Trong tháng 9/2019, nhiều chính sách mới có hiệu lực, trong đó đáng chú ý nhất là xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng tài sản công.
Tự ý cho thuê xe ô tô công có thể bị phạt đến 20 triệu đồng
Nghị định 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Ảnh minh họa |
Kể từ ngày 1/9/2019, các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ được áp dụng theo Nghị định 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Nghị định này nêu rõ, hành vi mua sắm tài sản công khi không được phép sẽ bị phạt từ 1 – 50 triệu đồng; đầu tư, mua sắm vượt định mức, tiêu chuẩn bị phạt từ 1 – 100 triệu đồng; đi thuê tài sản sai quy định bị phạt từ 1 – 10 triệu đồng…
Trường hợp cho thuê trụ sở làm việc, ô tô công khi không có quyết định phê duyệt sẽ bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng. Trường hợp tự ý bán thanh lý xe ô tô khi dự án kết thúc, chưa có quyết định phê duyệt cũng bị phạt 20 triệu đồng.
Với hành vi sử dụng điện, xăng, dầu, điện thoại, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị…. bằng kinh phí Nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng.
Không xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm trước 2018
Nghị quyết số 5/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 214 “Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”, Điều 215 “Tội gian lận bảo hiểm y tế” và Điều 216 “Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” có hiệu lực.
Theo đó, không xử lý hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018.
Nếu chưa xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính.
Nếu đã xử phạt vi phạm hành chính mà bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
Tổ chức, cá nhân, người lao động bị thiệt hại do hành vi trốn đóng bảo hiểm trước năm 2018 có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với đối tượng vi phạm.
Chính sách có hiệu lực từ 1/9/2019.
Tiêu chuẩn của Trưởng phòng, Phó trưởng phòng giáo dục
Theo Thông tư 10/2019/TT-BGDĐT, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng giáo dục đều cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn như:
Tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; có thời gian công tác trong ngành giáo dục ít nhất 05 năm; có chứng chỉ chương trình bồi dưỡng trưởng phòng, phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo theo quy định; có năng lực dự báo, tư duy chiến lược, định hướng phát triển và tổng kết thực tiễn; năng lực quản lý sự thay đổi, năng lực xử lý thông tin và truyền thông…
Thông tư này do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có hiệu lực từ ngày 30/9/2019.
Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lương cao nhất gần 12 triệu đồng/tháng
Ngày 26/9/2019, Thông tư 12/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ có hiệu lực.
Thông tư 12 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn chuyển xếp lương viên chức ngành giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, sẽ căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ, năng lực và chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận để bổ nhiệm và xếp lương cho đối tượng viên chức giáo dục nghề nghiệp.
Cụ thể: Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp: Hệ số lương từ 6,20 đến 8,00; Giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính: Hệ số lương từ 4,40 đến 6,78; Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết: Hệ số lương 2,34 đến 4,98; Giảng viên giáo dục nghề nghiệp thực hành: Hệ số lương 2,10 đến 4,89.
Tăng 7,19% trợ cấp hàng tháng của quân nhân xuất ngũ
Trợ cấp hàng tháng của quân nhân xuất ngũ tăng 7,19%. Ảnh minh họa: PLO |
Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 106 hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hàng tháng với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Theo đó, cùng với việc tăng mức lương cơ sở thì mức trợ cấp hàng tháng cho quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc từ ngày 1/7 cũng được điều chỉnh.
Cụ thể, từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm là 1,891 triệu đồng/tháng; Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm là 1,97 triệu đồng/tháng; Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm là 2,06 triệu đồng/tháng; Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm là 2,15 triệu đồng/tháng; Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm là 2,23 triệu đồng/tháng.
Điều kiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm
Đây là một trong những nội dung được điều chỉnh tại Nghị định 62/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/9/2019) sửa Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý và sử dụng đất trồng lúa
Nghị định mới quy định rõ ràng về các điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản:
- Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa…
- Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp xã;
- Trường hợp trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản; độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120 cm…
Lấy tiền tiết kiệm để tăng lương năm 2019 tại các địa phương
Thông tư 46/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.
Theo đó, nguồn kinh phí để tăng lương năm 2019 tại các địa phương gồm nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với năm 2018 theo quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính.
50% phần ngân sách Nhà nước giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập…
Thông tư có hiệu lực từ ngày 6/9/2019.
Bạch Hiền (t/h)