Thời điểm người trúng đấu giá phải nộp đủ tiền
Như đã đưa tin, ngày 15/9, Bộ Công an công bố kết quả phiên đấu giá 11 biển số xe ô tô diễn ra từ từ 9h00 đến 17h00 cùng ngày.
Các biển số đẹp được đưa ra đấu giá là: 19A-555.55; 30K-555.55; 15K-188.88; 99A-666.66; 36A-999.99; 43A-799.99; 47A-599.99; 51K-888.88; 98A-666.66; 65A-399.99 và 30K-567.89
Trong đó, biển số 51K-888.88 của địa bàn TP Hồ Chí Minh ghi nhận mức đấu giá kỷ lục lên tới 32,34 tỷ đồng. Hai biển số ở Hà Nội 30K-555.55, 30K-567.89 được khách hàng trả lần lượt 14,12 tỷ đồng và 13,075 tỷ đồng.
Các biển số ở địa phương khác có kết quả đấu giá từ 650 triệu đồng đến 4,27 tỷ đồng.
Báo Tiền phong đưa tin, theo Cục CSGT, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả đấu giá, biên bản đấu giá, danh sách người trúng đấu giá từ tổ chức đấu giá tài sản, Bộ Công an ban hành văn bản phê duyệt kết quả đấu giá.
Đồng thời gửi thông báo kết quả trúng đấu giá biển số xe ô tô vào hòm thư điện tử và gửi tin nhắn thông báo tới số điện thoại đã đăng ký tại tài khoản truy cập cho người trúng đấu giá.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an.
Ngay sau khi nhận đủ số tiền trúng đấu giá, Bộ Công an cấp hoá đơn điện tử bán tài sản công và văn bản điện tử xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá gửi vào hòm thư điện tử cho người trúng đấu giá để làm thủ tục đăng ký xe.
Trường hợp người trúng đấu giá không nộp đủ số tiền xử lý như thế nào?
Ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc, với số tiền khủng những người tham gia đấu giả bỏ ra để mua biển số xe, nhiều ý kiến băn khoăn về việc nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền thì biển số đó sẽ xử lý như thế nào?
Căn cứ Nghị định 39/2023/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 39) về thí điểm đấu giá biển số ôtô và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam đã ban hành quy chế phiên đấu giá trực tuyến biển số ôtô.
Theo đó, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tiền đặt trước (cọc) là 40 triệu đồng mỗi biển số.
Trong trường hợp quá 15 ngày mà người trúng đấu giá không hoặc chưa nộp tiền vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an, thì thông báo kết quả trúng đấu giá, văn bản xác nhận biển số xe ôtô trúng đấu giá sẽ bị hủy theo quy định tại Điều 16 Nghị định 39. Bên cạnh đó, biển số xe ôtô đã trúng đấu giá sẽ được đưa ra đấu giá lại.
Theo quy chế đấu giá, số tiền đặt cọc 40 triệu mỗi biển số mà người trúng đấu giá đã nộp sẽ không được hoàn trả lại và được nộp vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không hoàn tất thủ tục tài chính như đã nêu ở trên.
Cũng theo quy chế đấu giá, người trúng đấu giá biển số và đã nộp số tiền vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an, sẽ có 12 tháng để làm thủ tục đăng ký biển số xe ôtô trúng đấu giá gắn với xe ôtô thuộc sở hữu của mình.
Sau thời hạn 12 tháng, người trúng đấu giá không làm thủ tục đăng ký xe ôtô để gắn biển đã trúng đấu giá, thì biển số này sẽ được chuyển vào hệ thống quản lý, đăng ký xe và người trúng đấu giá sẽ không được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp, báo Người lao động đưa tin.
Bảo An(T/h)