+Aa-
    Zalo

    Những người phụ nữ khổ nhất thế gian

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những người phụ nữ này phải sống cảnh đời cam chịu, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cũng không đủ để trả nợ cho chồng vì những món nợ “trên trời”.

    Họ là những người phụ nữ tần tảo, chịu thương, chịu khó. Họ “được” làm vợ nhưng phải sống cảnh đời cam chịu, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cũng không đủ để trả nợ cho chồng vì những món nợ “trên trời”.

    Chị Trần Thị Trang (SN 1989, Hà Nội) kể về việc phải bán cả nhà, đi vay tiền khắp nơi để trả nợ cho chồng. Có cuộc sống gia đình hòa thuận, thế nhưng chồng chị Trang luôn “dở chứng”, lười biếng, không chịu lao động làm ăn. Thậm chí khi đi làm về mệt chị Trang lại còn bị chồng chửi bới, mặc dù chồng đang ở trên đất bố mẹ vợ cho và nhà kế bên là bố và chị gái của chị Trang. Bao nhiêu tiền bạc làm được, tiền bố mẹ cho, chị đều phải mang đi trả những khoản nợ “như chúa chổm” của ông chồng lười làm, ham chơi.

    Cô gái trẻ Trần Thị Trang phải trả nợ cho chồng.

    Một người phụ nữ khác có gần chục năm trả nợ thay chồng là bà Đỗ Thị H. (55 tuổi, Yên Lập, Phú Thọ). Bà H. kể, từ ngày sống cùng nhau, chồng bà mới lộ rõ tính ăn chơi, lười làm và mang nhiều món nợ.

    “Chồng nợ nhiều quá chủ quán lại đến nhà tôi tìm đòi: “Trả nợ cho chồng đi, không có tiền thì để nó ở nhà, đã nghèo còn sĩ”. Tôi nuốt nước mắt vào trong, có bao tiền lại mang đi trả nợ cho chủ quán. Mặc dù chồng không đánh đập, chửi bới vợ con nhưng tôi luôn phải còng lưng trả nợ thay. Nhiều lần không có tiền trả nợ, chồng tôi bị người ta đánh, mỗi lần như thế tôi lại cố...”, bà H. ngậm ngùi chia sẻ.

    Nhưng rồi không chịu đựng được cảnh tiền được bao nhiêu lại mang đi trả nợ đến đấy, bà H. từng bế con về nhà bố mẹ ở. Còn chồng bà khi chơi hết tiền lại đến van xin bà quay về và hứa sẽ thay đổi.

    Thương con thiếu đi tình cảm của người cha, lớn lên bị bạn bè chế giễu, bà đồng ý tha thứ quay về nhà để vun vén cho gia đình. Nhưng chỉ được một thời gian thì người chồng lại “ngựa quen đường cũ”.

    Bà H. chia sẻ về cuộc sống với chồng “chúa chổm”.

    “Nợ nần nhiều không có tiền trả, chủ nợ đến nhà tôi, có thứ gì quý giá là mang đi hết. Đợt ấy vào đúng vụ gặt, tôi phải gửi con cho mẹ đẻ để đi gặt từ lúc tờ mờ sáng. Lúa mới mang về chưa kịp phơi khô đã có người mang bao tải đến xúc hết vác đi. Họ nói để gán nợ cho chồng tôi. Năm ấy, gia đình tôi không còn hạt thóc nào phải đi ăn đong từng ngày, sang nhà mẹ đẻ xin gạo về nấu cháo cho con nhỏ. Con khát sữa, nhà không có cơm ăn, cái đói nghèo đeo bám nhưng chồng tôi không nhận ra mà chỉ lao vào ăn chơi, nhậu nhẹt.

    Tôi nhẫn nhục, chịu đựng cho đến khi đứa con thứ 2 chào đời được 3 tháng, chủ nợ lại một lần nữa tìm đến nhà, khi ấy trong nhà không còn đồ đạc gì đáng giá, thóc lúa chưa đến vụ thu hoạch, tôi đành đi vay anh em, bạn bè lấy tiền đưa cho họ không thì chồng sẽ lại bị người ta đánh.

    Nợ nần ngày một chồng chất nhưng anh ta vẫn không tỉnh ngộ ra, tôi đành phải đi khắp các quán quanh làng dặn họ đừng cho chồng tôi ăn nợ nữa. Anh ta về mắng chửi tôi thậm tệ, nói tôi là người vợ hỗn láo, dám đi bôi xấu chồng khắp nơi. Dù mang tiếng ác, tiếc chồng cả miếng ăn tôi cũng chấp nhận”, bà H. tâm sự.

    Rồi cuối cùng, không thể tiếp tục sống trong cảnh quanh năm trả nợ thay chồng, bà làm đơn ly dị và chấp nhận một mình nuôi con.

    Cũng giống như bà H. cuộc đời bà Nguyễn Thị T. (58 tuổi, Cẩm Khê, Phú Thọ) phải ngậm đắng nuốt cay suốt năm tháng đi trả nợ cho chồng. Món nợ này chưa dứt, món nợ khác lại “kéo” đến. Mỗi lần nợ nần nhiều quá, ông lại trốn vào với “vợ hai” tận Bình Phước để bà ở nhà gồng mình lên lo tiền trả nợ.

    Theo lời bà T. kể, bà sinh được ba cô con gái, chồng bà lấy cớ đó để chán đời, thường xuyên vắng nhà. “Ông ấy cứ lấy cớ đi làm ăn xa bắt tôi đưa tiền, nhưng thực chất là lấy tiền đi xuống Hà Nội chơi bời. Tiêu hết tiền là ông ta về nhà. Không những thế, ông ấy còn đi vay nặng lãi để lấy tiền ăn chơi. Từ đó tôi biết thế nào là lãi ngày, thế nào là trả nợ thay chồng”, bà T. kể.

    “Nợ ngày càng chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con, chồng tôi lao vào lô đề cờ bạc, không hiểu thế nào số nợ lên tới tram triệu. Tôi chỉ muốn gào khóc, trách bản thân mình, trách chồng, thương con. Tôi đành mang sổ đỏ lên ngân hàng vay tiền để trả nợ cho ông ta, còn những khoản nợ ngoài tồn đọng, tôi đi đến từng nhà xin khất nợ để mẹ con tôi làm trả sau. Gánh nặng đè lên đầu vợ con, nhưng ông ta không thay đổi, vẫn sĩ diện, tụ tập, chơi bời, tiêu pha, đối xử tệ bạc với vợ con. Nghĩ tới gia cảnh khốn khổ của bản thân là tôi muốn chết, không thiết sống nữa”, bà T. bi quan nói.

    * Bài viết đã được đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật

    Mai Thu

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-nguoi-phu-nu-kho-nhat-the-gian-a186751.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan