"Lấy hết can đảm lật nạn nhân lại, tôi lạnh người khi mạch cổ chị ấy không còn", Đức - một trong những người đầu tiên tiếp cận hiện trường - kể. Chuyến đi ngắm cảnh của cậu và 17 người bạn đã trở thành ký ức bi thương khi họ tình cờ gặp chiếc xe khách lao xuống vực sâu.
Gần 19h ngày 1/9, trời vùng núi tối mịt, Ngọc Trang (22 tuổi) và Hùng (27 tuổi) cùng 16 thành viên khác của đoàn phượt Phong Vân từ Hà Nội lên Sa Pa. Đang đổ dốc Tòng Sành trên quốc lộ 4D về thành phố Lào Cai, họ bỗng chứng kiến chiếc xe khách to lớn đi trước khoảng 10 m văng khỏi trục đường, lao xuống vực.
Những tiếng "ầm, ầm" chát chúa, khô khốc vang lên khi xe khách lộn nhào, va vào thành vực khiến những thành viên trong đoàn rợn người, vội vã dừng xe. Trang sụp xuống đất, nước mắt giàn giụa như vô thức nhưng ngay sau đó cô trấn tĩnh và bấm điện thoại báo cho trưởng đoàn vừa vượt qua chiếc xe khách bị nạn. Không ai bảo ai, 18 thành viên lần mò xuống vực cứu người.
Những thành viên nhóm phượt cùng công an và dân địa phương cứu người. Ảnh:Minh Tùng. |
Bùi Ngọc Đức (23 tuổi, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội) tháo giày, rọi chiếc đèn pin nhỏ mang theo, bám vào từng cây cỏ để tuột xuống dốc. Cậu là một trong những người đầu tiên tiếp cận hiện trường. Cách mặt đường chừng 6 m, đập vào mắt Đức là la liệt nạn nhân bê bết máu. Tiếng kêu cứu, gọi tên người thân và cả những thành viên trong đoàn phượt hốt hoảng gọi nhau nhờ hỗ trợ như xé toang bóng tối giữa rừng núi.
Nạn nhân đầu tiên nam sinh này gặp là người phụ nữ nằm sấp trên những mảnh kính vỡ và đất đá ở con dốc. "Lấy hết can đảm từ từ lật nạn nhân lại, tôi lạnh người khi mạch cổ của chị ấy không còn", Đức kể.
Sau phút bàng hoàng, cậu sinh viên vội rảo bước tìm kiếm xung quanh, nơi nhiều hành khách bị hất văng khỏi chiếc xe đã biến dạng. Gặp nữ sinh ĐH Y Hà Nội tên Vân, anh nắm chặt tay, tháo chiếc vòng đá cầu may do một sư thầy ở Hà Tĩnh tặng, đeo vào cho cô gái. Vân bị gãy nát nhiều mảnh xương, không thể đưa ngay lên đường. Cô níu chặt chân Đức sợ hãi. Chàng sinh viên Bách khoa gọi một số thành viên trong nhóm đến nói chuyện với Vân để cô không lịm đi.
Đức tiếp tục tụt xuống một đoạn dốc khác, lật mảnh vỡ ôtô và tìm được thêm hai nạn nhân, trong đó một người đã chết. Những người cứu hộ bàn nhau tháo giường trong xe khách làm cáng đưa người bị thương nặng nhất thoát khỏi vực của dốc "ba tầng".
Ban đầu, các thanh niên chuyển từng người một nhưng không dễ dàng bởi địa hình vực sâu phức tạp. Sau đó, họ chuyển sang cách xếp thành hàng dài, lần lượt chuyền tay nhau những chiếc "cáng" có nạn nhân để lên đường. "Mọi người phải dùng hết sức lực. Thậm chí đội đầu, đệm vai để giữ các nạn nhân không văng khỏi cáng ở thế dốc ngược", Trang cho hay.
Còn Lê Diệu, một thành viên khác của đoàn phượt bị sốt nặng vừa trải qua đợt cấp cứu, song khi nghe những tiếng kêu của nạn nhân cũng theo chân các thành viên khác xuống vực. Xung quanh cô lúc đó có rất nhiều thi thể và cả những người bị thương. Không đủ sức nâng đỡ họ, cô ngồi tại chỗ chăm sóc, chờ đồng đội đến hỗ trợ. Khi đa số nạn nhân đã được đưa lên trên, Diệu khuỵ ngã, nước mắt giàn giụa. Cô sau đó cũng được đưa đến bệnh viện truyền nước.
Nguyễn Lê Nguyên (23 tuổi, vừa tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội), người mang đồ bảo hộ xuống nơi có người gặp nạn để sơ cứu, quên cả việc mình đang đi chân đất vì bị hỏng giày. Đạp lên những mảnh kính vỡ, đôi chân cậu trai trẻ bị cứa đứt nhiều chỗ.
"Tôi đưa được 6 người bị nạn lên khỏi vực. Ám ảnh nhất với tôi là trường hợp nạn nhân tên Hà. Chị ấy bị đa chấn thương, mắt bê bết máu và những màng máu vón thành cục như bong bóng. Gương mặt nhợt nhạt của chị khiến tôi sợ rằng chị sẽ không qua khỏi. Khi đưa được chị lên bờ thì mọi chuyện ổn hơn", Nguyên chia sẻ.
Đoàn phượt Phong Vân vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai thăm các nạn nhân trên xe khách. Trong ảnh, Bùi Ngọc Đức trò chuyện với nạn nhân tên Vân, người mà cậu đã tặng lại chiếc vòng may mắn dưới con vực của dốc Tòng Sành. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Nam sinh trường ĐH Ngoại thương Hà Nội Phùng Bá Ngọc, người cầm lái xe máy và bị xe khách trượt sát bên hông, kể rằng khi xuống vực cứu nam thanh niên có đồng tử gần rơi ra khỏi mặt, cậu đã rất sợ. "Nghĩ đến việc phải giúp cho họ sống, mọi sợ hãi dần được xua tan. Tham gia cứu hộ lần này, tận tai nghe những lời trăn trối của nạn nhân, tôi thật sự đau lòng", Ngọc cho biết.
Công việc cứu người kết thúc khoảng 21h30, sau khi được một số người dân và những người đi đường dừng lại hỗ trợ. Trước khi xe cứu hộ đến, một chiếc xe khách chạy từ thành phố Sa Pa ngang qua đã tình nguyện chở người bị thương vào bệnh viện.
Giữa màn đêm xen lẫn những ánh đèn của xe công an, cấp cứu và nhiều người chứng kiến, đoàn phượt lặng lẽ rời con dốc Tòng Sành để tìm chỗ nghỉ ngơi. Mâm cơm đêm qua không rộn ràng như bữa ăn khác của những người vui nhộn, yêu thích sự mạo hiểm. Họ trầm ngâm khi vừa chứng kiến những khoảnh khắc sinh tử.
Hôm sau, theo lịch trình, các thành viên trong đoàn sẽ vòng đường khác để ngắm cảnh và về Hà Nội, nhưng họ đã quyết định quay lại bệnh viện Lào Cai thăm các nạn nhân. "Những cái bắt tay siết chặt của các nạn nhân khiến chúng em cảm thấy hạnh phúc", Trang, nói.