Cụ thể, theo Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, người vi phạm sẽ bị tạm giữ phương tiện ô tô tối đa đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt (theo Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính) đối với những hành vi vi phạm như sau:
- Điều khiển xe ô tô mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn với bất cứ mức độ nào hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, của người thi hành công vụ;
- Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có ma túy hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ;
- Đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc;
- Điều khiển xe ô tô không gắn biển số hoặc gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp;
- Điều khiển xe đăng ký tạm, xe có phạm vi hoạt động hạn chế hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép;
- Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (đối với loại xe có quy định về niên hạn sử dụng);
- Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
- Sử dụng Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa; sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
- Điều khiển xe không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên.
- Xe không đủ hệ thống hãm hoặc có đủ hệ thống hãm nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật;
- Gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Như vậy, những lỗi trên ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính sẽ còn bị tạm giữ phương tiện từ 7 ngày trở lên. Do đó, khi tham gia giao thông, người điều khiển cần tuân thủ những quy định của luật giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, với một số vi phạm kể trên mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện còn bị lực lượng chức năng tịch thu.
Cụ thể, tại điểm d, khoản 6, Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: "Trong trường hợp không có Giấy đăng ký xe hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số máy của xe hoặc bị tẩy xóa mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện".
Hoàng Yên (T/h)