Tuy mỗi người làm ở mỗi bộ phận, công việc khác nhau nhưng ở họ đều chung một niềm say mê với công việc và tình cảm gắn bó với Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Chính những điều đó thôi thúc các kỹ sư không ngừng sáng tạo và cống hiến…
Trong đợt trao giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” năm 2019 do Trung ương Đoàn tổ chức ở Quảng Ninh vừa qua, trong ngành Dầu khí có tổng cộng 8 kỹ sư trẻ được vinh danh; trong số đó có 3 kỹ sư của Nhà máy Đạm Phú Mỹ, thuộc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo). Đó là kỹ sư Nguyễn Văn Thơm (Kỹ thuật viên công nghệ), Chung Hoàng Văn (Kỹ sư, Trưởng ca xưởng Phụ trợ) và Phan Thái Sơn (Kỹ sư Công nghệ Urea).
1. Trẻ nhất trong số 3 kỹ sư đạt giải vừa rồi là anh Nguyễn Văn Thơm (SN 1989). Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Thơm vào làm việc tại Nhà máy từ năm 2012. Hiện tại, Thơm là Kỹ thuật viên công nghệ với các công việc chính là soạn thảo các phương án/quy trình vận hành, xây dựng tiến độ dừng/chạy lại máy và theo dõi các thông số công nghệ Xưởng NH3, từ đó lập đánh giá, báo cáo về tình trạng thiết bị để đề ra biện pháp điều chỉnh tối ưu nhất. Anh Thơm cũng phụ trách mảng quản lý sự thay đổi, tức là hằng ngày theo dõi sự thay đổi trong toàn bộ xưởng để phổ biến cho anh em và lập hồ sơ về sự thay đổi đó, đánh giá rủi ro.
Đồng thời, anh còn kiêm nhiệm bên mảng năng lượng với công việc tính toán về mức độ tiêu hao hóa chất, năng lượng của xưởng, căn cứ vào đó để tối ưu hóa năng lượng, giảm chi phí và tăng sản lượng sản phẩm.
Nói chung, công việc của anh Thơm liên quan nhiều về tính toán mô phỏng đánh giá thiết bị. Mà để làm được điều đó, anh phải tìm hiểu, nghiên cứu qua nhiều tài liệu và đầu tư nhiều thời gian. Chính vì thế mà anh cho biết, để đảm bảo tiến độ thì chuyện phải đem công việc về nhà là thường xuyên. Đặc biệt là trong thời gian qua khi Nhà máy tiến hành đấu nối, vận hành Xưởng NH3 revamp thì cũng là thời gian anh Thơm cùng anh em trong xưởng vất vả và áp lực nhất.
Trong Nhà máy nói chung và Xưởng NH3 nói riêng, Thơm là một cây sáng kiến cừ khôi với nhiều thành tích đáng nễ cả về lượng lẫn chất. Điển hình là trong năm 2018, cá nhân anh Thơm có đến 11 sáng kiến, ý tưởng đã được áp dụng. Có những sáng kiến có giá trị làm lợi hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng, như trong năm vừa qua, sáng kiến “Thực hiện quá trình boil-out trước khi khởi động lại Xưởng Amonia sau revamp” đã mang lại giá trị làm lợi hơn 6 tỷ đồng cho Nhà máy.
Ngoài việc hưởng ứng phong trào đóng góp ý tưởng, sáng kiến do Tổng công ty, Nhà máy phát động thì chính những vấn đề trục trặc, cản trở phát sinh trong công việc hằng ngày thôi thúc Thơm phải sáng tạo để khắc phục nó. Những sáng kiến cũng từ đó mà ra đời.
Nhưng chỉ thế thôi cũng chưa đủ để làm nên một cây sáng kiến như kỹ sư Nguyễn Văn Thơm của hiện tại, mà đó còn là nhờ vào ý thức và tinh thần lao động của anh. Thơm có nói, anh luôn đặt câu hỏi trong đầu rằng, làm sao để công việc được tốt hơn, đã tốt rồi thì làm sao phải tốt hơn nữa. Với thái độ làm việc đó, Thơm chưa bao giờ thấy hài lòng với kết quả hiện tại mà luôn tìm tòi, khám phá, cải tiến nó.
“Quan điểm là việc của tôi xưa nay là vậy, luôn trăn trở làm gì có ý nghĩa và thật sự giúp ích cho TCT, cho Nhà máy. Thái độ làm việc rất quan trọng, nếu chú tâm thì chúng ta sẽ làm việc tốt hơn và nếu làm việc với thái độ tích cực thì kỹ năng, kiến thức bản thân ta cũng từ đó tăng lên”, kỹ sư Thơm chia sẻ như thế.
2. Năm 2010, sau khi du học Rumani từ học bổng Dầu khí trở về, kỹ sư Phan Thái Sơn (SN 1985) vào làm việc tại Xưởng Urea của Nhà máy Đạm Phú Mỹ; đến năm 2016 thì anh chuyển sang phòng Công nghệ sản xuất phụ trách mảng Urea và UFC85 cho đến bây giờ. Ngoài ra, anh Sơn còn vừa là Phó Bí thư Đoàn cơ sở Nhà máy.
Công việc cụ thể của anh Sơn là theo dõi dây chuyền công nghệ sản xuất Urea hằng ngày, khi có phát hiện sự cố hay thông số bất thường thì tư vấn kịp thời cho xưởng vận hành và phía lãnh đạo Nhà máy để tìm hướng khắc phục. Song song đó, anh cũng là người đảm nhận phần việc nghiên cứu, tìm tòi công nghệ mới phù hợp trên thế giới để từ đó đề xuất áp dụng vào Nhà máy nhằm nâng cao hiệu quả, an toàn, tối ưu kinh tế.
Đặc thù công việc này cũng mang đến nhiều áp lực cho anh Sơn. Thứ nhất, nếu như có vấn đề liên quan đến dây chuyền công nghệ hay chất lượng sản phẩm Urea thì anh là người có trách nhiệm phải hiểu rõ và làm sao tư vấn cho Ban giám đốc Nhà máy về nguyên nhân cũng như phương án giải quyết triệt để nguyên nhân đấy. Và khi gặp phải những sự cố nghiêm trọng thì cần gấp rút điều tra xử lý và đề xuất hướng khắc phục nhanh nhất có thể. Cho nên, theo anh Sơn, có những lúc anh em trong phòng phải làm việc liên tục ngày đêm suốt mấy ngày liền.
Anh nói: “Thiệt hại cho mỗi ngày dừng máy là hàng chục tỷ đồng nên chúng tôi phải phối hợp giải quyết vấn đề đó nhanh nhất, hiệu quả nhất”.
Anh Sơn còn quan tâm cân đối thời gian cho công tác Đoàn. Bình thường thì không vấn đề gì nhưng khi Nhà máy có sự cố cần điều tra gấp mà lại trùng với lịch công tác Đoàn thì đúng là vất vả; khi đó, đòi hỏi anh Sơn phải sắp xếp thời gian hợp lý nhất để có thể vẹn đôi đường.
“May mắn là tôi luôn nhận được sự ủng hộ từ phía lãnh đạo đơn vị và bản thân tôi cũng thuộc tuýp người chịu áp lực công việc tốt”, anh Sơn nói. Công việc ở phòng công nghệ khác với ở xưởng vận hành vì luôn có nhiều đầu việc khác nhau và đều đòi hỏi hạn hoàn thành nhất định. Có lúc anh em trong phòng phải làm việc xuyên đêm để kịp chuẩn bị những thông tin, số liệu cho lãnh đạo vào sáng hôm sau.
“Tôi cũng rất thích tìm hiểu nguồn thông tin trên thế giới, qua đó trao dồi nhiều kinh nghiệm vận hành và cả ngoại ngữ”, anh Sơn chia sẻ. Trong quá trình làm việc, anh luôn bám theo giá trị cốt lõi trong cuộc sống, đặc biệt là “7 thói quen hiệu quả” trong quyển sách mà lãnh đạo tặng cho anh em CBCNV Nhà máy.
Ở vai trò là một cán bộ Đoàn, anh cùng các Đoàn viên đồng hành cùng chính quyền trong hoạt động sản xuất kinh doanh qua những chương trình phát huy ý tưởng sáng tạo. Điển hình như trong đợt bảo dưỡng tổng thể Nhà máy năm 2017, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng đã thu về được 1.300 ý tưởng. Một con số mà chính những người phát động phong trào thi đua cũng không ai ngờ tới. Cũng chính nhờ phong trào sáng tạo sôi nổi ấy mà đợt bảo dưỡng thành công tốt đẹp, đảm bảo các tiêu chí an toàn, chất lượng, tiến độ và tiết kiệm.
Bản thân anh Sơn trong năm qua có nhiều sáng kiến và ý tưởng, trong đó, sáng kiến về nâng cao tính dự phòng cho các thiết bị theo dõi giá trị PH của tháp hấp thụ UFC85 đem lại giá trị làm lợi lớn. Bên cạnh đó, anh cũng còn nhiều ý tưởng chuẩn bị viết thành đề tài sáng kiến. Đặc biệt, không chỉ có ý tưởng, sáng kiến để khắc phục những sự cố đã xảy ra mà anh Sơn còn tự mày mò nghiên cứu các tài liệu ở những nhà máy sản xuất phân bón tương tự trên thế giới, tìm hiểu về những sự cố mà họ đã gặp phải để từ đó đưa ra những đề xuất cải tiến nâng cấp mang tính phòng ngừa cho Nhà máy mình.
Anh Sơn cho biết, giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” mà anh vinh dự nhận được là động lực để anh tiếp tục rèn luyện mình thêm, tập trung cho công việc hơn và hướng tới những sáng kiến mới, giải thưởng mới trong năm sau.
Về “cơ duyên” đến với giải thưởng này, anh Sơn kể là vào năm trước, do anh là cán bộ Đoàn trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham dự của hai kỹ sư Nhà máy và sau đó nhìn thấy được sự thành công của họ. Giải thưởng đó đã lan tỏa đến các anh em kỹ sư, trong đó có anh Sơn với quyết tâm phấn đấu để năm sau bản thân cũng sẽ được vinh danh như thế.
Và năm nay, anh Sơn và hai anh em khác đã làm được!
3. Nhân vật để lại nhiều ấn tượng trong buổi trò chuyện là anh kỹ sư Chung Hoàng Văn (SN 1985). Sinh ra và lớn lên ở TP.HCM nhưng cái gốc hiền lành chân chất của người miền Tây trong anh vẫn thể hiện rõ qua cách suy nghĩ về cuộc sống, công việc của anh.
Thuở đi học, anh Văn học chuyên toán tin nhưng sau đó lại chuyển sang ngành hóa dầu vì anh nhận ra mình thích hợp với môi trường công việc ngoài công trường, có tiếp xúc với máy móc thiết bị hơn. Và cho đến bây giờ, sự thay đổi đó với anh là hoàn toàn chính xác.
Cuối năm 2009, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM, anh Văn về công tác tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ cho đến bây giờ. Là một kỹ sư, trưởng ca của Xưởng Phụ trợ, công việc chính thường ngày của anh Văn là phụ trách công việc đào tạo chung và là một kỹ sư chuyên khu của Xưởng, kiểm soát vấn đề bất thường của hệ thống để kịp thời tư vấn lãnh đạo xử lý. Ngoài ra, khi cần thiết thì anh Văn được điều động về ca vận hành với vai trò quản lý ca. Chính vì thế mà nhiều khi thời gian làm việc của anh Văn không cố định, lúc làm hành chính, có lúc lại “nhảy” về ca.
Ngoài giờ giấc thường thay đổi, công việc của anh Văn cũng khá áp lực, nhất là khi chạy tiến độ dự án hay khi hệ thống máy móc gặp sự cố. Nhưng với anh Văn, công việc càng áp lực, thử thách thì khiến anh càng thích thú. Và những lúc giải được bài toán nào hóc búa thì niềm vui công việc càng nhân lên, càng có thêm động lực để phấn đấu.
Quan điểm trong công việc của anh Văn cũng khá mộc mạc như con người anh, đó là làm việc phải có trách nhiệm và không ngừng học hỏi. Với anh Văn, sự học đó không giới hạn ở người, hoàn cảnh. Như những ngày đầu vào làm việc tại Nhà máy, anh Văn xem những anh em công nhân là người thầy đầu tiên của mình vậy bởi chính họ là những người đã giúp anh làm quen với môi trường mới.
Năm 2018, kỹ sư Chung Hoàng Văn có 3 sáng kiến được công nhận còn ý tưởng thì nhiều nên anh không nhớ hết được. Trong các sáng kiến, tiêu biểu nhất là “Sáng kiến về các giải pháp đấu nối các điểm Tie-in, phục vụ cho dự án Revamp NH3” với giá trị làm lợi hơn 3 tỷ đồng.
Có một điều thú vị là với anh Văn, sáng kiến này cũng như các sáng kiến khác đều đến với anh một cách rất tự nhiên và… vô tư. Tức là lúc làm thì anh chỉ nghĩ đơn giản là làm sao cho công việc thuận lợi, trôi chảy, các dự án đúng tiến độ, hiệu quả hơn mà thôi. Sau khi công việc hoàn thành rồi, khi có thời gian anh mới nghĩ đến việc đăng ký thành sáng kiến, còn trước đó là hoàn toàn không.
Ngoài đam mê công việc, thú vui giúp anh Văn cân bằng cuộc sống đó chính là du lịch. Anh dành phần lớn thời gian rảnh để xách balô lên đi du lịch bụi đến vùng đất mà chưa từng đến bao giờ. Đến nay, anh Văn đã đi được khoảng 10 nước ở châu Á, châu Âu. Nhưng dù có đi nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng thế giới thì với anh, nơi để lại ấn tượng đặc biệt nhất vẫn là ở Việt Nam.
Anh kể từng thực hiện chuyến du lịch bằng xe máy quanh các vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc. “Cảm giác đi những nước khác không tìm đâu thấy được cảnh đẹp như vậy. Mình đã đi đủ 4 cực của đất nước rồi, Phan Xi Păng mình cũng đã leo rồi”, anh Văn hào hứng chia sẻ. Nói thêm về ý nghĩa của mỗi chuyến đi, anh Văn cho biết nó giúp anh khám phá thêm nhiều điều mới mẻ, trải nghiệm những con người, cảnh vật mới mà mình không thường tiếp xúc hàng ngày. Và những chuyến đi đó cũng là cách anh làm mới bản thân mình sau những tháng ngày bù đầu vào công việc…
Khi được hỏi về kế hoạch sắp tới, anh Văn cho biết, trong giai đoạn Tổng công ty đang gặp nhiều thử thách như hiện nay thì anh cũng như anh em trong xưởng vẫn luôn quyết tâm và kiên định trong việc nỗ lực hết mình với công việc, bởi anh em quan niệm sự nỗ lực đó sẽ mang đến nhiều thứ chứ không phải chỉ là tiền lương, vật chất mà đó còn là kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sống - những thứ vốn vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người.
Anh Văn chia sẻ rằng, anh yêu công việc và môi trường Nhà máy Đạm Phú Mỹ bởi đây là môi trường vừa chuyên nghiệp vừa thân thiện, là mảnh đất mà anh em có thể yên tâm cống hiến. Với anh, đó thật sự là “ngôi nhà thứ hai”!
Không chỉ với anh Thơm, anh Văn, anh Sơn mà nhiều anh kỹ sư trẻ khác ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ mà tôi đã có dịp trò chuyện trước kia đều như vậy, chân dung họ dung dị và chân thành. Ở họ, người ta thấy được tình yêu công việc, đam mê sáng tạo, nhiệt huyết với nghề là sâu sắc nhất. Chính điều đó đã góp phần làm nên những thành tích của Nhà máy Đạm Phú Mỹ nói riêng và PVFCCo nói chung hôm nay!
Trúc Vân