(ĐSPL) - Từng là đàn em thân tín, "cánh tay phải" của ông trùm Hợi "chim cú", liều lĩnh xách hơn 155 bánh heroin qua cửa khẩu như chỗ không người, Nguyễn Trọng Xin đã phải trả giá cho những việc làm trên với mức án tử hình. Những ngày cuối cùng của cuộc đời tử tù này đang phải gắn với căn bệnh lao phổi và nỗi day dứt ân hận mà y đã gây ra cho gia đình mình. Điều đáng nói là trong 6 năm trốn nã, y vẫn lén lút về thăm vợ và kịp sinh thêm một đứa con.
Trốn nã vẫn về gặp vợ... sinh con
Câu chuyện về những ngày chờ ra pháp trường của các tử tù vẫn luôn là một đề tài nói mãi không hết. Mỗi người một tội, một hoàn cảnh và trải qua những chuỗi tâm lý khác nhau, nhất là những thời khắc đặc biệt, trước giờ trả án. Trong chuyến công tác mới đây, PV được các cán bộ quản giáo trông coi tử tù ở trại giam Công an tỉnh Nghệ An kể cho nghe câu chuyện về Nguyễn Trọng Xin (SN 1976), quê ở xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), bị kết án tử hình về tội Buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Tử tù Nguyễn Trọng Xin. |
Theo cáo trạng của Viện KSND Nghệ An, Nguyễn Trọng Xin sớm bỏ học đua đòi theo đám bạn xấu, rồi dính vào ma túy lúc nào không hay. Sau khi nghiện, Xin đã đi xách hàng thuê cho các điểm bán lẻ ma túy trên địa bàn và các vùng lân cận. Năm 2000, trước những khuyên can của gia đình, Xin quyết định đoạn tuyệt với ma túy bằng cách sang Lào làm thuê. Tuy nhiên, tại đất khách quê người, y không may gặp lại người đồng hương tên Trần Văn Hợi (biệt danh Hợi "chim cú"), một trùm ma túy xuyên quốc gia có tiếng, đang trốn lệnh truy nã tại đất nước Triệu voi. Không ngờ, cuộc hạnh ngộ này đã khiến Xin không những không cai nghiện được mà còn lái cuộc đời mình đi vào bi kịch đen tối, phải lấy cái chết để trả giá cho những lầm lỗi.
Biết Xin nghiện, Hợi đã ra sức dụ dỗ, lôi kéo y trở thành đệ tử thân tín của mình. Không có bản lĩnh vững vàng lại bị lóa mắt trước thuốc và tiền, Xin đã nhanh chóng gia nhập vào đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy với số lượng khủng của Hợi. Cứ mỗi chuyến hàng "đáp cánh" an toàn về Việt Nam, Hợi trả cho Xin 15 triệu đồng tiền công vận chuyển. Cầm những đồng tiền rủng rỉnh trên tay, lại không bao giờ phải lo thiếu thuốc như trước, Xin quên mất nó có được từ việc làm bất chính mà nên. Thấy "làm giàu không khó", Xin rủ rê cả người anh trai là Nguyễn Trọng Hiến (SN 1969) tham gia cùng. Trung bình mỗi chuyến, anh em họ Nguyễn này mang về Việt Nam xấp xỉ chục bánh heroin. Thậm chí có lần, Xin xách hơn 80 bánh qua cửa khẩu vào nội địa Việt Nam như chốn không người. Chính vì cái "duyên" xách hàng ấy của mình, Xin cùng anh trai được Hợi "chim cú" đánh giá cao và tin cậy. Tính ra, trong tổng số 5.500 bánh heroin mà đường dây của “ông trùm” này thực hiện, Xin và anh trai tham gia vận chuyển trót lọt được 155 bánh.
Năm 2004, đường dây hoạt động của Hợi nằm trong tầm ngắm của cơ quan điều tra. Không lâu sau đó đường dây này đã bị đánh sập. Hợi bị lĩnh án tử hình, Hiến bị bắt ngay sau đó. Hiến bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên án tử hình, nhưng được Chủ tịch nước giảm xuống mức án chung thân vì đã giúp cảnh sát phá án. Hiện, phạm nhân này đang thụ án tại Trại giam số 3 của bộ Công an. Ngược lại, Xin lại nhanh chân tẩu thoát sang Lào. Hơn 2.000 ngày sống vất vưởng nơi xứ người, trong cái lốt của một phụ hồ cho các công trình xây dựng nhỏ, Xin đã phải chịu cảnh đói thuốc quằn quại và nhớ vợ, thương con lay lắt. Sống vật vờ như một cái xác không hồn, nhưng cứ nghĩ đến bản án mình phải đối diện, hắn rất sợ, nhất là sau khi có thêm đứa con thứ hai.
Sau nhiều lần lén lút trốn về thăm nhà, y đã kịp để lại giọt máu thứ hai trong bụng vợ. Năm 2009, đứa con gái chào đời trong nước mắt của người mẹ và sự nhớ mong quay quắt nhưng bất lực của người cha mang trọng tội. Tháng 7/2012, trong một lần nhớ con không chịu được, Xin mò về nhà. Song lần này, y đã phải tra tay vào còng số 8 của lực lượng Công an huyện Hưng Nguyên khi đang trốn trong thùng đựng thóc. Xin bị kết án tử sau chuỗi ngày đằng đẵng trốn nã trên đất nước bạn Lào.
