+Aa-
    Zalo

    Những lọai phá hoa nào được sử dụng vào dịp Tết Nguyên đán 2022?

    (ĐS&PL) - Trong dịp Tết Nguyên đán 2022, người dân chỉ được phép sử dụng những loại pháo hoa do doanh nghiệp thuộc bộ Quốc phòng sản xuất.

    Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thông tin về các loại pháo hoa do Công ty TNHH Một thành viên hoá chất 21 (Nhà máy Z121) sản xuất đã nhận được sự quan tâm của nhiều người dân. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, người dân cần đặc biệt lưu ý, phân biệt rõ “pháo hoa” và “pháo hoa nổ” để tránh nhầm lẫn và rơi vào tình huống thực hiện hành vi trái pháp luật.

    Trao đổi với PV, Luật sư (LS) Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật khẳng định theo quy định hiện nay người dân được phép sử dụng những loại pháo hoa do doanh nghiệp thuộc bộ Quốc phòng sản xuất.

    Theo đó, LS Diệp Năng Bình viện dẫn Điều 17, Nghị định 137/2020 cho phép từ ngày 11/1/2021, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong trường hợp: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

    Tuy nhiên, LS Bình nhấn mạnh quy định này lưu ý các cơ quan, tổ chức, cá nhân, khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

    Ngoài ra, trong nghị định này cũng quy định về các trường hợp được tổ chức bắn pháo hoa nổ gồm: Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Quốc khánh, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày Chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam; nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng, thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ngày hội văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế; trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

    Theo quy định nêu trên, người dân được sử dụng pháo hoa trong những dịp đặc biệt. Tuy nhiên, loại pháo hoa mà người dân được phép bắn không phải loại pháo hoa có tiếng nổ như nhiều người vẫn nhầm lẫn.

    luat su 1571181857
    Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật.

    Phân tích thêm, LS Diệp Năng Bình lý giải theo Nghị định 137/2020, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

    “Đây mới là loại pháo hoa người dân được sử dụng không cần xin phép trong các ngày lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm", luật sư Diệp Năng Bình lưu ý.

    Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ công nhận duy nhất Công ty TNHH Một thành viên hoá chất 21 (Nhà máy Z121) là đơn vị được giao sản xuất, cung ứng pháo hoa.

    Danh sách các loại pháo hoa căn cứ theo Quyết định 1044/QĐ-HC21 ngày 11/1/2022 của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoá chất 21 được bán cho người dân như sau: Ống phun nước bạc ngoài trời; Ống phun nước bạc trong nhà; Ống phun hoa lửa cầm tay; Cây hoa lửa; Cánh hoa xoay; Thác nước bạc; Pháo hoa con sò đổi màu; Giàn phun viên.

    Ngoài ra, nhà máy Z121 đã có thông báo về việc tạm dừng bán sản phẩm giàn phun hoa do chờ đánh giá yêu cầu kỹ thuật về độ ồn đối với sản phẩm này.

    "Người dân chỉ được bắn pháo hoa khi mua tại nhà máy Z121. Vì vậy, việc sử dụng các loại pháo hoa khác trái phép là vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt. Tại Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép", luật sư Diệp Năng Bình nói.

    Ngoài ra, Nghị định 144 cũng quy định mức phạt với các vi phạm về quản lý sử dụng pháo khác như sau, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng với hành vi lưu hành các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo không còn giá trị sử dụng.

    Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Chiếm đoạt, trao đổi, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo; Làm giả các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo.

    Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo.

    Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành mang trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

    Hiếu Nguyễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-loai-pha-hoa-nao-duoc-su-dung-vao-dip-tet-nguyen-dan-2022-a526894.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan