Tòa án tại TP.HCM năm 2020 chứng kiến nhiều câu chuyện bi - hài. Ở đó, có người không còn cơ hội làm lại và những bị cáo quyết tâm hướng thiện...
Bi kịch từ mâu thuẫn gia đình
Bị cáo Nguyễn Văn Hoàng (SN 1970, trú quận Bình Tân, TP.HCM) kết hôn với chị L.T.N. từ năm 1998 và có với nhau 2 người con chung. Do nghi ngờ vợ có nhân tình nên mâu thuẫn phát sinh. Vợ chồng Hoàng sống ly thân. Đến lúc đi tìm vợ, Hoàng tiếp tục ghen tuông và đâm vợ tử vong. Sau đó, Hoàng tự tử nhưng không chết. Ra tòa, Hoàng nhận tội và được cha của chị N. cùng 2 con tha thứ, xin tòa giảm án. Giây phút ấy, Hoàng bật khóc nức nở, quay xuống, cúi đầu xin lỗi cha vợ và 2 con trong nước mắt.
Một vụ án giết người khác mà nguyên nhân cũng vì ghen tuông do Lý Thanh Long (SN 1993, quê tỉnh Bến Tre) gây ra. Long và chị H.T.T., SN 1993 là vợ chồng, sống trọ tại TP.HCM. Do mâu thuẫn, chị T. chuyển ra phòng trọ khác sống riêng. Mấy ngày sau khi vợ bỏ đi, Long đi tìm, thuyết phục vợ quay về nhưng vợ lạnh nhạt. Nghĩ vợ có người khác, Long bóp cổ vợ đến chết. Bị xét xử về tội Giết người, Long khóc suốt phiên tòa vì hối hận và vì hổ thẹn với tứ thân phụ mẫu. Sau khi cân nhắc, HĐXX quyết định tuyên phạt Long 18 năm tù.
Ở chốn pháp đình năm 2020, còn có cô gái vì bị dồn nén mà giết người sống chung như vợ chồng với mình. Bị cáo Đoàn Thị Bé Quyền (SN 2000, quê tỉnh An Giang) sống chung với anh Diệp Thanh S. (SN 1994, quê Sóc Trăng) nhưng không đăng ký kết hôn. Do anh S. thường xuyên đánh đập Quyền nên mâu thuẫn dồn nén. Đúng vào đêm 20/10/2019, anh S. về phòng trọ trong bộ dạng say khướt và đánh Quyền. Không kiềm chế được, Quyền đâm chết anh S.. Ngày ra tòa, Quyền bị tuyên phạt 16 năm tù. Khi bị áp giải lên xe, Quyền dáo dác tìm người thân nhưng không có ai. Khi cánh cửa xe chở phạm đóng lại, Quyền bật khóc...
Quẫn bách “giải thoát” cùng con, cháu
Trải qua hơn nửa đời người, bà Nguyễn Thị Thảo (SN 1971, quê tỉnh Tây Ninh, tạm trú tại quận Bình Tân) vẫn phải lao động cực nhọc nhưng không đủ trang trải cuộc sống. Chồng bà Thảo bỏ đi, một mình bà chăm sóc 2 người con, trong đó có 1 con còn nhỏ (SN 2009). Năm 2014, con gái lớn của bà Thảo sinh con rồi cũng bỏ lại cho bà Thảo nuôi.
Bị cáo Nguyễn Thị Thảo vì quẫn bách mà muốn kết thúc cuộc sống của mình và con, cháu. |
Làm lụng vất vả nhưng không đủ sống, bà Thảo nghĩ quẩn định tự tử để giải thoát cho bản thân và cả con, cháu. Bà Thảo uống cùng lúc 10 viên thuốc ngủ để tự tử. Khi con gái và cháu muốn chết cùng, Thảo cũng không ngăn cản. May mắn được người thân phát hiện, đưa các nạn nhân đi cấp cứu nên hậu quả đáng tiếc chưa xảy ra.
Tuy nhiên, hành vi của bà Thảo là phạm pháp. Đến lúc này, bà Thảo mới thấy hành vi của mình đáng lên án. Thảo hy vọng không phải đi tù vì sẽ không có ai chăm sóc cho con và cháu thay mình. Giây phút nghe tòa tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, bà Thảo khóc nức nở...
Vụ án nhiều nước mắt
Một cái tên đình đám bị xét xử trong năm 2020 là Văn Kính Dương (SN 1970, ngụ Hà Nội). Dương là người cầm đầu đường dây sản xuất, mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy số lượng lớn. Vũ Hoàng Anh Ngọc (SN 1994, biệt danh Ngọc “Miu) ngụ quận 3 (TP.HCM) là người tình của Dương và là “mắt xích” trung gian, tàng trữ ma túy đá sau các lần Dương sản xuất.
Dường như đã chuẩn bị tâm lý từ trước, Văn Kính Dương và 3 bị cáo bị tuyên án tử nhưng không tỏ thái độ gì. Riêng bị cáo Hương Giang bật khóc nức nở khi bị tuyên án tử. Một bị cáo khác là Nguyễn Thu Huyền cũng bật khóc. Người tình của Dương – hotgirl Ngọc “Miu” không khóc, nhưng đôi mắt ầng ậng nước. Nhiều người thân của các bị cáo cũng không thể kiềm chế cảm xúc, chạy theo xe các bị cáo gào khóc như muốn níu giữ một chút sự hiện diện của người thân mình...
Những đứa bé tội nghiệp
Châu Minh Tiến (SN 1996, ngụ TP.HCM) và Nguyễn Hồng Tím sống với nhau như vợ chồng và có 2 con chung. Trong đó, cháu Châu Minh K., sinh cuối năm 2019. Tối 3/2/2020, Tiến phải một mình chăm sóc con. Đêm đó, Tiến cho con nằm trên võng, pha sữa bình cho con và ru ngủ. Do cháu K. khóc liên tục không chịu nín, Tiến bực tức giật mạnh võng khiến cháu K. rơi từ trên võng xuống nền nhà, phải đưa đi cấp cứu. Các bác sĩ thấy cháu K. có dấu hiệu bị bạo hành nên báo công an và Tiến bị bắt. Kết quả giám định, cháu K. bị thương tật 37%.
Ngày bị TAND quận 9 đưa ra xét xử, Tiến tỏ ra hối hận và mong được mọi người tha thứ. Con trai Tiến là cháu K. cũng được bà ngoại đưa đến tòa. Khi tòa nghị án, Tiến được phép gặp con. Trong phút ngắn ngủi ôm cháu K. vào lòng, Tiến khóc.
Còn cháu D.N.C. (7 tuổi) thật sự đáng thương, khi bị cha dượng là Hà Quốc Việt (37 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) bạo hành nhiều lần. Đến nỗi, cơ thể cháu C. đầy thương tích, rỉ máu. Tại tòa, Việt thừa nhận một phần hành vi phạm tội. Việt phải trả giá vì tội lỗi của mình, nhưng người đáng thương nhất lại là cháu C., khi ký ức kinh hoàng luôn ám ảnh cháu. Những tháng ngày phía trước còn quá dài. Mới 7 tuổi đầu, cháu đã không có cha, bị những người thân ruột thịt từ chối nuôi dưỡng. Nhìn cháu, nhiều người đến tham dự phiên tòa không cầm được nước mắt.
***
Nhìn lại một năm với nhiều buồn vui chốn pháp đình. Những hành động dại dột, nóng giận nhất thời đã đẩy biết bao gia đình vào cảnh tan nát, thậm chí nhiều người phải đánh đổi bằng cả mạng sống của chính mình. Nhưng vẫn còn đâu đó, niềm hy vọng và quyết tâm hướng thiện của bao người vô tình lầm lỗi.
Những tia nắng vàng cuối đông hắt qua cửa sổ công đường. Bên ngoài, mai, đào đã bắt đầu bung nụ, báo hiệu một mùa xuân lại về. Mùa xuân vẫn luôn là mùa của hy vọng...
Công Thư
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (5)