Bắp cải là một "kho tàng" dinh dưỡng. Trong 100g bắp cải, chúng ta có thể tìm thấy canxi, photpho, kali, sắt và đặc biệt là lượng vitamin C lớn, gấp 4,5 lần so với cà rốt và 3,6 lần so với khoai tây, hành tây.
Bắp cải không chỉ là thực phẩm, mà còn được sử dụng như một loại thuốc chữa bệnh từ thời thượng cổ ở châu Âu, được ví như “thuốc của người nghèo”. Bắp cải có thể dùng làm thuốc trị giun, đắp ngoài làm thuốc tẩy uế và làm liền sẹo các vết thương, mụn nhọt, các vết thương ác tính, đồng thời là loại thuốc trị sâu bọ tốt (ong, nhện…).
Bắp cải còn được dùng làm thuốc giảm đau trong bệnh thấp khớp, thống phong, đau thần kinh hông (lấy lá cải bắp ủi cho mềm, sau đó đắp lên các phần bị đau); giúp làm sạch đường hô hấp bằng cách dùng đắp (trị viêm họng khàn tiếng), hoặc uống trong (chữa ho, viêm sưng phổi).
Bắp cải cũng là thuốc chống hoại huyết, trị lỵ và là nguồn cung cấp lưu huỳnh cho cơ thể. Nước sắc bắp cải dùng để lọc máu. Đặc biệt bắp cải còn là vị thuốc chống kích thích thần kinh và chứng mất ngủ rất tốt. Những người hay lo âu, học sinh sắp đi thi, người bị suy nhược thần kinh, mệt mỏi liên miên nên dùng bắp cải thường xuyên.
Bắp cải còn được chứng minh có lợi ích chống viêm, giúp giảm huyết áp và ngăn ngừa sự hình thành tiểu cầu, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Glucosinolate trong bắp cải có thể giúp giảm nguy cơ mắc các loại ung thư khác nhau và hạn chế sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori, liên quan đến loét dạ dày.
Cải bắp tuy tốt cho sức khỏe, tuy nhiên những người sau được khuyên không nên ăn.
Những người không nên ăn cải bắp
Người bị bướu cổ
Bắp cải là một loại rau chứa nhiều dinh dưỡng, trong đó chứa cả goitrin - một chất có tác dụng chống ôxy hóa nhưng lại có thể gây bướu cổ. Chính vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia y tế là người bị rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ không nên ăn bắp cải vì nếu không sẽ làm tuyến giáp hoặc bướu cổ phù to ra.
Nếu vẫn muốn ăn, nhóm người này chỉ ăn bắp cải số lượng nhỏ, khoảng 2 bữa mỗi tuần là an toàn. Nên ngâm rửa từng lá và thái nhỏ, để khoảng 10-15 phút rồi mới chế biến để goitrin bị phân hủy hết.
Người hệ tiêu hóa kém
Ưu điểm của bắp cải là chứa nhiều chất xơ, hỗ trợ nhuận tràng, ngừa táo bón... Tuy nhiên người đang tiêu chảy nếu ăn nhiều loại rau này có thể khiến tình trạng thêm trầm trọng, khó điều trị hơn.
Ngoài ra, rau bắp cải dễ sinh khí, có thể gây đầy bụng nếu ăn sống vì vậy những người bị đau dạ dày, hay bị chướng bụng, đầy hơi nên hạn chế ăn bắp cải sống, tốt nhất nên làm chín trước khi ăn.
Người bị bệnh thận
Theo nghiên cứu, bắp cải là loại rau chứa khá nhiều axit oxalic. Khi được tiêu thụ quá nhiều, lượng axit oxalic này có thể kết hợp với các chất dinh dưỡng cần thiết bên trong cơ thể như canxi, mangiê, sắt, kali... tạo thành các muối oxalat.
Oxalat calci có thể lắng đọng ở thận, có thể làm tăng khả năng hình thành sỏi ở thận, gây ra sỏi thận. Chính vì vậy những người đang bị suy thận nặng, phải chạy thận nhân tạo không nên dùng bắp cải. Người có tiền sử sỏi thận nên hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng ăn bắp cải phù hợp.
Với người khỏe mạnh, khi ăn bắp cải nên cắt nhỏ và nấu kỹ để giảm thiểu lượng axit oxalic trong loại rau này.
Người tạng hàn
Theo Đông y, bắp cải có tính hàn, do vậy những ai yếu người, lạnh tay chân hay gặp các vấn đề liên quan đến phong hàn không nên ăn bắp cải vì sẽ làm bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn ăn bắp cải thì có thể cho thêm một nhánh gừng đập dập và luộc cùng bắp cải sẽ khiến trung hòa bớt tính hàn có trong bắp cải.
Nếu vẫn muốn ăn, nhóm người này chỉ ăn bắp cải số lượng nhỏ, khoảng 2 bữa mỗi tuần là an toàn. Nên ngâm rửa từng lá và thái nhỏ, để khoảng 10-15 phút rồi mới chế biến để goitrin bị phân hủy hết.
Như Quỳnh(T/h)