Những ngày đếm ngược...
Hiện, Nguyễn Trọng Xin đang là một trong những tử tù được giam giữ tại khu biệt giam B2 của Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An. Mỗi ngày đi qua là một tờ lịch đếm ngược thời khắc ra pháp trường của tử tù này bị bóc đi. Trong câu chuyện kể của Trung úy Trần Đình Thế, quản giáo trực tiếp canh giữ tử tù Nguyễn Trọng Xin, cho thấy đối tượng này đang trải qua những tháng ngày day dứt. Xin bảo với người cán bộ này, trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, hắn có hai cái sai không thể tha thứ được. Ấy là khi bản thân đã bập vào ma túy lại còn lôi kéo thêm cả anh trai theo cùng. Để giờ đây, hắn không còn cơ hội thắp cho cha mình nén nhang, hay nhìn thẳng vào đôi mắt đau khổ của mẹ. Hắn cũng nhận ra rất rõ sự bất lực của mình trước vợ con. Hắn thương yêu vợ con hết lòng nhưng không thể chăm lo được cho họ.
Dường như khi sắp cận kề cái chết, con người ta muốn tâm sự, trải lòng nhiều hơn. Xin tự nhận mình là một đứa con bất hiếu, một người chồng vô trách nhiệm, không ra gì. Hắn cảm thấy mình có lỗi với rất nhiều người thương yêu, tin tưởng hắn, nhất là người vợ. "Ngày mới về làm dâu, cô ấy không hề hay biết chồng mình là một con nghiện có thâm niên. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, rồi cô ấy cũng biết sự thật. Hồi đó, em cứ tưởng vợ sẽ bỏ mình mà đi, ai ngờ, cô ấy đã ở bên em, động viên, khuyên răn, giúp đỡ em cai nghiện. Chính vì tình yêu ấy, em đã quyết định sang Lào. Nhưng rồi, vì không có bản lĩnh nên lại rơi vào hố sâu này. Em thấy có lỗi với cô ấy vô cùng. Ngày em trốn nã, cô ấy ở nhà chăm sóc bố mẹ, quán xuyến công việc cửa nhà không than thở, trách móc em lấy một câu", Trung úy Thế trích nguyên văn tâm sự của Xin cho tôi nghe.
Video tham khảo:
Cuộc truy lùng “đại bàng” trốn trại
Ngày nhận được tin đơn kháng cáo mức án tử hình của Xin bị tòa phúc thẩm bác bỏ, bố đẻ y vì quá đau đớn đã ngã bệnh và mất sau đó không lâu. Nhận được hung tin từ quê nhà, Xin đã đập đầu vào tường khóc, nhưng mọi hối hận đã quá muộn. Sau khi chồng đột ngột qua đời, một đứa con trai thì đã được ấn định cái chết, đứa thì chưa biết ngày về, mẹ của Xin ở quê nhà sống như cái xác không hồn, bệnh tình quanh năm, tính khí trầm uất. Vợ Xin thì không có công ăn việc làm ổn định, cả nhà 4 người đều trông vào mấy sào ruộng khoán (Xin có 2 con, đứa lớn nay đã 13 tuổi, đứa nhỏ 5 tuổi - PV).
Tuy nhiên, Xin vẫn đang là một tử tù may mắn hơn nhiều phạm nhân trong chốn biệt giam này, khi vẫn được mẹ và vợ con vào thăm nom thường xuyên. Cuộc sống tuy còn cơ cực trăm bề, nhưng vợ Xin thỉnh thoảng vẫn đưa mẹ chồng và các con đến trại gặp gỡ, động viên chồng. Tử tù này từng khoe với các cán bộ, hai đứa con của y rất ngoan, đứa con trai đầu học rất giỏi. Mỗi lần như vậy, giọng hắn lại chùng xuống: "Nếu em không đi sai đường thì giờ cũng đã có một gia đình hạnh phúc vui vẻ, với vợ hiền thảo và hai đứa con đủ nếp, đủ tẻ, ngoan ngoãn, học giỏi. Bố mẹ em cũng không đến mức bi đát như thế...".
Nỗi lòng tử tù Trung úy Trần Đình Thế cho biết thêm, hiện Xin bị bệnh lao phổi, đang phải liên tục điều trị. Để động viên phạm nhân, các quản giáo cũng thường xuyên tới chăm sóc, chuyện trò cùng Xin. "Công việc đặc biệt này mang đến cho mình những cảm xúc rất khó diễn đạt. Phía sau cái chết đang cận kề, những tử tù luôn mang nặng nỗi ân hận, day dứt với gia đình, người thân, nên trong họ, có những khoảnh khắc tình người trỗi dậy. Đôi khi gần gũi, lắng nghe những chia sẻ rất thật của họ, mình cũng động lòng trắc ẩn", người Trung úy đang đảm đương nhiệm vụ đặc biệt này chia sẻ. |