Một gia đình có thể đột nhiên mất trắng tài sản ngay lập tức hay qua tới 6 thế hệ. Các nguyên nhân chính bao gồm đầu tư thua lỗ, nợ quá nhiều hay chi tiêu quá mức.
Có lẽ bạn sẽ không tin rằng khối tài sản trị giá hàng triệu USD của cả một gia đình có thể bị “thổi bay” trong chốc lát. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều yếu tố có thể dẫn đến hiện tượng này. Một gia đình có thể đột nhiên mất trắng tài sản ngay lập tức hay qua tới 6 thế hệ. Các nguyên nhân chính bao gồm đầu tư thua lỗ, nợ quá nhiều hay chi tiêu quá mức.
Business Insider liệt kê 5 gia đình giàu có nổi tiếng đã mất trắng tài sản trong lịch sử.
Nhà Vanderbilt
Khi sắp qua đời năm 1877, Cornelius "Commodore" Vanderbilt vẫn được tạp chí Forbes ước tính có khối tài sản trị giá 100 triệu USD.
Với 100 USD vay từ mẹ, Vanderbilt đã khởi nghiệp từ năm 1810 và xây dựng được một đế chế đường sắt hùng mạnh. Tuy nhiên, 6 thế hệ sau đó, đế chế mà ông lập nên đã rơi vào tay người khác không nằm trong gia tộc.
Phóng viên CNN Anderson Cooper là hậu duệ đời thứ 6 của Vanderbilt mới đây đã phát biểu trên một chương trình radio rằng “Mẹ tôi đã nói rõ những gì còn lại chỉ là những công trình được xây dựng bằng tiền từ thiện của nhà Vanderbilt, trong đó có ĐH Vanderbilt”.
Nhà Hartford
Huntington Hartford, người thừa kế của chuỗi cửa hàng rau củ A&P, đã mất hàng triệu USD vì làm ăn thua lỗ và lối sống chơi bời trác táng.
Theo tờ New York Times, với tư cách là cháu trai của nhà sáng lập Great Atlantic & Pacific Tea Co., Hartford nhận được thu nhập 1,5 triệu USD mỗi năm. Năm 1940, nhà Hartfords được Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) xếp hạng là một trong những gia tộc giàu nhất nước Mỹ.
Sau khi tuyên bố phá sản, Hartford chuyển tới Bahamas năm 2004 và sống ở đó cho tới khi qua đời năm 2008, thọ 97 tuổi.
Nhà Kluge
9 năm sau khi kết hôn, Patricia Kluge ra tòa làm thủ tục ly dị với người chồng John Kluge – người sáng lập Metromedia – và nhận được mảnh đất rộng 200 mẫu Anh cùng với tiền bồi thường 1 triệu USD mỗi năm. Khoảng 20 năm sau (năm 2011), bà khánh kiệt sau khi rót toàn bộ tiền bạc vào một vườn nho. Khoản đầu tư này đem lại kết quả tồi tệ vì bà vay mượn quá nhiều và sau đó thị trường bất động sản sụp đổ.
Sau khi bà bị tịch biên tài sản, trùm bất động sản Donald Trump đã mua lại vườn nho này với giá 6,2 triệu USD.
Nhà Stroh
Bernhard Stroh di cư từ Đức đến Mỹ năm 1850 với vỏn vẹn 150 USD và công thức làm bia gia truyền. Các con trai của ông đã góp phần mở rộng đế chế này.
Đến những năm 1980, nhà Stroh đã kiểm soát công ty bia lớn thứ 3 nước Mỹ và có khối tài sản trị giá khoảng 700 triệu USD. Tuy nhiên, sau 5 thế hệ, ngày nay công ty của nhà Stroh đã phá sản vì nợ chồng chất, đánh mất quá nhiều cơ hội và vấp phải sự cạnh tranh quá khốc liệt trên thương trường.
Nhà Pulitzer
Cháu trai của ông trùm trong ngành xuất bản Joseph Pulitzer là Peter Pulitzer đã phải nhận cứu trợ tài chính từ chồng của vợ cũ. Tim Boberg, chồng của Roxanne Pulitzer, hiện đang cho nhà Pulitzer vay gần 2 triệu USD. Trong khi đó, theo tài liệu ly hôn năm 1982, Peter Pulitzer có tài sản ròng trị giá khoảng 25 triệu USD.