vantage Investments nhưng nhanh chóng thua lỗ, phải vay 100.000 USD của mẹ để vực dậy công ty. Công việc kinh doanh của Jenny Tạ lội ngược dòng chỉ sau 2 tháng, đến năm 1999, bà đủ tiền trả nợ cả gốc lẫn lãi cho mẹ.
Năm 2001, Jenny Tạ bán Vantage Investments, thu về khoản lời hàng triệu USD. 3 năm sau, cô tiếp tục điều hành công ty chứng khoán Titan, chuyên về tư vấn đầu tư, mua bán sáp nhập các doanh nghiệp và rồi lại bán công ty này với mức giá mà Jenny từng thừa nhận là "không thể chối từ". Tổng số tài sản ở hai công ty của Jenny Tạ lúc này lên tới 250 triệu USD.
Sau khi rời nghiệp chứng khoán, năm 2013 đánh dấu một bước ngoặt lớn của người phụ nữ nhiều hoài bão này khi bà quyết định “dấn thân” vào thị trường mạng xã hội bằng việc thành lập Sqeeqee.com, công ty đầu tiên trên thế giới khai sinh ra khái niệm Social Networthing.
Được biết, đây là một mạng xã hội giúp mọi người kết nối và tìm kiếm lợi nhuận. Ý tưởng táo bạo này đang được người sử dụng tại Mỹ hào hứng đón nhận. Sqeeqee.com bao gồm hàng chục tính năng của những trang web nổi tiếng như Google, Facebook, Amazon, Ebay, YouTube… và kết nối chúng lại thành một nền tảng đa chiều. Trong năm 2021, Sqeeqee.com là công ty được đánh giá có giá trị không dưới 1 tỷ USD.
Đặc biệt, dù đang là một triệu phú thành công trên đất Mỹ, Jenny Tạ vẫn luôn hãnh diện với nguồn gốc của mình. Cô chia sẻ, điều khiến bà thấy tự hào nhất là khi người ta nhắc đến bà như một phụ nữ gốc Việt: “Sqeeqee.com chính là một thế giới riêng. Bởi tôi là người Việt, nên tiếng Việt sẽ là ngôn ngữ chính của Sqeeqee.com sau tiếng Anh”. Ngoài ra, cô còn muốn phát triển mạng xã hội này tại chính quê hương Việt Nam để hỗ trợ mọi người cùng kiếm lợi nhuận.
Diễm Fuggerberger - nữ doanh nhân với "đế chế" thực phẩm tại Australia
Diễm Fuggersberger, cũng giống như rất nhiều người khác, đã lên đường đi tìm một miền đất hứa của mình. Cô theo cha mẹ tới Australia từ năm lên 8 tuổi, cô bé khi ấy vẫn chưa hiểu được những khó khăn sẽ phải đối mặt.
Đặt chân tới nước Australia, gia đình cô không có gì trong tay, không tiền bạc, không nhà cửa hay người thân. Đặc biệt, không ai trong số họ có thể nói dù chỉ một từ tiếng Anh. Chính vì vậy mà họ thường xuyên bị bắt nạt và cô lập.
Diễm Fuggersberger, người đồng sáng lập của Berger Ingredients, đã dành nhiều giờ liền để chia sẻ về cuộc đời của mình. Cô kể về tình trạng gia đình lúc bấy giờ. Họ phải sống một cuộc sống nghèo túng và thiếu thốn, bố mẹ của cô nỗ lực làm việc không ngừng để cô được theo học đầy đủ. Diễm nói: "Đó là quãng thời gian đau khổ và đáng nhớ nhất trong cuộc đời của tôi".
Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, cô gặp và kết hôn với Werner Fuggerberger. Họ sinh được 2 người con và Diễm phụ giúp chồng công việc kinh doanh.
Tuy nhiên, năm 2009, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cơ đồ trị giá 27 triệu USD của Werner Fuggerberger sụp đổ. Cô và chồng phải bán ngôi nhà nhưng vẫn không thể trả hết khoản nợ khổng lồ.
Chỉ sau khi bị phá sản vài tuần, vét hết số tiền còn lại, vợ chồng cô thành lập công ty Berger Ingredients chuyên về gia vị và thực phẩm. Bà Diễm cùng cộng sự nghiên cứu công thức chế biến gia vị và thực phẩm đóng hộp ăn liền nhưng vẫn đảm bảo thành phần dinh dưỡng. Cùng năm đó, sản phẩm của công ty ra mắt thị trường được nhiều người yêu thích và không đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên khi ấy, vợ chồng cô đã cạn sạch vốn liếng và lợi nhuận thu về không đủ để mở rộng sản xuất.
