(ĐSPL) - Xung quanh bé luôn rình rập những nguy hiểm mà có thể các mẹ không lường trước được. Để bảo vệ bé toàn diện, các mẹ nên chú ý đến từng chi tiết nhỏ như đường kim mũi chỉ trên áo bé, hay thậm chí những đồ bé ăn, uống hàng ngày...
1. Quần áo
Da bé sơ sinh rất mềm mại vì thể bạn nên chọn chất vải cotton, thun hay bông thoáng mát. Bên cạnh đó bạn cũng phải kiểm tra các phụ kiện, chi tiết trên quần áo để đảm bảo chúng không làm tổn thương da bé. Trước khi mặc quần áo cho con, mẹ nên kiểm tra kỹ chất lượng từng đường kim, mũi chỉ, đường viền, mặt trái của quần áo để chắc chắn rằng con được mặc những bộ quần áo an toàn nhất; đảm bảo không có bất cứ sợi chỉ dư thừa nào có thể quấn vào tay/chân/da thịt bé. Mẹ cũng đừng quên cắt các nhãn mác trước khi giặt để chúng không làm xước làn da mỏng manh của con.
2. Vớ tay chân
Ngón tay của trẻ sơ sinh rất nhỏ và mềm, mạch máu nuôi ngón càng nhỏ hơn; do đó chỉ cần có một vật gì thắt lấy hoặc đơn giản là ngón tay bé bị tì đè quá lâu sẽ dẫn đến khả năng thiếu máu cục bộ, rất dễ xảy ra hoại tử cho đầu ngón. Vì vậy, khi mang vớ tay vớ chân cho con, cha mẹ nên thường xuyên mở găng tay kiểm tra đầu ngón bé có bị vướng, bị kẹt chỉ tưa không. Cha mẹ cũng nên lộn trái bao tay bao chân trước khi mang cho bé nhằm tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
3. Đồ chơi
Đồ chơi dành cho trẻ sơ sinh nên là những loại bằng nhựa an toàn, kích thước không nên quá nhỏ hoặc có nhiều chi tiết dễ tháo rời/rơi rớt. Bởi vì những bộ phận nhỏ lẻ của đồ chơi có thể rời ra, kẹt trong cổ họng hay mũi bé, gây hóc dị vật, khó thở, tổn thương niêm mạc… Khi chọn đồ chơi cho con, cha mẹ nên lựa đồ chơi uy tín, đúng lứa tuổi để đảm bảo bé sử dụng đồ chơi an toàn.
4. Các loại dây
Bất cứ món đồ nào của trẻ sơ sinh có kèm theo dây rút, mẹ đều phải kiểm tra kỹ lưỡng.Ví dụ, dây nón bé quá chặt có thể làm tổn thương da con hoặc làm con nghẹt thở. Dây gắn núm ti cũng có thể co nguy cơ thít chặt cổ con. Những dây giày cũng có thể đi sai vị trí và thắt lấy đầu ngón chân con. Các ngón chân của bé rất mềm và có thể bị uốn cong hoặc xoắn lại khi mẹ mang cho con những đôi giày quá chật.
5. Chăn gối và quây cũi
Chúng ta đều biết rằng chiếc gối xinh xắn của con cũng có thể khiến bé bị chết ngạt. Đó là khi bé vô tình bị lật sấp hoặc chiếc gối vô tình đè lên mặt con và bé không biết cách đào thoát khỏi mối hiểm nguy. Mẹ tạo an toàn cho con bằng cách không đặt quá nhiều gối trong cũi của con trong năm đầu tiên. Nên mặc ấm cho con thay vì thảy cho bé một chiếc chăn. Bộ quây cũi nên êm và thoáng, tránh gây ngạt cho bé khi bé vô tình bị lật khi đang ngủ.
6. Sữa tắm
Một số sữa tắm dành cho trẻ sơ sinh có thể chứa những chất gây ra các triệu chứng tương tự như viêm phổi và gây tổn hại phổi trẻ nếu trẻ hít phải. Mẹ nên chọn các sản phẩm được đóng gói trong các bình cứng và nên kiểm tra các thành phần sữa tắm trước khi mua, tránh xa các sản phẩm có chứa hóa chất có thể gây hại cho con.
7. Túi xách
Một số đứa trẻ rất thích lục tung giỏ xách của mẹ. Dĩ nhiên giỏ của mẹ thì không thể làm bé gặp nguy hiểm, nhưng những thứ trong giỏ như th mỹ phẩm, dược phẩm, bút viết… lại có khả năng gây hại cho con trẻ. Do đó, tốt nhất mẹ không nên để các món đồ của mình trong tầm tay trẻ.
8. Vật nuôi
Mặc dù chú chó nhỏ của gia đình có thể là thú cưng thân thiết trong nhà, nhưng điều đó không có nghĩa là mẹ được phép lơ là và để con một mình với thú cưng. Đã có rất nhiều đứa trẻ được đưa tới bệnh viện bởi vì chú cún cưng bỗng dở chứng quay qua cắn chủ. Cho trẻ tiếp xúc với vật nuôi không phải là điều xấu, nhưng nên có sự kiểm soát của mẹ. Mẹ cũng nên giữ thức ăn và đồ chơi của con tránh xa cún cưng.
9. Hoa quả, bánh kẹo
Theo thống kê, tại bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương, có đến 90\% các ca dị vật đường thở mà bệnh nhân là trẻ nhỏ, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 4 tuổi. Các dị vật mà bác sĩ thường thấy đó là hoa quả và bánh kẹo. Những vật này nếu bị đưa vào sâu và không xử lý kịp thời có thể gây nguy hại tới tính mạng của trẻ. Vì thế các mẹ không cho trẻ cầm và tự ăn những loại hoa quả có hạt trơn, kẹo cứng vì trẻ dễ cho hết vào miệng gây hóc. Không cho trẻ chơi các đồ vật như nắp chai, các mảnh lắp ghép hoặc đồ chơi có các hạt bi nhỏ dễ rơi ra ngoài.
10. Nước
Nước chảy ra nhà có thể khiến trẻ trượt ngã gây chấn thương nguy hiểm thậm chí tử vong. Nước sôi có thể gây bỏng nặng ảnh hưởng không hề nhỏ tới sức khỏe của trẻ. Vì thế các mẹ phải luôn theo sát khi trẻ đi vệ sinh, tắm rửa vì nước xà phòng chay ra nền phòng tắm rất trơn có thể khiến trẻ trượt ngã. Kiểm tra nước tắm cho trẻ cẩn thận, không để trẻ tự ý vặn vòi sen, gây bỏng. Nếu sàn nhà ướt hãy lau khô lập tức.
11. Thuốc
Trẻ rất thích những thứ có nhiều màu sắc và chúng sẽ tưởng nhầm thuốc là kẹo và bỏ vào miệng, điều này vô cùng nguy hiểm nếu như các bậc phụ huynh không phát hiện kịp thời. Vì vậy các mẹ nên có tủ hoặc hộp đựng thuốc cất ở một nơi riêng trẻ không thể tự lấy. Giúp bé phân biệt rõ và để riêng thuốc dành cho người lớn và thuốc dành cho trẻ.
12. Cây cảnh
Một số loại cây cảnh chúng ta hay để trong nhà để làm đẹp có chứa độc tố nhưng không phải bậc cha mẹ nào cùng biết để đề phòng. Nếu trẻ ngắt lá của những loại cây đó cho vào miệng có thể gây loét niêm mạc, hoa mắt, chóng mặt, tiêu chảy, hoặc nặng hơn là tử vong. Những viên đá hay sỏi nhỏ được rải xung quanh chậu cây cảnh cũng có thể khiến bé gặp nguy hiểm nếu nuốt vào. Vì vậy các mẹ trước khi định trồng một loại cây cảnh nào ở nhà bạn nên tìm hiểu thật kỹ về chúng, nếu là cây có độc không nên để trong nhà. Không nên đặt đá, sỏi nhỏ rải trong chậu cảnh, nên để cây cảnh xa tầm tay của bé.
MỸ AN(Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]BXQ6yuMCqq[/mecloud]