(ĐSPL) - Trong gần 60 năm xây dựng và phát triển, Hội Luật gia Việt Nam không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. 11 kỳ Đại hội đi qua gắn với những dấu ấn vô cùng quan trọng của các vị lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam...
Cố Luật sư Phan Anh (Chủ tịch Hội từ 1955 - 1990):
Sau chiến thắng Điện Biên phủ (7/5/1954), thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ công nhận nền độc lập thống nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, Đế quốc Mỹ lợi dụng sự thất bại của thực dân Pháp âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, tiếp tay cho ngụy quyền miền Nam Việt Nam phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Hai miền Nam, Bắc vẫn tạm thời bị chia cắt. Trước bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng và Nhà nước đã sớm động viên luật gia Việt Nam tập hợp nhau lại tổ chức Hội Luật gia để cùng nhau góp sức, góp tài phục vụ cách mạng, đấu tranh bảo vệ độc lập, quyền dân chủ nhân dân...
Ngày 29/3/1955, 40 luật gia đại diện cho 90 hội viên đã đứng ra tổ chức Hội nghị thành lập Hội Luật gia Việt Nam - Đại hội lần thứ I. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương gồm 24 ủy viên, trong đó Luật sư Phan Anh được bầu làm Chủ tịch Hội.
Ngay từ ngày đầu thành lập, Hội đã xác định mục đích là: Đoàn kết các luật gia Việt Nam để cùng toàn dân đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc. Trao đổi tài liệu và kinh nghiệm pháp lý với luật gia nước ngoài cùng nhau bảo vệ những nguyên tắc pháp lý quốc tế căn bản nhằm thực hiện các quyền lợi dân tộc, xây dựng một đời sống hòa bình, hạnh phúc, hợp tác bình đẳng giữa các nước trên thế giới.
Từ năm 1955 - 1990, Hội Luật gia Việt Nam đã tiến hành được 7 nhiệm kỳ Đại hội, cố Luật sư Phan Anh đều được bầu làm Chủ tịch Hội. ở giai đoạn này, Hội Luật gia Việt Nam đã dần thể hiện được sức mạnh với số lượng hội viên từ 90 hội viên đã lên đến trên 5.000 hội viên. Các tỉnh Hội, thành Hội, các chi Hội cũng đã phát triển mạnh mẽ, hoạt động thiết thực góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, tạo tiền đề thuận lợi để những nơi chưa có tổ chức Hội bắt tay vào xây dựng và đưa hoạt động của các tổ chức Hội phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Cố Luật gia Phan Hiền (Chủ tịch hội từ 1990 - 1993):
Từ năm 1990 - 1993, tiếp nối trọng trách được Đảng và Nhà nước giao phó, Luật gia Phan Hiền, Bộ trưởng bộ Tư Pháp được bổ nhiệm Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. Trong giai đoạn này, Hội luật gia Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, cùng với việc xây dựng đổi mới nền kinh tế, gắn liền với hoạt động của ngành tư pháp, Hội đã tham gia tích cực vào công tác xây dựng pháp luật trong thời kỳ hộp nhập kinh tế, quốc tế.
Cố Luật gia Phùng Văn Tửu (Chủ tịch Hội từ 1993 - 1997):
Ngày 25 - 26/5/1993, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ VIII được tổ chức, dự Đại hội có 120 đại biểu của 26 tỉnh, thành Hội, 23 chi Hội trực thuộc Trung ương Hội, đại diện cho trên 5.200 hội viên trong cả nước. Đại hội đã bầu ông Phùng Văn Tửu làm Chủ tịch.
Đại hội cũng thông qua điều lệ Hội sửa đổi, theo đó ghi rõ: “Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể thống nhất của những công dân Việt Nam đã hoặc đang làm công tác pháp luật trong cả nước...”.
Giai đoạn Luật gia Phùng Văn Tửu làm Chủ tịch, Hội Luật gia Việt Nam đã từng bước đổi mới về tổ chức và nội dung hoạt động, mở rộng và củng cố tổ chức của Hội, tăng cường đoàn kết nội bộ, tập hợp rộng rãi mọi thế hệ luật gia trong cả nước, đoàn kết với các tổ chức và luật gia nước ngoài... tìm ra những hình thức mới nhất về xây dựng pháp luật, mở rộng công tác tư vấn pháp lý, góp phần tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Luật gia Phạm Hưng (Chủ tịch Hội từ 1998 - 2003):
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ IX được tổ chức ngày 12/12/1998, dự Đại hội có 177 đại biểu của 48 tỉnh, thành Hội và 32 chi Hội Luật gia trực thuộc Trung ương Hội, đại diện cho 13.000 hội viên trong cả nước. Đại hội đã bầu ông Phạm Hưng làm Chủ tịch.
Trong giai đoạn 1998 - 2003 do Chủ tịch Phạm Hưng lãnh đạo, Hội Luật gia Việt Nam đã có nhiều điểm nhấn quan trọng. Hội tiếp tục được củng cố, phát triển có trọng điểm về cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Các hoạt động trong nước và trong quan hệ nước ngoài được đa dạng hóa với nhiều thành quả. Bên cạnh đó, Hội cũng chú trọng đổi mới phương thức hoạt động; phát huy nội lực, nhiệt tình và tiềm năng trí tuệ của hội viên... Chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hội viên và các cấp Hội đã được đẩy mạnh và nâng cao, trên cơ sở đó nâng cao vị thế của Hội là một tổ chức chính trị - xã hội, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.
Luật gia Phạm Quốc Anh (Chủ tịch Hội từ 2004 đến nay):
Ngày 12 - 13/3/2004, đánh dấu một cột mốc quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam với việc tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ X. Đây là lần Đại hội có số đại biểu tham dự đông nhất (262 đại biểu của 58 tỉnh, thành Hội và 44 chi Hội Luật gia trực thuộc Trung ương Hội, đại diện cho 28.400 hội viên trong cả nước). Đại hội đã bầu ông Phạm Quốc Anh làm Chủ tịch.
Từ sau Đại hội X, tại nhiều địa phương, tổ chức Hội đã phát triển đến các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Phúc và một số cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, cấp huyện. Về số lượng hội viên, từ 800 hội viên năm 1980 đã tăng lên 5.200 vào năm 1993, 13.000 vào năm 1998, và đầu năm 2005 là 30.500. Đến Đại hội XI, số lượng hội viên là 44.000 người, và cho đến nay đã có hơn 46.000 hội viên trong đó 80\% có trình độ Đại học và trên Đại học và nhiều Hội viên là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, 152 Hội viên là ĐBQH khóa XIII. Đây chính là tiềm lực trí tuệ dồi dào của Hội Luật gia Việt Nam.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XI (năm 2009), với sự tín nhiệm cao của hội viên và các cấp Hội, Luật gia Phạm Quốc Anh tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2009 - 2014.
Giai đoạn Luật gia Phạm Quốc Anh làm Chủ tịch Hội, Hội Luật gia Việt Nam phát triển toàn diện về mọi mặt, trên mọi phương diện và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh việc thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao, Hội rất chú trọng công tác hoạt động đối ngoại, được bạn bè quốc tế khen ngợi, Đảng và Nhà nước đánh giá cao, các tổ chức trong nước nể trọng. Như: Tổ chức thành công Đại hội Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL) lần thứ 17 tại Hà Nội; tổ chức thành công Đại hội Hiệp hội Luật các nước Đông Nam á (ALA) lần thứ X; Hội đã tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của Hội với vai trò thành viên Hội Luật gia Dân chủ quốc tế và thành viên, Chủ tịch ALA...
Sự kiện đáng chú ý khi ngày 30/8/2013, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Lễ khai trương Trụ sở Hội Luật gia Việt Nam (tại Tòa tháp Ngôi Sao, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, TP. Hà Nội). Việc Hội Luật gia Việt Nam có trụ sở mới là thành quả những nỗ lực cống hiến lớn lao của lãnh đạo Hội với dấu ấn đặc biệt của Chủ tịch Phạm Quốc Anh. Ngoài ra, nó còn là nguồn động viên to lớn đối với Hội Luật gia Việt Nam trong quá trình phát triển, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước trong suốt thời gian qua.
Có thể nhận thấy ở thời kỳ này, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của các cấp Hội, Hội Luật gia Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ từ Trung ương đến cơ sở, khẳng định được vị trí của mình trong xã hội, phát huy vai trò và khả năng của đội ngũ luật gia trong sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.