Một quan chức Mỹ cho biết, trong ngày 27/2 (giờ địa phương), Nga đã phóng hơn 320 quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Theo ước tính của Mỹ, trong những giờ đầu tiên khi Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào tuần trước bao gồm, hơn 100 tên lửa được phóng từ đất liền và trên biển, chủ yếu là SRBM nhưng cũng có tên lửa hành trình và tên lửa đất đối không.
Phân tích rõ hơn về loại tên lửa này, ông Timothy Wright, nhà phân tích nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho rằng Nga rất có thể đã sử dụng loại SRBM duy nhất trong biên chế là hệ thống Iskander-M.
Theo Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), Iskander lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu vào năm 2008, loại tên lửa này được thiết kế để gây nhiễu hệ thống phòng thủ tên lửa bằng cách bay trên quỹ đạo thấp và cơ động trong chuyến bay để tấn công các mục tiêu ở cự ly xa 500km với độ chính xác từ 2-5 m.
Ông Wright cho biết: "Nó có khả năng nhắm mục tiêu chính xác và phá hủy những gì nó hướng tới".
Bên đạnh đó, ông Wright chỉ ra cũng có bằng chứng cho thấy Nga đã sử dụng OTR-21 Tochka SRBM, loại tên lửa được cho là đã "nghỉ hưu". Ông nhận định: "Nếu những thứ này được cất giữ, Nga có thể đã quyết định đưa chúng vào sử dụng thay vì loại bỏ chúng".
Theo Reuters, các tên lửa nhắm mục tiêu vào đâu và mức độ thiệt hại mà chúng gây ra vẫn chưa rõ ràng trong bối cảnh cuộc xung đột vẫn còn đang rối ren, nhưng các nhà phân tích cho biết dường như đã có một số cuộc tấn công vào các căn cứ không quân của Ukraine. Cụ thể, một cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine thông tin tên lửa Iskander phóng từ Belarus đã bắn trúng một sân bay ở Zhytomyr, miền Bắc Ukraine hôm 27/2.
Trong khi đó, ông Jeffrey Lewis, nhà nghiên cứu tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí (CNS), cho biết: "Chúng tôi thấy một số thiệt hại tại các sân bay và nó có vẻ khá chính xác".
Tuy nhiên, ông Joseph Dempsey, nhà nghiên cứu quốc phòng tại IISS, cho rằng một số cuộc tấn công bằng vũ khí không xác định vào các căn cứ không quân có phạm vi tương đối hạn chế và trong một số trường hợp, các vũ có khả năng bị lạc hướng, như việc phá huỷ chiếc máy bay đang cất giữ thay vì chiếc máy bay đang hoạt động.
Quan chức Mỹ ngày 27/2 cho biết thêm rằng có dấu hiệu cho thấy một số tên lửa của Nga đã gặp thất bại khi phóng. Người này nhận xét: "Đó không phải là đa số. Nhưng chúng tôi tin rằng một số vụ phóng tên lửa đã không thành công".
Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ thông tin trong một báo cáo, Nga chưa thể hiện hết khả năng tên lửa và không quân của mình và rất có thể sẽ gia tăng các đợt không kích trong những ngày tới để làm suy giảm khả năng phòng thủ còn sót lại của Ukraine.
Báo cáo nêu thêm: "Việc Nga không tấn công toàn diện các tài sản chủ chốt của Ukraine là một động thái đáng ngạc nhiên so với các hoạt động dự kiến của Nga và có khả năng đã giúp năng lực phòng thủ của Ukraine cứng rắn hơn".
Lên tiếng về vấn đề này, ông Dmitry Stefanovich, một nhà nghiên cứu vũ khí tại Viện Moscow về Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế, nhận định một số sự do dự của Nga có thể là do thiếu dữ liệu do thám và nhắm mục tiêu theo thời gian thực, nhưng với số lượng mục tiêu tĩnh, một lời giải thích khả dĩ hơn là Nga mong muốn giảm thiểu thương vong cho người Ukraine.
Ông chia sẻ: "Mặc dù Iskander-M là một hệ thống rất có uy lực và độ chính xác, nhưng xác suất sát thương phụ hiển nhiên sẽ tăng lên cùng với số lượng và cường độ vũ khí được sử dụng. Nếu bất kỳ điều gì liên quan đến các quốc gia sở hữu SRBM khác, thì đó là những điều đó có thể được sử dụng một cách hạn chế và thận trọng".
Minh Hạnh (Theo Reuters)