Mắc bệnh trầm cảm kéo dài, nhưng các ngôi sao Hoa ngữ đã không được những người xung quanh hỗ trợ đúng mức khiến họ túng quẫn tìm đến cái chết trong bi kịch tinh thần.
Người hâm mộ điện ảnh Hoa ngữ đã từng chứng kiến rất nhiều cái chết tức tưởi của những ngôi sao hàng đầu vì một lý do: trầm cảm. Áp lực từ ngành công nghiệp điện ảnh, thất bại trong chuyện tình cảm cộng với những sức ép khủng khiếp từ dư luận là mẫu số chung dẫn tới căn bệnh tinh thần tưởng đơn giản mà vô cùng nghiêm trọng của các sao Hoa ngữ.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, bệnh trầm cảm ở những nghệ sĩ luôn có xu thế tăng nặng nhanh chóng do đặc tính công việc. Tính cách dễ tổn thương, sự cô độc, khó tìm người sẻ chia và thấu hiểu khi đã ở vị trí đỉnh cao trong nghề, nỗi cố gắng giấu giếm tình trạng bệnh tật để giữ gìn hình ảnh trước công chúng, sợ hãi phải đối mặt với thực tại không mong muốn và xấu hổ nếu bị phát hiện tình trạng không ổn của bản thân khiến người nghệ sĩ càng cố thu mình lại, cố gắng tự giải quyết và càng cố gắng họ càng bất lực, tuyệt vọng hơn.
Hầu hết họ đã từng loay hoay thoát ra bi kịch của chính mình bằng nhiều cách: sử dụng thuốc ngủ, thuốc trầm cảm, tâm sự những điều không đầu cuối với bạn bè người thân... Song tiếc thay, tất cả những dấu hiệu đó đều đã bị bỏ qua, hoặc bị xem nhẹ, dẫn đến những cuộc tự sát thành công trong nỗi ân hận và tiếc nuối vô hạn của những người ở lại.
Tháng 9/2016, công chúng ngỡ ngàng khi nam tài tử Kiều Nhậm Lương - ngôi sao của "Gửi thanh xuân 2 - Hóa ra anh vẫn ở đây" - qua đời ở tuổi 29. Ở đỉnh cao danh vọng sau hàng loạt bộ phim ăn khách như "Mười năm của chúng ta", "Cẩm tú duyên", "Tiểu thời đại"..., Kiều Nhậm Lương lại chọn cách kết liễu cuộc đời bằng việc trùm túi nilon kín đầu đến ngạt thở.
Đã có nhiều tin đồn phát ra sau cái chết tức tưởi này, nhưng công ty quản lý của Kiều Nhậm Lương xác nhận, nam tài tử bị trầm cảm nhiều năm trước đó. "Cậu ấy không cho bố mẹ biết bệnh tình của mình vì sợ họ đau lòng. Một năm trở lại đây, Nhậm Lương cố gắng chữa trị, giảm tải công việc, dần dần chúng tôi thấy nụ cười trở lại trên khuôn mặt cậu ấy. Nào ngờ...", người quản lý cho hay.
Hầu hết những cái chết vì trầm cảm đều được nhận định bằng hai chữ "nào ngờ" ấy. Một số biểu hiện tích cực từ người mắc trầm cảm đã bị đánh giá lạc quan từ người thân, trong khi thực tế, nó lại là dấu hiệu của sự xuống dốc nghiêm trọng về tinh thần.
Năm 2010, nam diễn viên Giả Hoành Thanh - bạn trai cũ của nữ diễn viên Châu Tấn - cũng đã tìm đến cái chết bằng cách nhảy lầu từ tầng 14 của một khu chung cư ở Bắc Kinh. Trước khi tài tử của "Người tình cuối tuần", "Sông Tô Châu", "Ngày hôm qua" tự tử, người ta cũng thấy anh tươi tỉnh và có vẻ như tích cực hơn bình thường.
"Tôi rất nhạy cảm, đôi lúc hơi thần kinh, nhưng tôi thích cái cảm giác đau khổ ấy."
Giả Hoành Thanh mắc chứng trầm cảm từ đầu thập niên 2000, khi sự nghiệp của anh xuống dốc không phanh. Bạn trai một thời của Châu Tấn đã tìm đến ma túy để giải quyết những u ám tinh thần và cứ thế đẩy mình vào bóng tối. Bạn bè tiết lộ, có nhiều lúc Giả Hoành Thanh nói những câu rất "điên" như: "Tôi rất nhạy cảm, đôi lúc hơi thần kinh, nhưng tôi thích cái cảm giác đau khổ ấy". Không ai biết, câu nói đó của Giả Hoành Thanh là một sự cầu cứu khẩn cấp. Nhưng anh đã không nhận được sự hỗ trợ cần thiết nào. Kết quả là anh tìm đến cái chết giữa lúc người ta cứ nghĩ anh tích cực cai nghiện và sống lạc quan hơn.
14 năm trước, ngày 1/4/2003, một cái chết nhức nhối hơn nhiều lần cái chết của Kiều Nhậm Lương và Giả Hoành Thanh là vụ nhảy lầu tự sát của huyền thoại điện ảnh Hồng Kông, ngôi sao âm nhạc châu Á, nam tài tử Trương Quốc Vinh. Người hâm mộ châu Á đã chao đảo trong suốt một năm trời sau sự ra đi khó hiểu nam nghệ sĩ tài hoa ở tuổi 47 và họ vẫn còn nhức nhối trong suốt 14 năm qua mỗi khi nhìn thấy hình ảnh của anh trên mạng. Dư luận từng đổ lỗi cho Đường Đức Học, bạn trai đồng tính của Trương Quốc Vinh khi hai người có những rạn nứt tình cảm trước khi Trương Quốc Vinh qua đời. Song nguyên nhân chính được xác định lại là hội chứng trầm cảm kéo dài.
Trương Quốc Vinh đã phải vật lộn với chứng trầm cảm hàng chục năm trời, từ khi mới 30 tuổi.
Thông tin trên các tờ báo Trung Quốc vào thời điểm đó cho hay, Trương Quốc Vinh đã phải vật lộn với chứng trầm cảm hàng chục năm trời, từ khi mới 30 tuổi. Năm 1987, trong cuốn tự truyện, tài tử từng viết: "Còn nhớ lúc trước, mỗi khi tụ tập hàn huyên, bạn bè đều hỏi tại sao tôi không vui, khuôn mặt luôn buồn bã. Tôi nghĩ có thể mình mắc chứng trầm cảm do không hài lòng với bản thân, với người khác, với cả thế giới."
Bản thân Trương Quốc Vinh cũng nhận ra sự nghiêm trọng của tình trạng bệnh mà anh mắc phải và có nỗ lực điều trị, tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân. Anh đã theo bác sĩ tâm lý trị liệu nổi tiếng - GS Felice Lieh Mak -trong nhiều năm. Anh cũng từ chối những cám dỗ u tối từ chất kích thích và rượu. Song, những ám ảnh kì lạ vẫn đeo đuổi Trương Quốc Vinh tới mức khiến anh không thể ngủ được trong suốt 1 năm và buộc phải chọn cái chết để giải thoát.
Di thư Trương Quốc Vinh để lại trước lúc chết có đoạn: "Depression (trầm cảm). Cảm ơn bạn bè, cảm ơn giáo sư Felice Lieh-Mak. Tôi đã chịu đựng hết sức rồi. Cả đời tôi chưa làm việc gì xấu, tại sao mọi thứ lại trở nên thế này?".
Không chỉ có các sao nam của điện ảnh Hoa ngữ mới gặp bi kịch tinh thần, số lượng các nữ nghệ sĩ Hoa ngữ tìm đến cái chết vì trầm cảm cũng nhiều không kém. Ngay từ thập niên 60 của thế kỉ trước, công chúng Hồng Kông đã phải chứng kiến sự ra đi thương tâm của nữ minh tinh Lâm Đại, người từng bốn lần giành giải thưởng Diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan phim Châu Á Thái Bình Dương. Lâm Đại từng kết hôn với con trai một cựu thống đốc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc song cuộc sống hôn nhân giữa "đại gia - chân dài" đã không toàn vẹn. Sau thời gian dài bị stress vì chuyện gia đình, tháng 7/1964, bà đã tự tử bằng thuốc ngủ và khí gas tại nhà riêng, kết thúc cuộc đời giữa lúc xuân xanh nhất ở tuổi tròn 30. Cái chết của Lâm Đại đã làm chấn động cộng đồng người hâm mộ điện ảnh Hoa ngữ lúc bấy giờ.
