+Aa-
    Zalo

    Những chuyện cảm động ít biết về ông Nguyễn Bá Thanh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ở Đà Nẵng, chỉ cần ngồi ở một quán cà phê cóc hay một quán ăn ven đường, trò chuyện với một bác xe ôm sẽ được họ kể rành mạch những chuyện cảm động về ông Nguyễn Bá Thanh.

    Hiếm có vị lãnh đạo địa phương nào lại được người dân yêu mến và kính trọng như ông Nguyễn Bá Thanh. Ở Đà Nẵng, chỉ cần ngồi ở một quán cà phê cóc hay một quán ăn ven đường hoặc trò chuyện với một bác xe ôm đều được họ kể rành mạch những chuyện cảm động về vị lãnh đạo được người dân yêu mến này…
    Đà Nẵng hiện có nhiều công trình gắn với tên tuổi, công lao của ông Nguyễn Bá Thanh. Thế nhưng, có hai công trình mà mỗi khi nhắc tới nhiều người vẫn rưng rưng nước mắt đó là nhà chung cư cho phụ nữ đơn thân và bệnh viện chữa ung thư miễn phí cho người nghèo.

    Nơi ở như mơ của những người đàn bà bất hạnh

    “Ngày đó, chị em chúng tôi ai cũng cực, một thân một mình nuôi con mà không có người thân bên cạnh. Dịp cuối năm 2012, bác Thanh dẫn đầu Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh đi thăm một vài gia đình tặng quà tết. Nhìn thấy chúng tôi sống trong những căn nhà thuê ọp ẹp, chật chội nên bác Thanh vô cùng buồn bã. Bác hứa sẽ giúp chung tôi có nhà ở. Chúng tôi nghe vậy cũng chỉ nghĩ là lời nói động viên. Vậy mà bất ngờ, 6 tháng sau chúng tôi được dọn đến ở trong những căn chung cư kiên cố, rộng rãi. Tất cả là nhờ công của bác Nguyễn Bá Thanh”, chị Lê Thị Ái Nhung, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu vực chung cư Hòa Phú 5A (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) xúc động chia sẻ.
    Nằm bên con đường ven biển xinh đẹp Đà Nẵng, 4 dãy nhà chung cư 5 tầng thuộc phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) là nơi sinh sống của 144 hộ dân. Những người làm chủ các căn hộ nơi đây đều là chị em phụ nữ. Mỗi người một hoàn cảnh, số phận nhưng đều có một điểm chung là phụ nữ nghèo đơn thân. Thông cảm cho nhau, họ luôn đoàn kết, tương thân tương ái hỗ trợ nhau trong mọi hoàn cảnh. “Chị em chúng tôi sống với nhau 3 năm qua nhưng chưa bao giờ xảy ra tranh cãi xích mích lớn. Mọi người đều nhớ lời dặn của bác Thanh là hãy sống đùm bọc yêu thương và cùng nhau vươn lên trong cuộc sống”, chị Nhung chia sẻ. Nói rồi, trong căn phòng chung cư rộng 60 m2 khang trang, vững chắc ấy, chị Nhung nhớ lại những ngày tháng ở trọ khổ cực từng trải qua.

    Dãy chung cư khang trang đẹp đẽ của chị em phụ nữ đơn thân.

    Chị Nhung sinh ra trong gia đình nghèo nên tự nhỏ đã tự mình bươn chải mưu sinh. Năm 20 tuổi, chị kết hôn với một người đàn ông cũng nghèo như như mình. Hai vợ chồng làm lụng vất vả quanh năm suốt tháng, đủ mọi việc mà vẫn không thể khá giả. Ngày chị sắp sinh đứa con đầu lòng, anh chồng không chịu nổi khổ cực đã nhẫn tâm bỏ đi không một lời từ biệt.
    Chị vừa phải nuôi con, vừa phải đi phụ thợ hồ kiếm tiền mưu sinh. “Năm 2000, sinh con xong tôi chạy qua xóm nhà chồ (nhà tạm bợ, chật hẹp như túp lều - PV) ven sông Hàn thuê ở tạm vì rẻ. Nhà trên mặt sông, ọp ẹp, làm bằng gỗ tạm, mưa thì dột, nắng thì nóng, mùi hôi thối do nước thải xả ra nồng nặc.
    Khi TP. Đà Nẵng giải tỏa xóm nhà chồ để chỉnh trang đô thị, tôi lại chạy đi thuê mướn chỗ khác. 12 năm ròng trước khi được vô chung cư ở, tôi đổi chỗ trọ chừng 20 lần. Chỗ nào cũng là nhà tạm vừa đủ che mưa, che nắng”, chị Nhung hồi tưởng.
    Hoàn cảnh đáng thương nhất xóm chung cư phụ nữ đơn thân là trường hợp chị Hồ Thị Thành. Chị Thành người gốc huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Từ khi mới lọt lòng, chị Thành đã bị liệt chân không thể đi lại được. Cuộc đời chị luôn phải gắn với chiếc xe lăn. Hạnh phúc tưởng chừng mỉm cười khi có một người đàn ông cùng chị xây dựng gia đình.
    Vậy nhưng khi cha mẹ chị Thành qua đời, chồng chị nhẫn tâm đuổi hai mẹ con ra đường. Chị Thành đành bồng con rồi lên xe đò về Đà Nẵng kiếm sống qua ngày. Trên chiếc xe lăn, chị bồng theo con đi bán dạo từng chiếc vé số. Tối về, hai mẹ con lại phải ngủ ngoài lề đường, dưới gầm cầu. “Ở ngoài ni tôi không có bà con, tiền kiếm được chỉ đủ ăn nên không thuê nhà trọ. Giờ mẹ con tôi đã có chốn đi về là căn nhà chung cư này. Tất cả cũng nhờ bác Thanh giúp đỡ”, chị Thành tâm sự.

    Chị Hồ Thị Thành bán hàng trong căn nhà chung cư của mình.

    Chị Nhung cho hay, ở chung cư phụ nữ đơn thân, mỗi gia đình là mỗi câu chuyện buồn về số phận. Có người bị chồng đánh, chồng bỏ. Có người tàn tật, không gia đình. “Ngồi nghe chúng tôi kể chuyện đời mình thì cả ngày không hết. Nhưng bây giờ thì đỡ rồi, ai cũng có nhà, có công ăn việc làm hết. Con cái cũng được học hành đàng hoàng. Bác Thanh giúp chúng tôi cả đấy”.

    Như giấc chiêm bao

    Chị Nhung nhớ như in dịp tết nguyên đán năm 2012. Đó là lần đầu tiên chị được gặp ông Nguyễn Bá Thanh, khi đó đang là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Chị Nhung kể: “Hôm đó ngày 20 tháng chạp, tôi là hộ nghèo nên được phường mời lên nhận quà tết. Có khoảng 40 hộ được nhận quà, chủ yếu là phụ nữ đơn thân nghèo nhưng lại có rất đông người. Hỏi ra mới biết có bác Thanh đến trực tiếp trao quà cho chúng tôi. Tôi nghe tên bác Thanh nhiều nhưng đó là lần đầu tiên thấy. Đó là người đàn ông nghiêm nghị mà gần gũi”. Chị Nhung kể, sau phần trao quà, ông Thanh còn ở lại trò chuyện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của mọi người. “Bác ấy rất thân thiện, hỏi ai có ý kiến chi thì phát biểu. Tôi liền đứng dạy dè dặt đề nghị chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ những chị em phụ nữ đơn thân có chỗ ở ổn định. Bác Thanh chăm chú lắng nghe rồi hỏi về chỗ ở hiện tại, cuộc sống hai mẹ con tôi. Tôi kể hết nên bác rất thông cảm. Bác hứa rồi thành phố sẽ hỗ trợ chỗ ở cho những trường hợp như tôi. Lúc đó tôi chỉ nghĩ bác Thanh nói cho có chứ không tin là thật”, chị Nhung nhớ lại.

    Chị Dương Thị Huệ và con trai. Từ ngày có chung cư cuộc sống của chị đã không còn vất vả như trước.

    Bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng cho hay, ngay sau hôm đi trao quà cho chị em phụ nữ đơn thân, ông Nguyễn Bá Thanh liền tổ chức cuộc họp để bàn phương án giải quyết nhu cầu nhà ở cho họ. Nhiều phương án được đưa ra nhưng đều không phù hợp nên ông Thành bác bỏ. Sau đó, ông Thanh đề nghị nghiên cứu xây nhà chung cư cho chị em thuê. Ông Thanh phân tích họ đều khó khăn nên không thể mua đất, hoặc mua nhà, chung cư. Ông cho rằng chỉ có phương án thuê chung cư với giá cả hợp lý là tối ưu nhất. Các thành viên tham dự buổi họp đồng tình với phương án đó. Ông Thanh yêu cầu phải khẩn trương xây ngay và hoàn thành sớm cho chị em an cư lạc nghiệp. “Nhờ cái quyết định dứt khoát đó mà chỉ 6 tháng sau 4 dãy nhà chung cư 5 tầng hoàn thành làm nơi ở cho các chị em”, bà Lan nói.
    “Ngày các chị bên Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng đề nghị tôi làm thủ tục thuê chung cư tôi vẫn ngờ ngợ vì lấy đâu ra tiền để thuê. Vậy nhưng đến khi có nhà khang trang, cầm trong tay chìa khóa với giá thuê rẻ bất ngờ thì tôi mới dám tin đó là sự thật. Giấc mơ của chị em phụ nữ đơn thân chúng tôi được bác Thanh biến thành hiện thực”, chị Nhung chia sẻ. Theo chị Nhung, giá thuê chung cư dành cho chị em phụ nữ đơn thân vô cùng rẻ… Một căn hộ khang trang, thoáng mát, sạch sẽ từ 50 đến 65 mét vuông chỉ có giá 70.000 – 100.000 đồng/tháng. “Chúng tôi có chỗ ở rồi, bác Thanh cũng vẫn đến thăm hỏi tình hình nơi ở mới. Có khi bác đến với thư ký, ngồi nghe chúng tôi trình bày nguyện vọng rồi về. Chị em nào có khó khăn trong cuộc sống, công việc cũng đều được bác giúp đỡ nhiệt tình”, chị Nhung chia sẻ.
    Theo các phụ nữ đơn thân này thì những ngày này mọi người trong chung cư từ già đến trẻ đều chờ tin tức của ông Thanh, người đang chữa bệnh hiểm nghèo. Mọi người đều có lòng tin sắt đã rằng một người tốt như ông Thanh sẽ còn sống khỏe để giúp đỡ mọi người. “Mỗi đêm tôi đều cầu nguyện cho sức khỏe của bác Thanh. Mấy ngày trước chị em chúng tôi cũng lên chùa cầu an cho bác Thanh được khỏe mạnh, vượt qua bệnh tật”, chị Thành mong mỏi.

    Bệnh viện nghĩa tình


    Bệnh viện ung thư Đà Nẵng, công trình tâm huyết dành cho bệnh nhân nghèo của ông Nguyễn Bá Thanh. 


    Tọa lạc tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng được khánh thành ngày 19/1/2013 đang dần trở nên quen thuộc với bệnh nhân ung thư miền Trung. Họ đến từ khắp các tỉnh từ Quảng Trị đến tận Bình Định, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo. Cơ sở, trang thiết bị hiện đại nhưng nếu là bệnh nhân có sổ hộ nghèo thì đều được chữa trị miễn phí. Đây là công trình ý nghĩa mà ông Nguyễn Bá Thanh ấp ủ trong nhiều năm và hoàn thành trước khi ra Hà Nội nhận chức Trưởng ban nội chính Trung ương.
    Một cán bộ Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng cho hay ông Thanh ấp ủ xây bệnh viện ung thư từ năm 2002. Ông là chủ tịch hội nên đề nghị hội đứng ra vận động các nhà hảo tâm quyên góp xây dựng chứ không dùng tiền ngân sách. Theo ông Thanh thì không dùng tiền ngân sách mới miễn phí cho dân nghèo được. Ông còn mong muốn mỗi cán bộ, người dân Đà Nẵng đều được tầm soát ung thư miễn phí một năm một lần. “Dự án bệnh viện có 500 giường, vốn đầu tư 1.300 tỉ đồng mà chúng tôi chỉ có… mồm. Tất cả nhờ tiền quyên góp. Nhớ có uy tín của anh Thanh nên các nhà hảo tâm nhiệt tình ủng hộ”.

    Ông Thanh thăm và tặng quà cho một bệnh nhân đang chữa trị tại bệnh viện ung thư.
    Ông Nguyễn Hoàng Co (63 tuổi, trú xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đang nằm điều trị tại bệnh viện ung thư Đà Nẵng cho biết là hộ nghèo nên mọi chi phí điều trị hoàn toàn miễn phí. Ông Co phát hiện bị bệnh ung thư dạ dày cách đây 2 năm nhưng chỉ chữa trị cầm chừng. Khi biết có nơi chữa miễn phí, ông Co liền đến thử vận may. “Bước vô sảnh bệnh viện mà như bước vô khách sạn, đẹp lộng lẫy, sạch sẽ. Tôi không tin là được chữa miễn phí. Vậy mà chuyện không ngờ đó có thật. Tôi chữa ở đây mấy tháng nên sức khỏe có tiến triển tốt. Các y bác sĩ ở đây dù chữa miễn phí cũng rất tận tình, chu đáo”, ông Co xúc động kể.
    Người nhà bệnh nhân nghèo ở bệnh viện ung thư cũng được ăn ở miễn phí ngày 3 bữa. Bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng cho biết, sau khi khánh thành bệnh viện, đích thân ông Nguyễn Bá Thanh đi vận động các nhà hảo tâm đóng góp để hỗ trợ bữa ăn cho người nhà bệnh nhân. “Anh Thanh vận động mấy lò mổ đóng góp xương vô, mấy đại lý gạo góp gạo. Nấu ăn thì đã có những người thiện nguyện. Nhờ vậy mà bệnh nhân nghèo không phải tốn kém khi đi chữa bệnh”, bà Lan nói.
    (còn tiếp...)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-chuyen-cam-dong-it-biet-ve-ong-nguyen-ba-thanh-a77979.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan