Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT quy định chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học.
Cụ thể, khoản 1 Mục II Chương trình ban hành kèm thông tư này nêu rõ, những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học.
Theo đó, những chuyên ngành phù hợp được liệt kê là Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ.
Như vậy, sinh viên tốt nghiệp bằng cử nhân chuyên ngành Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ nếu có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học thì có thể học chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Trong đó, khối lượng chương trình gồm 35 tín chỉ, gồm phần bắt buộc có 31 tín chỉ; phần tự chọn có 4 tín chỉ.
Bên cạnh đó, với Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT), người học có bằng cử nhân ở chuyên ngành phù hợp với bất kỳ môn nào cũng có thể tham gia học chương trình bồi dưỡng nếu có nguyện vọng.
Cụ thể, những người có nguyện vọng dạy THCS và THPT phải vận dụng được tri thức khoa học chuyên ngành vào dạy chương trình môn học phổ thông, xây dựng được kế hoạch dạy học, bài học phù hợp với đặc thù môn học, đặc điểm học sinh và môi trường giáo dục, đánh giá được quá trình và kết quả học tập của học sinh...
Chương trình dành cho người có nguyện vọng làm giáo viên THCS, THPT sẽ gồm 34 tín chỉ, trong đó 17 học phần chung và 17 học phần nhánh THCS hoặc THPT. Các tín chỉ được tính tương đương như với tiểu học.
Người học được cấp chứng chỉ bồi dưỡng khi tham gia học tập đầy đủ các học phần quy định trong chương trình bồi dưỡng, có tất cả các bài kiểm tra học phần đạt điểm từ 5 điểm trở lên. Bảng điểm đính kèm chứng chỉ cần ghi rõ, đầy đủ tên các môn học, điểm số mà người học đã hoàn thành;
Mục tiêu của chương trình bồi dưỡng là người học có năng lực nghiệp vụ sư phạm tiểu học cần thiết để thực hiện hiệu quả các hoạt động giáo dục, dạy học gắn với một môn học ở nhà trường tiểu học, góp phần hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất học sinh tiểu học phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông.
Thủy Tiên (T/h)