+Aa-
    Zalo

    Những doanh nhân Việt đầy quyền lực 2019

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bản lĩnh, đầy quyết tâm, các doanh nhân Việt đã tự đứng trên đôi chân của mình, chèo lái các công ty, tập đoàn lớn với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng tại Việt Nam.

    Bản lĩnh, đầy quyết tâm, các doanh nhân Việt đã tự đứng trên đôi chân của mình, chèo lái các công ty, tập đoàn lớn với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng tại Việt Nam và ghi tên mình trên bản đồ thế giới.

    Mới đây tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2019. Các nữ doanh nhân này đến từ nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore… và đặc biệt khi Việt Nam có 2 đại diện là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - nhà sáng lập và Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet và bà Trần Thị Lệ - Tổng giám đốc Công ty sữa NutiFood.

    Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam cũng là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Đông Nam Á với khối tài sản trị giá 2,5 tỷ USD. Lên sàn năm 2017, hiện Vietjet là một trong những doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam với vốn hóa thị trường đạt hơn 72.000 tỷ đồng (3,1 tỷ USD). Bà Thảo cũng là phó chủ tịch và nắm cổ phần lớn tại ngân hàng HDBank.

    Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.

    Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 trong một gia đình Hà Nội gốc, năm 17 tuổi, bà Thảo đi du học đại học ngành Kinh tế tài chính và sớm nổi tiếng trong cộng đồng với bản thành tích học tập xuất sắc và tài kinh doanh thiên bẩm.

    Sau khi quay về Việt Nam, bà góp vốn thành lập ngân hàng Techcombank và sau đó là VIB – 2 trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Phần lớn tài sản của bà đến từ cổ phần ở VietJer và Dragon City (Phú Long) – dự án bất động sản rộng 64 ha ở tp Hồ Chí Minh.

    Năm 2007, bà Phương Thảo nhận được giấy cấp phép đầu tư vào Vietjet nhưng do giá dầu tăng cao nên phải trì hoãn, đến năm 2010 bà tự mở hãng hàng không riêng thông qua công ty Sovico Holdings bà và chồng ông Nguyễn Thanh Hùng là chủ sở hữu chính của Vietjet.

    Bà Phương Thảo đã làm nên một kỳ tích trong lịch sử ngành hàng không vốn thuộc về phái mạnh khi là nữ doanh nhân duy nhất khởi nghiệp và điều hành một hãng hàng không thương mại của riêng mình.

    Thành tựu đó giúp bà Phương Thảo trở thành một đại diện tiêu biểu trong danh sách Những nữ doanh nhân quyền lực nhất năm nay – tôn vinh những người dám thách thức và phá vỡ mọi rào cản.

    Người phụ nữ thứ 2 của Việt Nam trong danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2019 là bà Trần Thị Lệ - Tổng giám đốc Công ty sữa NutiFood.

    Bà Trần Thị Lệ, 46 tuổi, xuất thân là bác sĩ tại trung tâm dinh dưỡng nhưng chuyển hướng sang kinh doanh. Cùng với chồng là ông Trần Thanh Hải, bà Lệ đã đưa NutiFood thành nhà sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam.

    Bà Trần Thị Lệ - Tổng giám đốc Công ty sữa NutiFood.

    Năm 2016, NutiFood đạt doanh thu khoảng 7.500 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với năm 2015. Năm qua, NutiFood hoàn tất thủ tục hủy tư cách công ty đại chúng khi gia đình nữ doanh nhân này tăng tỉ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp, giảm số cổ đông của NutiFood xuống dưới 100 người

    Ông Hải hiện là chủ tịch công ty trong khi bà Lệ đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc. Năm 2018, doanh thu của công ty đạt 9.500 tỷ đồng (408 triệu USD) và lợi nhuận trước thuế là 828 tỷ đồng. NutiFood hiện vận hành 4 nhà máy tại Việt Nam và gần đây liên tục mở rộng ra thị trường thế giới như xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ hay thông qua sự hợp tác với nhiều tập đoàn lớn. 

    Tháng 4/2019, bà Trần Thị Lệ cũng là một trong 2 gương mặt nữ doanh nhân của Việt Nam được bầu chọn trong 21 nữ doanh nhân thành công trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Công ty Ernst &Young thực hiện.

    CEO Trần Thị Lệ và Chủ tịch Trần Thanh Hải đặt tham vọng đưa NutiFood vượt ra khỏi biên giới Việt Nam bằng việc đầu tư ra nước ngoài thông qua các hoạt động liên doanh, mua bán và sáp nhập.

    Là một người có tầm ảnh hưởng rất lớn trong giới kinh doanh Việt Nam ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975, quê ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. 

    Hiện ông Quyết đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (HoSE: FLC), Tổng giám đốc Công ty Luật SmiC và là nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways.

    Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.

    Khởi nghiệp từ tay trắng, cho đến hiện tại, ông Quyết từng có hai năm liên tiếp nằm trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, là một trong 5 luật sư được vinh danh trong chương trình hãng luật và luật sư tiêu biểu và trở thành tỷ phú đô la năm 43 tuổi với 1,02 tỷ USD xếp thứ hai tại Việt Nam sau đại gia bất động sản khác là ông Phạm Nhật Vượng.

    Trong năm 2018, tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết dồn sức vào một giấc mơ đột phá đưa hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) vào vận hành. Trước đó, giữa tháng 12, Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Bamboo Airway.

    Giấc mơ bay của ông Trịnh Văn Quyết đã trở thành hiện thực và Bamboo Airways trở thành hãng hàng không thứ 5 tại Việt Nam, sau hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VASCO và VietJet.

    Bamboo Airways cũng bắt đầu khai thác các đường bay quốc tế vào Quý II/2019 với những điểm đến đầu tiên dự kiến là Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc đồng thời xúc tiến và dự kiến khai trương đường bay thẳng tới Mỹ vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.

    Kiều Trang  

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-doanh-nhan-viet-day-quyen-luc-2019-a296503.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan