+Aa-
    Zalo

    Những cô giáo mầm non xinh đẹp, yêu trẻ, tận tụy với nghề

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Giữa lúc dư luận đang phẫn nộ vì hàng loạt vụ bạo hành trẻ em thì tấm lòng của những cô giáo trẻ này càng trở nên đáng trân trọng.

    Giữa lúc dư luận đang phẫn nộ vì hàng loạt vụ bạo hành trẻ em thì tấm lòng của những cô giáo trẻ này càng trở nên đáng trân trọng.

    Cô giáo Đàm Thị Hiên

    Cô giáo Đàm Thị Hiên (Trường Mầm non Liên cơ, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) là một trong số 64 thầy cô giáo trên cả nước góp mặt tại lễ tuyên dương gương người tốt việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 – 2017 do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây.

    Cô giáo Đàm Thị Hiên. Ảnh: Vietnamnet

    Cô Đàm Thị Hiên sinh năm 1987, đã có gần 8 năm gắn bó với trường Mầm non Liên Cơ. Được biết, năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc, cô Đàm Thị Hiên về Trường mầm non Sao Mai (thành phố Vĩnh Yên) dạy học. Đến năm 2010, sau khi lập gia đình, cô Hiên về Trường mầm non Liên Cơ công tác.

    Theo cô Hiên, để làm tròn nhiệm vụ được giao, bản thân mỗi giáo viên mầm non phải coi trẻ như con, luôn quan tâm, yêu thương các cháu. Trong dạy dỗ, mỗi giáo viên phải có ý thức tự học để đổi mới tư duy, phương pháp giảng dạy, tạo sự hứng thú cho học sinh; kịp thời uốn nắn, giáo dục và phát hiện năng khiếu ở trẻ…

    Cô giáo Hiên tâm sự: "Nhiều lúc thấy vất vả, mệt mỏi, áp lực, song chưa một lần tôi thấy hối tiếc vì sự lựa chọn của mình. Còn nhớ, ngày đầu vào trường, tôi khá lúng túng khi nhận lớp có 35 trẻ mới đi học, các cháu khóc rất nhiều, lúc nào cũng ôm, bám chặt lấy cô. Có thời điểm tôi bị ám ảnh bởi trong đầu lúc nào cũng có tiếng trẻ con khóc. Tuy nhiên, lòng yêu trẻ đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn và quyết tâm gắn bó với nghề mình đã lựa chọn".

    Hơn 8 năm công tác, cô giáo Hiên cho rằng những sự cố ở bậc mầm non là điều không thể tránh khỏi và cần được sự cảm thông từ phụ huynh với việc trông trẻ. Trước nhiều thông tin của xã hội về cô giáo mầm non, cô Hiên cũng cho rằng các cô giáo, đặc biệt là người trẻ cần giữ được tâm trạng bình tĩnh bởi nếu bị lay động thì sẽ không thể nào đối mặt và tiếp tục được với công việc hằng ngày.

    Cô giáo Đàm Thị Hiên trong một tiết dạy âm nhạc. Ảnh: Dân Trí

    Nếu chỉ vì những sự việc như vậy mà mình nhụt chí, chán rồi bỏ nghề hay có tư tưởng tiêu cực thì không thể nào hoàn thành tốt công việc của mình” - cô giáo trẻ chia sẻ.

    Cô giáo Đàm Thị Hiên từng đạt giải Nhì hội thi Giáo viên dạy giỏi huyện, giải Nhất hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vinh danh.

    Cô giáo Nguyễn Hoàng Vân Khánh

    Nguyễn Hoàng Vân Khánh (sinh năm 1996, Thanh Hóa) tốt nghiệp cao đẳng Sư phạm Trung ương và hiện đang là giáo viên tại trường mầm non Vietkids. Vẻ ngoài xinh đẹp của Khánh khiến cư dân mạng Việt không tiếc lời ngợi khen, thậm chí nhiều người còn nhận xét, Khánh xứng đáng là một trong những cô giáo xinh đẹp nhất Việt Nam.

    Cô giáo Nguyễn Hoàng Vân Khánh có nhan sắc nổi bật.

    Khi được hỏi về nghề giáo viên mầm non, Khánh vui vẻ chia sẻ rằng mơ ước ban đầu của cô không phải là giáo viên mà là marketing. Thế nhưng một phần do nguyện vọng của ba mẹ, một phần nếu học kinh tế thì gia đình sẽ không đủ điều kiện chi trả học phí nên Khánh chọn ngành Sư phạm mầm non.

    Lúc đó thực sự Khánh chưa nhiệt huyết với nghề, chỉ nghĩ khi đi học sẽ có nguồn trợ cấp học phí, đi làm thêm nữa sẽ đỡ được phần nào khó khăn cho gia đình. Dần dần tiếp xúc cùng các bé khi đi thực tập, cô mới bắt đầu có động lực đi theo ngành.

    Vân Khánh cho biết: “Đối với tôi, nghề giáo dù lương thấp, áp lực khi phải đối mặt nhiều thứ như áp lực phụ huynh, áp lực nhà trường... nhưng việc giúp các con trưởng thành, rèn được các kĩ năng từ bé mà các con có thể làm, đôi khi chỉ là cách cầm ghế, cách đánh răng, cài cúc, hoặc cùng các con khám phá những kiến thức về môi trường xung quanh, nhìn các con từng bước trưởng thành làm tôi vui và cũng cảm thấy mình trưởng thành hơn".

    Cô giáo Nguyễn Thu Hà

    Cô Nguyễn Thu Hà (sinh năm 1994) hiện đang công tác tại 1 trường mầm non tư thục tại quận Đống Đa, Hà Nội.

    Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà. Ảnh: Trí Thức Trẻ

    Sau gần 4 năm gắn bó với các em nhỏ, Thu Hà đã thấy thấm thía sự vất vả của cái nghề mọi người vẫn hay rỉ tai nhau là "osin có bằng cấp" thời hiện đại. Thậm chí, sau ngày đầu tiên đi làm cô giáo Hà đã từng về nhà khóc với mẹ bởi thực tế nghề nghiệp không như suy nghĩ.

    "Ngày nào cũng ròng rã từ 7h sáng đến 5 rưỡi chiều, không ít người đã nghĩ sẽ chọn công việc khác lương cao hơn là làm giáo viên mầm non 4 triệu/tháng. Rồi báo đài thi thoảng xuất hiện những chuyện tiêu cực khiến mình chỉ muốn bỏ nghề. Xã hội ngày càng nhìn giáo viên mầm non bằng con mắt thiếu thiện cảm, mặc định là "cô nuôi dạy hổ" nữa cơ..." - Thu Hà chia sẻ với Trí Thức Trẻ.

    Thu Hà tiết lộ, vốn dĩ trước đây cô là sinh viên Nhạc viện, nhưng đi làm thêm dạy nhạc, thấy yêu lũ trẻ vô cùng, nên chuyển sang học mầm non luôn. Gia đình có truyền thống kinh doanh, bố làm bộ đội dạy dỗ cô khá nghiêm khắc, nên Hà được bố mẹ dặn rằng nếu xác định gắn bó với nghề gõ đầu trẻ, phải luôn coi các bé như con cháu mình, yêu thương chúng hết mực, dù biết trước sẽ có lúc chúng làm mình stress đến phát điên.

    Tuy vậy, những niềm vui Thu Hà có được trong suốt hành trình tiếp xúc, chơi đùa, chăm sóc trẻ đã giúp cô bồi dưỡng tình yêu với nghề.

    Ảnh: Trí Thức Trẻ

    "Có lần, mình dặn cả lớp mang ảnh gia đình đi học để tập giới thiệu. Chẳng hiểu tự chọn kiểu gì, có em mang ảnh chụp bố mẹ đi uống bia tá lả với bạn bè lên, xong hớn hở khoe trước lớp: đây là bố H mẹ M đi uống bia, để con ở nhà với bà, bố mẹ trốn đi nên không có mặt con. Mình vừa cười vừa ôn tồn dạy bé là ảnh ấy sai rồi, phải là ảnh cả nhà bên nhau ấm áp như của bạn A kia cơ. Bé nhất quyết không nghe, dỗi cả cô luôn.

    Rồi những lần cùng các con tập múa hát, nhà mình ở Xã Đàn nhưng tối muộn vẫn lặn lội ra tận khu Mai Dịch thuê quần áo cho các con sáng sớm đi diễn. Ngủ được có tí, nhưng sáng ra nhìn các con xinh đẹp như vườn hoa nhỏ líu ríu trên sân khấu, bao mệt nhọc lại tan biến" - Thu Hà kể lại.

    Thu Hà cũng rất nỗ lực để mọi người cảm thông, có cái nhìn cởi mở hơn về công việc của mình. Đặc biệt, khi được nghe các bé gọi mình là "mẹ", Thu Hà lại như được tiếp thêm sức mạnh lớn lao để tiếp tục gắn bó với nghề, tận tâm với các em nhỏ.

    Vi An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-co-giao-mam-non-xinh-dep-yeu-tre-tan-tuy-voi-nghe-a211021.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan