Tình yêu mãnh liệt thời chiến
Chuyện tình đẹp và lãng mạn giữa thời chiến của vợ chồng ông Phạm Xuân Sinh (ở Nghệ An) khiến bao người ngưỡng mộ.
Ông Sinh xuất thân là một thầy giáo làng dạy tiểu học ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn khốc liệt, thầy Sinh luôn khát khao được cầm súng ra trận để bảo vệ Tổ quốc. Thầy giáo trẻ gác lại những ước mơ, hoài bão của mình để cống hiến cho Tổ quốc thân yêu.
Năm 1961, thầy Sinh chính thức lên đường nhập ngũ vào Tiểu đoàn 27, Công binh, nay là Lữ đoàn Công binh Hải Vân, Quân khu IV. Sau thời gian huấn luyện ở đơn vị, ông được cử ra Bắc học sĩ quan.
Đến năm 1964, ông Sinh về thực tập ở một đơn vị đóng quân ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thời điểm ấy, cô thôn nữ Lê Thị Kim Dung vừa kết thúc chương trình lớp 7.
Với tính cách năng động và nhiệt huyết, cô tham gia vào Ban chấp hành đoàn xã và phụ trách dạy lớp vỡ lòng. Có một người đồng nghiệp cũ đã se duyên cho người lính trẻ Phạm Xuân Sinh và cô thôn nữ xinh xắn, đầy nhiệt huyết. Qua nhiều lần gặp gỡ, tình yêu giữa người lính trẻ và cô thôn nữ được nhen nhóm.
“Thời đó, chiến tranh khốc liệt nên chúng tôi cũng có ít thời gian để gặp nhau. Những buổi hẹn hò của chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng báo động. Sau này, anh Sinh có làm một bài thơ viết về những kỷ niệm hẹn hò có tựa đề Nhớ đêm báo động”, bà Dung nhớ lại.
Tình yêu vừa chớm nở thì anh lính trẻ nhận được nhiệm vụ lên đường chiến đấu. Nhờ có tình yêu của cô thôn nữ, người lính Phạm Xuân Sinh lại có thêm sức mạnh để vượt qua những gian khó. Chiến tranh ác liệt là thế, nhưng tình yêu của họ vẫn bền chặt bất chấp về khoảng cách.
Chung một lòng nồng nàn yêu nước, bà Dung ở nhà làm nhiệm vụ hậu phương, ra sức học tập, còn ông Sinh cầm súng ra bảo vệ Tổ quốc. Theo sự sắp xếp của tổ chức, bà Dung vừa phụ trách lớp vỡ lòng, vừa đi bộ hàng chục cây số bổ túc văn hoá.
Nhờ sự cố gắng, năm 1966, bà Dung được cử đi học tại trường Đoàn Trung ương rồi về công tác ở Ban tổ chức Trung ương Đoàn. Còn ông Sinh vẫn vững tay súng chiến đấu nơi chiến trường bom đạn ác liệt.
Thời điểm này, những cánh thư chính là sợi dây nối liền giữa hai đầu nỗi nhớ, giúp tiền tuyến và hậu phương có thêm động lực để hy vọng ngày đoàn tụ. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, những đêm khuya thanh vắng, hay thời gian ngắn nghỉ chân hành quân,... chàng lính trẻ lại ngồi biên thư cho người yêu ở quê nhà.
Giữa chiến tranh khốc liệt, họ càng trân trọng và tiếp thêm sức mạnh cho nhau qua những lá thư tay. Tình yêu của họ lớn dần trong tình yêu đất nước, trong dòng chảy lịch sử và trong khát vọng hòa bình. Từng lá thư như những sợi dây mềm “buộc” một cuộc tình bền chặt. 6 năm yêu xa nhưng tình cảm của họ vẫn son sắt.
Vượt qua mưa bom bão đạn
Đến năm 1970, ông Sinh được cử ra Bắc học văn hoá để sang Liên Xô học nâng cao, bà Dung lúc này đang là sinh viên Trường Cơ điện Thái Nguyên. Tranh thủ dịp được gần nhau, gia đình hai bên đã tổ chức đám cưới giản dị cho đôi trẻ.
Cưới nhau chưa được bao lâu, ông Sinh lại lên đường nhận nhiệm vụ chiến đấu. Tình yêu của vợ chồng “đơm hoa, kết trái” khi bà Dung hoài thai người con trai đầu lòng. Tuy nhiên, vì cuộc sống khó khăn, kham khổ nên bà Dung sinh non khi thai vừa được 7,5 tháng.
Người phụ nữ ấy hiểu rằng, trong chiến tranh người lính như chồng bà hay những người chiến sĩ khác đều có thể ngã xuống. Với họ, sống là phải anh dũng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ độc lập Tổ quốc. Vậy nên, những người hậu phương như bà Dung lại càng phải mạnh mẽ để gánh vác gia đình và chăm sóc con cái.
“Thời điểm đó, khó khăn không kể hết bởi chồng đang chiến đấu nơi chiến trường xa xôi. Một mình tôi lo toan gia đình, công việc cấp trên giao phải hoàn thành, con nhỏ lại hay ốm yếu,... Lúc này, những cánh thư tay của anh Sinh chính là động lực giúp cho tôi hoàn thành tốt vai trò người con dâu, người vợ, người mẹ và hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Những cánh thư, những lời động viên từ chồng là điểm tựa vững chắc cho tôi phấn đấu nhiều hơn nữa”, bà Dung thổ lộ.
Đến bây giờ, vợ chồng ông Sinh không biết đã viết cho nhau bao nhiêu bức thư. Những lá thư bây giờ đã úa màu thời gian, nhiều đoạn mờ nhòe, không còn rõ chữ,... nhưng vẫn được ông bà cất giữ cẩn thận. Một số lá thư đã được ông bà hiến tặng cho Bảo tàng Quân khu 4 để trưng bày, phục vụ công tác tuyên truyền.
“Thời đó, cứ có thời gian là viết thư về cho vợ. Có khi là viết lúc vừa chiến đấu xong, hay những đêm không thể ngủ,... Có khi thư chỉ là mấy dòng viết vội nhưng có khi dài mấy trang giấy. Tôi luôn lạc quan, tin tưởng về ngày chiến thắng như một điều tất yếu”, Đại tá Sinh chia sẻ.
Trong những lá thư, không chỉ là lời tâm tình yêu thương trai gái đơn thuần, mà họ còn nhìn thấy trách nhiệm của mỗi người, trách nhiệm của nhau đối với vận mệnh của dân tộc. “... Nhiều lần anh đã nói với em, anh không muốn giữa chúng ta chỉ có tình yêu đơn thuần của đôi nam nữ,... Anh muốn có một cái gì đó cao thượng hơn trong tình yêu. Vì lẽ đó nên chúng ta sẵn sàng chịu đựng, vượt lên mọi lẽ để bảo vệ lấy nó. Và tin rằng, khi chúng ta đã vượt qua mọi trở lực thì giá trị tình yêu cao thượng đó lại được nhân lên gấp bội, phải không Dung?”, trích thư Đại tá Sinh gửi cho vợ.
Trong cuộc đời binh nghiệp, người lính Phạm Xuân Sinh có mặt hầu hết khắp chiến trường lớn, ác liệt; tham gia các chiến dịch lớn như chiến dịch Làng Vây, đường 9 Khe Sanh, 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, chiến dịch Hồ Chí Minh...
Bà Dung vẫn thầm lặng, một gánh hai vai, lo cuộc sống gia đình, nuôi dạy 4 người con trai trưởng thành, tiếp tục là hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác. Những yêu thương, lời động viên của chồng nơi chiến tuyến tiếp thêm sức mạnh để bà Dung vững vàng trong cuộc sống.
Năm 1993, ông Phạm Xuân Sinh nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Sau 2 lần bị tai biến, ông phải ngồi xe lăn. Mọi sinh hoạt cá nhân của ông Sinh đều nhờ bàn tay chăm sóc của vợ. Hai ông bà hiện đang sống với người con trai đầu Phạm Nguyên Thanh ở Tp.Vinh.
Ở cái tuổi “gần đất, xa trời”, bà Dung và ông Sinh vẫn dành cho nhau những lời yêu thương trìu mến. Bà Dung như một “y tá” về hưu chăm sóc người chồng của mình chu đáo. Tình yêu của họ đi từ trong “mưa bom, bão đạn” đến những năm tháng hoà bình khiến cho nhiều người ngưỡng mộ.
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Số đặc biệt (gộp 3 số 211+212+213)