Thời điểm cuối năm ngoái, các hãng ô tô đua nhau ra mắt xe mới để vừa đa dạng dòng sản phẩm cũng như kích thích nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, sức mua vẫn chưa cải thiện đáng kể, buộc các hãng xe, đại lý phải điều chỉnh giá bán để mong bán được hàng. Thậm chí, có mẫu xe trong giai đoạn đặt cọc cũng giảm giá mạnh.
Theo báo Người lao động, hãng Mitsubishi vừa mở bán dòng xe Xforce hồi tháng 1/2024 với mức giá của 3 phiên bản lần lượt là 620, 660 và 699 triệu đồng. Dù đang trong giai đoạn đặt cọc nhưng hãng đã thông báo đồng loạt giảm 20 triệu đồng với các mẫu xe này, còn 599, 640 và 680 triệu đồng.
Tương tự, Honda BR-V – mẫu xe 7 chỗ mới chào bán được hãng giảm giá bằng cách tặng 100% phí trước bạ cho người mua, tương đương mức giảm 65-70 triệu đồng, tùy bản.
Đối với hãng Toyota, giá bán mẫu xe Yaris Cross vừa ra mắt gần đây giảm từ 73-80 triệu đồng, tùy bản. Mức giá mới của mẫu xe trên còn 650 triệu đồng cho bản thường, 765 triệu đồng bản hybrid.
Mẫu Viloran của Volkswagen vừa chào bán từ cuối năm ngoái với giá từ 1,989-2,188 tỷ đồng, nay cũng ưu đãi giảm giá trên dưới 200 triệu đồng.
Về thị trường ô tô trong nước, theo số liệu bán hàng vừa được Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, trong tháng 1/2024, doanh số bán ô tô các loại của các thành viên thuộc VAMA đạt tổng cộng 19.243 xe ô tô các loại, giảm 50% so với tháng 12/2023.
rong đó, doanh số xe lắp ráp trong nước đạt 9.783 xe, giảm 59% so với tháng trước đó và xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.460 xe, giảm 36%.
Phân khúc xe du lịch và xe thương mại đều ghi nhận sự suy giảm đáng kể, lần lượt là 54% và 31,5%. Ngay cả phân khúc xe chuyên dụng cũng không nằm ngoài xu hướng này, giảm 46% so với tháng trước.
Một minh chứng rõ nét hơn, theo báo cáo doanh số từ TC Motor - doanh nghiệp duy nhất trong khu vực phân phối tất cả các dòng xe thương mại và du lịch mang thương hiệu Hyundai tại Việt Nam, trong tháng 1 vừa qua đơn vị này bán ra 3.569 xe, giảm 67% so với tháng trước.
Như vậy, tính chung doanh số từ VAMA và TC Motor, trong tháng đầu năm 2024 người Việt đã mua sắm tổng cộng 22.812 xe ô tô mới các loại. Con số này chưa bao gồm doanh số bán hàng của các thương hiệu ô tô nhập khẩu như Mercedes-Benz, Audi, Jaguar Land Rover, Volvo, Nissan, MG… Hãng xe Việt Nam là VinFast vẫn chưa công bố doanh số bán hàng theo tháng.
Lý giải việc sức mua giảm, TC Motor cho biết, tháng 1/2024 là thời điểm cận dịp Tết nên tâm lý hạn chế mua sắm với khách hàng, dẫn đến doanh số của Hyundai nói riêng cũng như toàn thị trường nói chung suy giảm. Khi qua thời gian nghỉ Tết, thị trường được ổn định trở lại sẽ mang kì vọng vào mức doanh số tăng trưởng cao hơn trong các tháng kinh doanh tiếp theo.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu rõ, thực tế có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ sản phẩm ô tô trong tháng đầu năm mới.
Một là do tháng 1 thuộc thời điểm cận Tết Nguyên đán 2024 nên người tiêu dùng có tâm lý mua sắm hàng hóa, thực phẩm cho ngày lễ Tết hơn là tập trung mua ô tô.
Hai là sự thay đổi về chính sách. Đặc biệt là chính sách ưu đãi trước bạ 50% dành cho xe lắp ráp trong nước theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã hết hiệu lực từ đầu năm nay, khiến doanh số xe bán trong tháng đầu năm không đạt như kỳ vọng vì nhóm khách hàng có nhu cầu mua xe đã tranh thủ đặt xe từ cuối năm ngoái để kịp thời hưởng ưu đãi.
Một yếu tố khác là những bất ổn của nền kinh tế vĩ mô khiến người dân thắt chặt chi tiêu hơn, ảnh hưởng đến doanh số và lượng xe tồn kho. Các mặt hàng có giá trị lớn như ô tô, có giá từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng, sẽ khiến người dân phải suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định mua xe. Điều này tạo nên một thách thức không nhỏ cho thị trường ô tô dù các hãng xe đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mại. Những thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối ô tô tại Việt Nam có thể kéo dài tới nửa đầu năm 2024, tạp chí Mekong Asean đưa tin.
Vân Anh(T/h)