Lâm Đại - Nữ diễn viên 4 lần giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất LHP Châu Á - Thái Bình Dương - đã tìm đến cái chết sau một thời gian stress kéo dài.
21 năm sau, một lần nữa Hồng Kông lại dậy sóng vì cái chết của Ông Mỹ Linh, nàng Hoàng Dung không đối thủ của "Anh hùng xạ điêu". Thành công trong sự nghiệp bao nhiêu, Ông Mỹ Linh lại gặp trắc trở trong đường tình bất nhiêu. Mối tình đẹp như mơ của cô với nam tài tử Thang Trấn Nghiệp nhanh chóng đi vào bế tắc khi cô càng ngày càng nổi tiếng mà bạn trai vẫn chưa tìm được chỗ đứng trong sự nghiệp. Đau khổ vì tình yêu, Ông Mỹ Linh rơi vào trầm cảm nặng nề. Cô nhiều lần tìm cách tử tự nhưng đều may mắn thoát chết khi được bác sĩ hoặc bạn vô tình phát hiện. Song, cho đến ngày 14/5/1985, may mắn ấy đã không còn. Trước khi mở khí gas tự sát, Ông Mỹ Linh đã gọi cho bạn trai không được nên để lại tin nhắn "Nếu anh không gọi lại cho em thì sẽ không còn cơ hội nghe tiếng nói của em nữa." Cô đã không dọa mà làm thật, với bộ đồ ngủ màu hồng rất đẹp mặc trên người.
Trầm cảm chính là thủ phạm khiến Ông Mỹ Linh kết thúc cuộc đời ở tuổi 26.
Thang Trấn Nghiệp đã phải chịu cú sốc và áp lực ghê gớm từ dư luận sau cái chết của Ông Mỹ Linh. Bản thân anh cũng cho rằng anh là người phải chịu trách nhiệm chính trong hành động dại dột của nữ diễn viên. Tuy nhiên, chính bác sĩ của Ông Mỹ Linh lại cho rằng, căn bệnh trầm cảm của cô mới là thủ phạm thực sự.
Cũng căn bệnh không nhìn thấy một vết thương lộ diện ấy đã cướp đi sinh mạng của ngôi sao phim cấp 3 Trần Bảo Liên. Người ta xác định rằng, sự nghiệp xuống dốc cùng mối tình bị tổn thương nặng nề với tay chơi nức tiếng Đài Loan Huỳnh Nhậm Trung đã khiến Trần Bảo Liên rơi vào tình trạng trầm cảm kéo dài. Cô mất hết niềm tin vào cuộc sống, tìm đến rượu, ma túy và tình dục, sau đó lại mang thai với một người bạn trai. Tình trạng trầm cảm càng nặng nề hơn sau khi cô sinh con. Kết cuộc là chưa đầy một tháng sau sinh, cô đã tìm đến một khách sạn và gieo mình từ tầng thứ 24, kết thúc cuộc đời.
Sao phim cấp 3 Trần Bảo Liên tìm đến cái chết khi không còn chịu đựng được căn bệnh trầm cảm hành hạ tinh thần.
Còn nhiều những cái tên sao khác là nạn nhân của chứng trầm cảm như Lưu Ngọc Phác, Trần Bách Cường, Trần Lâm, Thái Linh Linh, Thượng Vu Bác... Họ đều có điểm chung là không vượt qua được những cú sốc tinh thần mà bị nhấn chìm trong những nỗi dày vò không thể gọi tên. Và họ đều tìm đến cái chết, để lại cho người hâm mộ những lời "giá như" đau đớn.