+Aa-
    Zalo

    Những NTK Việt táo bạo mang chất liệu vải Việt ra nước ngoài

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bấy lâu nay, chất liệu vải Việt được xem là khá đặc biệt để thiết kế các bộ sưu tập. Hàng loạt mẫu vải lạ không bị đụng hàng với các quốc gia khác như Lãnh Mỹ A, lụa Hà Đ

    (ĐSPL) - Bấy lâu nay, chất liệu vải Việt được xem là khá đặc biệt để thiết kế các bộ sưu tập. Hàng loạt mẫu vải lạ không bị đụng hàng với các quốc gia khác như Lãnh Mỹ A, lụa Hà Đông, thổ cẩm... là niềm tự hào của người Việt. Với chất liệu độc đáo, việc đưa vải Việt ra nước ngoài để cạnh tranh với chất liệu vải thế giới, cũng như tạo ra các bộ thiết kế đẹp là điều được khá nhiều kỳ vọng.

    Vải ngoại lấn át vải nội?

    Không thể phủ nhận một trang phục đẹp một phần là do chất liệu vải. Tiềm năng vải của Việt Nam khá lớn, song vẫn chưa được khai thác một cách tối ưu. Trong khi đó, một số nhà thiết kế phải nhập vải từ nước ngoài về, để tạo ra các bộ trang phục bắt mắt. Điển hình như vừa qua nhà thiết kế Hoàng Hải tạo ra một chiếc váy cưới cho người mẫu Ngọc Quyên bằng cách phải nhập vải cao cấp từ Italy. Nhà thiết kế này bật mí: "Tôi sử dụng vải ren nhung cao cấp để làm phần thân váy, mỗi mét vải này đặt mua về Việt Nam đã có giá lên tới vài nghìn USD". Được biết, chiếc váy cưới của Ngọc Quyên sau khi hoàn thành có giá lên đến 10.000 USD.

    Thực tế, trên thị trường, nhiều loại vải cao cấp từ Anh, Italy nhập về Việt Nam có giá khá cao nhưng nhiều nhà thiết kế, nhiều hãng thời trang vẫn lựa chọn để tạo ra các sản phẩm cao cấp. Một số thương hiệu nổi tiếng như Scabal, Cerruti, Vitale Barberis Canonico, Zegna, Dormeuil... thuộc những dòng cao cấp có giá bán không hề rẻ. Với các dòng sản phẩm vải này nếu tính giá thành cho một bộ vest (chỉ tính tiền vải với khoảng 2.500 USD/m) thì cũng đã có giá lên đến 200 triệu đồng (tính cả tiền may).

    Sở dĩ, vải cao cấp này có giá thành cao như vậy là vì vải được dệt từ sợi thiên nhiên với những thiết bị tối tân hiện đại nhất và có những màu sắc, họa tiết theo đúng khuynh hướng của thời đại. Loại vải này có cấu trúc đặc biệt được sản xuất với số lượng hạn chế độc quyền cho những thương hiệu thời trang cao cấp trên thế giới. Khi sử dụng loại vải này phải có hướng dẫn giặt ủi như thế nào và treo trong điều kiện nào. Chính vì khả năng ưu việt của nó mà nhiều nhà thiết kế không ngần ngại sử dụng. Bởi lẽ, xét cho cùng, chất lượng vải tốt, độc và lạ là những nguyên liệu cần thiết để tạo nên các bộ cánh thời trang và sang trọng. Không chỉ vậy, với chất liệu vải nhập về, các nhà thiết kế luôn tin tưởng bởi độ bền, khả năng chống nhăn của vải...

    Tuy nhiên, đi kèm với các tính năng này, nếu các nhà thiết kế Việt đưa bộ sưu tập của mình ra nước ngoài, chắc chắn các mẫu thiết kế của họ không được đánh giá cao. Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ: "Hiện nay, việc một số nhà thiết kế trẻ vẫn chưa nhận thức được việc sử dụng chất liệu của các nước khác. Tác phẩm của các bạn làm ra có thể khiến người ta thích thú, nhưng không hẳn họ đã ngưỡng mộ. Trong khi đó sự ngưỡng mộ luôn luôn kèm theo sự kính trọng. Các bạn đã bỏ qua một tài nguyên vô cùng quý giá của chính đất nước mình. Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những giá trị mang tính lịch sử, tại sao lại không làm? Vải dệt thô ở Việt Nam có thể chưa hoàn chỉnh về chất liệu, nhưng chúng ta bắt đầu có tiếng nói riêng đối với bạn bè quốc tế. Nhiều người nước ngoài đã thốt lên ngỡ ngàng khi cầm trên tay tấm vải thổ cẩm thô, chất liệu sợi tơ mỏng manh rất khác biệt của Việt Nam".

    Ý tưởng táo bạo đầy tiềm năng của nhà thiết kế Việt?

    Chất liệu vải thổ cẩm của nhà thiết kế Minh Hạnh gây ấn tượng mạnh với thế giới.

    Chinh phục không dễ dàng?

    Tuy nhiên vải ngoại tràn ngập thị trường, nhưng nhiều nhà thiết kế Việt nặng lòng với vải của dân tộc. Có thể kể đến như nhà thiết kế Minh Hạnh, Võ Việt Chung, Văn Thành Công... Họ sử dụng khá nhiều chất liệu vải dân tộc để thổi hồn vào các bộ sưu tập của mình. Nếu như Võ Việt Chung gây thương nhớ với vải Lãnh Mỹ A thì giờ đây, anh chuẩn bị đưa thêm một chất liệu vải truyền thống ra thế giới: Vải mặc nưa - một loại vải nilon pha tơ tằm được nhuộm màu của hạt cây mặc nưa. Anh đã đưa bộ sưu tập của mình đến trình diễn tại Couture Fashion Week ở New York, Mỹ - một sự kiện quy tụ các nhà thiết kế hàng đầu thế giới với bộ sưu tập, mà anh mất đến hai năm để hoàn thành. Đủ cho thấy sức hấp dẫn của vải Việt ra sao.

    Để vải Việt Nam có thể vươn ra quốc tế thì cần nhiều sự đầu tư, phát triển hơn nữa. Bởi lẽ, với những chất liệu quý và mang ý nghĩa dân tộc cao, các sản phẩm này cần có một chỗ đứng phù hợp với nó và những bước đột phá không hề nhỏ. Vì bên cạnh những ưu điểm, vải Việt cũng còn một số những hạn chế khiến vải Việt khó có thể làm nên những kỳ tích khi vươn ra thị trường quốc tế.

    Chia sẻ về vấn đề này, nhà thiết kế Thuận Việt cho biết: "Đa số mọi người đều thích thú với các mẫu thiết kế của Việt Nam, bởi chất liệu vải khá lạ và độc đáo. Tuy nhiên, với điều này, chúng ta cũng phải có những cải tiến hơn nữa. Bởi lẽ, độ bền từ chất liệu vải Việt so với một số vải khác trên thế giới cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Một phần khác nữa là về mẫu mã và hoa văn của vải chưa đa dạng, việc giữ màu của vải cũng chưa được tốt. Nếu chúng ta làm tốt, có sự cải tiến vào trong các mẫu vải thì chắc chắn, sẽ tạo ra được những bất ngờ lớn trong tương lai".

    Theo đánh giá chung của các nhà thiết kế, vải Việt bên cạnh những ưu việt thì một số những khuyết điểm cũng làm cho vải thua thiệt so với các vải đến từ Anh, Italy... Đồng tình về vấn đề này, nhà thiết kế Văn Thành Công cũng chia sẻ: "Có một số điểm yếu trong các trang phục lấy chất liệu từ vải Việt. Nếu như các nhà thiết kế của chúng ta đã khiến bạn bè quốc tế công nhận về kiểu dáng, đường cắt cúp... thì những yếu điểm từ vải, cũng khiến cho việc đáp ứng nhu cầu và điều kiện của thị trường quốc tế của chúng ta gặp khó khăn. Một phần kỹ thuật dệt của chúng ta chưa được phong phú, tình trạng vải còn bị nhăn, bị rạn cũng góp phần làm cho vải Việt chưa thật sự gây thu hút. Bên cạnh đó, việc đa dạng về màu sắc... cũng là một trong những yếu điểm chưa được khắc phục nếu chúng ta muốn vươn xa hơn".

    Ý tưởng táo bạo đầy tiềm năng của nhà thiết kế Việt?
    Vải Lãnh Mỹ A là một chất liệu được nhiều bạn bè thế giới yêu thích.

    Đi lên từ một nền thời trang sơ khai, để đạt đến sự hoàn hảo, cần rất nhiều cố gắng của các nhà thiết kế Việt. Bên cạnh đó những chính sách phù hợp thật sự là những điều cần thiết để Việt Nam có thể hòa nhập tốt vào làng thời trang thế giới. Trong khi đó, vải Việt Nam với những đặc trưng rất riêng, nếu muốn tiến xa hơn, được sự công nhận và tin tưởng của thế giới cũng khá khó khăn. Hiện tại, đa phần các vải này đều được làm bằng thủ công. Đây là một trong những hạn chế khá lớn, trong khi đó, kỹ thuật dệt chưa được đầu tư, cải tiến để đạt các tiêu chuẩn của quốc tế. Sự bền màu và đa dạng trong chất liệu vải cũng một lần nữa làm khó các nhà thiết kế Việt có tâm huyết với vải truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, nếu khắc phục được những hạn chế này, thì chuyện có thể vươn xa hơn là điều dễ dàng. Song để làm được điều này cần rất nhiều công sức, tiền bạc, thời gian cũng như sự tâm huyết cao.                                         

    Sự yếu kém do nhiều nguyên nhân

    Nói về vải truyền thống dân tộc, nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ: "Các loại vải như lụa, thổ cẩm cũng được xem là vải cao cấp nhưng hầu hết không có quy trình công nghệ và thiết bị hiện đại. Vì thế, chất lượng không ổn định và quan trọng hơn là không có những nhà thiết kế tạo ra vải theo khuynh hướng thời đại và cũng là nhu cầu của người tiêu dùng. Trong khi đó, ngành dệt Việt Nam lại không theo kịp nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và kéo theo sự hạn chế phát triển ngành thời trang".


     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-ntk-viet-tao-bao-mang-chat-lieu-vai-viet-ra-nuoc-ngoai-a46013.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan