Làm sổ đỏ không cần nộp bản sao giấy tờ tùy thân
Ngày 1/9, Thông tư 09/2021/TT-BTNMT của bộ TNMT cũng có hiệu lực, sửa đổi một loạt các Thông tư hướng dẫn Luật Đất đai.
Đối với trường hợp nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận mà có yêu cầu thành phần là bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy chứng minh quân đội hoặc thẻ CCCD hoặc sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ khác chứng minh nhân thân thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà không yêu cầu người nộp hồ sơ phải nộp các giấy tờ này để chứng minh nhân thân trong trường hợp dữ liệu quốc gia về dân cư được chia sẻ và kết nối với dữ liệu của các ngành, các lĩnh vực (trong đó có lĩnh vực đất đai).
Theo nghị định, khi cơ sở dữ liệu quốc gia được chia sẻ và kết nối với dữ liệu ngành, lĩnh vực đất đai thì người dân khi đi làm các thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Sổ đỏ sẽ không còn phải mang theo bản sao Giấy CMND hoặc thẻ CCCD hoặc sổ hộ khẩu…
Thông tư này cũng bổ sung hai trường hợp đăng ký biến động được cấp Sổ đỏ bao gồm: Thửa đất được tách ra để cấp riêng Sổ đỏ đối với trường hợp sổ đỏ được cấp chung cho nhiều thửa; thay đổi diện tích đất ở trong thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở do xác định lại diện tích đất ở theo quy định.
Giảm 50% phí chuyển online tiền liên ngân hàng
Từ ngày 1/9, nội dung của Thông tư 13/2021/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26/2013/TT-NHNN về Biểu phí dịch vụ thanh toán qua NHNN chính thức có hiệu lực.
Cụ thể, NHNN đồng ý giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, gồm:
Phí giao dịch thanh toán qua Tiểu hệ thống thanh toán giá trị chỉ còn tối thiểu là 1000 đồng/món và tối đa là 25.000 đồng/món (đối với giao dịch trước 15h30 trong ngày); tối thiểu là 2.000 đồng/món và tối đa là 50.000 đồng/món (đối với giao dịch sau 15h30 đến khi hệ thống dừng nhận giao dịch)
Phí giao dịch thanh toán qua Tiểu hệ thống thanh toán giá trị thấp là 1.000 đồng/món.
Việc giảm 50% mức phí nêu trên được áp dụng đến hết ngày 30/6/2022.
Quy định mới về quảng cáo xuyên biên giới
Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo có nhiều nội dung đáng chú ý về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 15/9.
Các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam, cho người sử dụng tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, quy định về an ninh mạng và quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế.
Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ các nguyên tắc và nghĩa vụ được quy định tại Điều 13 Luật Quảng cáo và các quy định sau: Thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông những nội dung như tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có);...
Không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Điều 14, quy định cụ thể trách nhiệm quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, trong đó, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm phát hiện và xác định các quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật theo thẩm quyền được phân công tại các quy định pháp luật về quản lý và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo.
Nghị định mới về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
Nghị định 69 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/9, quy định về việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, quy định rõ nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại hoặc xây dựng công trình khác nếu do sự cố, thiên tai, cháy nổ; hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết nhưng có kết luận kiểm định về việc có nguy cơ sập đổ; hư hỏng nặng…
Theo nghị định này, trong trường hợp chủ sở hữu căn hộ chung cư có nhu cầu tái định cư tại chỗ, UBND cấp tỉnh quyết định hệ số bồi thường bằng 1-2 lần diện tích căn hộ cũ.
Trường hợp chủ sở hữu căn hộ chung cư không có nhu cầu tái định cư thì được bồi thường bằng tiền, theo giá trị căn hộ sau khi quy đổi theo hệ số nêu trên.
Về việc bố trí chỗ ở tạm thời cho người sở hữu nhà chung cư trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Nghị định nêu rõ trường hợp chủ sở hữu không thể tự lo chỗ ở thì được bố trí chỗ ở tạm thời.
Trường hợp chủ sở hữu tự lo chỗ ở thì chủ đầu tư phải chi trả chi phí thuê nhà và các chi phí khác
Bạch Hiền (t/h)