Khua chân múa tay, "thả bom", nói mơ... là những hành động kì quặc chỉ xuất hiện khi bạn đang say giấc nồng.
Loạt hành động cơ thể tự làm khi ngủ
Vậy các nhà khoa học nói gì về hành động này? Phải chăng khi ngủ con người hoàn toàn có thể kiểm soát được hành vi của bản thân? Thực tế khi say giấc, bộ phận kiểm soát nhận thức của con người cũng nghỉ ngơi, dẫn tới rất nhiều hành động khó đỡ có thể xảy đến mà chính bản thân chúng ta cũng chẳng hề hay biết.
Dưới đây chính là 4 hành động không thể hài hước hơn mà chắc chắn chúng ta từng gặp phải khi ngủ ít nhất một vài lần...
1. Chân tay khua khoắng, bắng nhắng như trẻ con
Mỗi sáng thức dậy, bạn thấy chiếc giường của mình như một bãi chiến trường, gối, mền, thú bông mỗi thứ văng một nơi? Nếu rơi vào tình huống này thì có thể, trong giấc ngủ, tay chân của bạn đã mặc sức vui chơi, đùa nghịch với các vật dụng xung quanh rồi đó.
Theo các chuyên gia, việc chân tay khua khoắng trong lúc ngủ thường được coi là biểu hiện của chứng rối loạn chuyển động chi theo chu kỳ (Periodic limb movement disorder – PLMD). |
Hội chứng này xuất hiện trong 4\% người trưởng thành và thường gặp nhất là ở người cao tuổi và nữ giới. PLMD xuất hiện trong nửa đầu của giấc ngủ, trước giấc ngủ REM (Rapid Eye Movement).
Người mắc hội chứng này thường di chuyển tay chân một cách vô thức trong lúc ngủ với chu kỳ 20-40 giây, vì thế đôi khi tạo nên những tư thế rất khó đỡ khi ngủ. Tất nhiên là họ thường không nhớ gì khi thức dậy.
Nguyên nhân gây ra hội chứng đến nay vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng khả năng mắc PLMD bao gồm tình trạng làm việc theo ca, sử dụng thực phẩm có hại.
Ngoài ra, với phái nữ thì còn liên quan đến một số yếu tố như bệnh tim, cơ xương, hay việc hoạt động thể chất quá sức trước giờ ngủ.
2. Ngủ mơ "làm thơ" bá đạo
Sự thật là, có khoảng 5\% người trưởng thành nói mơ trong lúc ngủ, theo như báo cáo của Hiệp hội Y khoa về giấc ngủ của Mỹ. Hầu hết các cuộc nói mơ này chỉ kéo dài trung bình khoảng 30 giây.
Theo tiến sĩ Christopher Winter tại Trung tâm giấc ngủ của bệnh viện Martha Jefferson (Virginia), nói mơ thường xảy ra trong vòng 1 hoặc 2 giờ đầu tiên của giấc ngủ.
Khi đó, cơ thể đang bước vào giai đoạn ngủ sâu, thời điểm các cơ bắp kiểm soát việc phát âm vẫn còn khả năng hoạt động. Do đó, con người có xu hướng tạo ra các âm thanh hoặc cử động miệng vô thức và gắn liền với những gì xảy ra trong giấc mơ của bạn.
Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên gặp phải tình trạng này thì cũng đừng quá lo bởi chưa có bằng chứng chứng minh tác hại mà nói mơ gây nên cho cơ thể con người.
Dẫu vậy, bạn cũng nên ra ngủ riêng để tránh tình trạng người khác bị thức dậy giữa đêm khuya vì những bài thơ nói mơ của chính mình.
3. Thả bom "bòm bòm" không thúi
Có thể bạn sẽ cảm thấy hơi kinh khi nghe thấy điều này. Nhưng trong suốt đêm, cơ vòng hậu môn của chúng ta được nới lỏng hơn so với ban ngày, làm khí bên trong hệ tiêu hóa dễ dàng thoát ra hơn.
Hệ quả là trong giấc ngủ, con người thường thải ra bên ngoài từ 1 - 2 quả "bom nguyên tử".
Tuy nhiên, điều khá may mắn là những "quả bom" này chẳng hề bốc mùi như khi bạn còn thức. Vì sao ư? Đơn giản là bởi khứu giác của con người bị giảm sút trong lúc ngủ.
Do đó, kể cả trường hợp ngủ chung phòng với người khác, bạn có thể an tâm rằng những "quả bom" này sẽ không hề bị phát giác đâu.
4. Ngã ngửa khi "chửa" kịp mơ
Có bao giờ bạn thấy mình bị té ngã trong mơ chưa? Nếu đã từng trải qua, hẳn bạn sẽ biết cảm giác đó thật đến mức khiến gần như phải lập tức thức giấc.
Hiện tượng mơ thấy mình bị té ngã còn được biết đến với một cái tên khác là “chứng co giật khi mơ”. Chứng này xuất hiện ở hầu hết mọi người, kể cả những người khỏe mạnh.
Cụ thể, khi mắc chứng co giật khi mơ, bạn sẽ thấy mình như rơi xuống từ bầu trời, hay vấp ngã trên vách núi. Cú ngã trong mơ khiến nhịp tim tăng, hơi thở nhanh hơn, đổ mồ hôi và gây ra một cảm giác sốc khiến ai cũng phải giật mình tỉnh dậy.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao chúng ta lại mơ bị ngã? Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa chắc chắn về câu trả lời chính xác. Song nhiều khả năng, hiện tượng này xảy ra khi bạn đang mệt mỏi, mất ngủ, hay căng thẳng.
Khi đó, bộ não đi vào chu kỳ giấc ngủ một cách nhanh chóng nhưng cơ thể lại không bắt kịp, làm xuất hiện những cơn co cơ đột ngột không đồng bộ, tạo cảm giác mất cân bằng và từ đó kích thích ảo giác bị ngã.