Vợ chồng Diễm Fuggersberger quyết định gõ cửa các ngân hàng để vay vốn nhưng không nơi nào hứng thú với việc kinh doanh nhỏ lẻ của công ty. Cuối cùng, Commonwealth là ngân hàng duy nhất chấp nhận cho bà chủ người Việt vay 50.000 USD. Nhân lúc làm việc với giám đốc ngân hàng, cô nhanh chóng chớp cơ hội giới thiệu sản phẩm của công ty và thuyết phục ông cho vay khoản tiền 350.000 USD.
Sau này, khi thành công và thành đạt trở lại, cô cũng thành lập thêm công ty Coco & Lucas 'Kitchen chuyên sản xuất thức ăn dinh dưỡng dành cho trẻ em từ 3 đến 12 tuổi. Ngày nay công ty của bà trị giá hàng triệu đô và luôn nằm trong danh mục bán chạy tại các cửa hàng bách hóa và siêu thị. Cô được ưu ái gọi là “bà chủ đế chế thực phẩm” tại Australia.
Mimi Morris - triệu phú sở hữu khối tài sản kếch xù
Trang Tatler giới thiệu Mimi Morris là người mẫu, doanh nhân kiêm nhà từ thiện Mỹ gốc Việt. Tuổi của cô vẫn là ẩn số nhưng khoảng 52 hoặc 53 tuổi. Christine mô tả: “Mimi là người khuấy động không khí, mọi điều cô ấy nói đều khiến bạn hạnh phúc”.
Theo E! News, Mimi sinh ra ở Việt Nam trong gia đình có 7 anh chị em. Dù hiện tại sở hữu gia tài khổng lồ, Mimi từng nếm trải cuộc sống khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc.
Trước khi gặp người chồng hiện tại, Mimi từng thất bại trong hôn nhân. Cô có với chồng trước hai con, Huy Tran và Hannah Oquist.
Hiện tại, cô đang sống cùng chồng đại gia là ông Don Morris - CEO của Tập đoàn Quốc tế Morris, trong căn biệt thự nguy nga hơn 800 tỷ đồng trên đất Mỹ. Hai người quen nhau gần 2 thập kỷ và kết hôn được 10 năm. Họ có với nhau con trai 8 tuổi, Skyler. Tập đoàn Quốc tế Morris chuyên sản xuất các trang thiết bị lắp đặt trong nhà, với 28 công ty trên toàn thế giới.
Sự giàu có của vợ chồng Morris được phản ánh qua biệt thự như lâu đài tọa lạc trong khu nhà giàu ở thành phố Dana Point, Quận Cam, California, Mỹ. Theo Screen Rant, bộ đôi mua dinh thự rộng 650 m2 vào năm 2018 với giá 8,8 triệu USD.
Tạp chí Orange County Business cho biết bất động sản bên bờ biển gồm 6 phòng ngủ, một thang máy và nhà để xe riêng biệt, trong đó có 2 xe golf. Vợ chồng Morris thường tổ chức những bữa tiệc xa hoa và lộng lẫy ở đây.
Nữ triệu phú từng khiến cư dân mạng choáng váng với không gian kỷ niệm ngày cưới đẹp như khu vườn cổ tích. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến chiếc siêu xe Ferrari SF90 Stradale - 33 tỷ đồng, là quà cưới mà chồng Mimi Morris dành tặng cô. Trước đó, cô từng gây "sốt" mạng khi xuất hiện trong bữa tiệc sinh nhật U50 do Dolce&Gabbana tổ chức với chi phí lên đến 8 tỷ đồng.
Bên cạnh có chồng giàu, Morris tự gây dựng được sự nghiệp thành công. Nữ đại gia không tiết lộ về công việc kinh doanh riêng. Một phần thu nhập của cô được cho là đến từ việc làm người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và đầu tư vào hàng hiệu như Dior, Louis Vuitton, Chanel, Mae Paris, Hermes...
Theo Blurred Reality, Mimi còn kiếm được hàng triệu USD từ đầu tư tài chính, nắm giữ bất động sản lớn và chứng khoán. Ngoài ra, tham gia các chương trình truyền hình thực tế như Bling Empire cũng giúp cô thu về những tấm séc giá trị.
Bích Thảo(T/h)