+Aa-
    Zalo

    Những cái chết trong cô độc giữa Hàn Quốc phồn hoa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tại Hàn Quốc đang có một vấn nạn là "cái chết cô đơn", khi những người lớn tuổi chết trong cô độc và không có người thân tới nhận xác hay lo tang lễ cho mình.

    Tại Hàn Quốc đang có một vấn nạn là "cái chết cô đơn", khi những người lớn tuổi chết trong cô độc và không có người thân tới nhận xác hay lo tang lễ cho mình.

    Một lễ tang truyền thống tại Hàn Quốc thường kéo dài 3 ngày với sự tham gia của đầy đủ người thân, bạn bè của người quá cố. Thế nhưng, đám tang của Song In-Sik lại quá đỗi đơn giản, chỉ có đúng một người viếng thăm, đó cũng là người tình nguyện tổ chức đám tang cho người đàn ông mà anh ta chẳng hề quen biết.

    Tình nguyện viên đó là Park Jin Oh. Anh sắp một bàn tang, đặt trên đó ít hoa quả, cá khô, hoa giả, những món quà vĩnh biệt kẻ xấu số. Jin Oh chỉ vội thắp nén hương, cúi lạy trước tủ chứa xác rồi buộc phải ra ngoài trước sự thúc giục của nhân viên nhà xác bệnh viện Sungea, Seoul. Người đàn ông đang nằm cứng đờ trong hòm lạnh kia, Song In-Sik, 47 tuổi chết vào tháng 7. Thi thể của In-Sik được tìm thấy 3 ngày sau khi qua đời đang phân hủy trong căn phòng anh ta thuê trước đó.

    Ít nhất Song In-Sik vẫn còn may mắn vì được tổ chức đám tang, dù chỉ vô cùng tạm bợ. Một số lượng lớn người dân Hàn Quốc hiện nay phải chết trong sự cô độc, chẳng ai biết, chẳng người nào hay, không một họ hàng bạn bè thân thích tới nhận xác. Những người này chẳng có nổi một đám tang truyền thống nghiêm chỉnh, nghi lễ được coi là lời tiễn đưa dành cho những người quá cố.

    Park Jin Oh đang tổ chức tang lễ tạm bợ cho một người chết cô đơn.

    Vấn đề nhức nhối này được gọi là "cái chết cô độc", tăng từ 682 ca trong năm 2011 tới bây giờ là 1.008 ca. Con số cũng chẳng quá sốc nhưng cũng đủ để cảnh tỉnh về một sự thay đổi quá lớn về cấu trúc gia đình truyền thống của người Hàn Quốc.

    Mặc dù xứ sở kim chi trong nhiều thập kỷ qua đã có sự tăng trưởng kinh tế rõ rệt, từ một nước đang phát triển một bước lên vị trí thứ 12 trên bảng xếp hạng kinh tế thế giới, tuy nhiên cái giá phải trả có lẽ là các mối quan hệ gia đình.

    "Những kẻ bị bỏ lại đằng sau sẽ trở nên vô cùng cô đơn, không giống như người nghèo trong quá khứ còn được hàng xóm bạn bè đùm bọc, họ phải chứng kiến cuộc sống cộng đồng của mình bị hủy hoại, nhường chỗ cho sự phát triển của đô thị. Người nghèo, người già chẳng còn biết đi đâu về đâu nữa", Kim Keun-Ho, một mục sư đang làm việc tại khu ổ chuột cho hay.

    Ông Kim và những cộng sự đã và đang tích cực tìm kiếm sự giải thoát cho vấn đề khủng hoảng tài chính ở các nước Châu Á từ cuối những năm 1990 đến nay. Cuộc khủng hoảng đó đã vĩnh viễn xóa bỏ chết độ công việc suốt đời tại Hàn Quốc, thay vào đó là các hợp đồng có thời hạn có thể chấm dứt bất cứ lúc nào, khiến thị trường việc làm tại quốc gia này trở nên tàn khốc và đầy tính cạnh tranh hơn bao giờ hết. Kể từ đó, nhiều người bị mất việc làm không còn có cơ hội trở lại guồng quay kinh tế, bị bỏ lại phía sau chẳng ai thèm đoái hoài tới. Những người này, nay đang ở độ tuổi 40 hoặc già hơn, sống vạ vật trên các nẻo đường, lấy đất làm giường, lấy bìa cứng, túi ni-lông làm đệm, cứ thế sống mòn mỏi qua ngày không biết đến ngày mai.

    Bên cạnh đó, người Hàn thường dành dụm ki cóp cả đời để tập trung cho tương lai các con, chỉ mong được con cái phụng dưỡng khi về già. Nhưng với tình trạng như vậy, không lương hưu, không tiền tiết kiệm, con cái cũng chẳng có tiền, lấy ai chăm sóc lúc trái nắng trở trời bây giờ. Đạo Khổng có thể là kim chỉ nam cho lối sống trong quá khứ, nhưng với sự thay đổi chóng mặt của sự hiện đại hóa, lớp trẻ chẳng mấy ai còn hiểu giá trị đạo đức ấy nữa. Vậy tại sao họ không nhờ cậy đến họ hàng thân thích trong gia đình?

    Theo tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển, Hàn Quốc luôn nằm ở vị trí cuối trong các quốc gia về sự trợ giúp cộng đồng khi người dân đến tuổi 50 hoặc già hơn. Nỗi sợ lớn nhất của họ là đến khi qua đời không có nổi một đám tang tử tế, phải chết cô độc, thi thể mục rữa chẳng ai chôn cất.

    Tại Hàn Quốc, vị thế của một gia đình trong xã hội được quyết định bởi số người đến dự tang lễ của thành viên trong nhà, và thời gian mà những vị khách ở lại chia buồn cùng gia quyến. Một khung cảnh dễ thấy ở một đám tang truyền thống Hàn Quốc là hàng dài những vị khách, bạn bè, họ hàng của gia đình tới thắp hương từ biệt, cúi lạy trước di ảnh người quá cố, mang theo hàng loạt vòng hoa trắng ghi tên người gửi tặng, không thiếu phong bì đựng tiền mặt dùng để giúp đỡ chi phí an táng cho gia chủ. Chính phủ nước này thậm chí đã phải ra quy định giới hạn số tiền mà một công chức nhà nước có thể nhận hoặc biếu trong đám tang. Chi phí để lo cho một đám tang là vô cùng tốn kém.

    Đám tang là thước đo địa vị của một gia đình Hàn Quốc.

    Nhưng đối với người nghèo, một tang lễ như vậy thật sự là quá tầm tay. Nhất là đối với trường hợp người già neo đơn, vô gia cư, thân nhân của họ ở tầng lớp nghèo đói thậm chí còn không dám nhận xác họ về, bởi người ta sợ chẳng có đủ tiền mà lo ma chay đàng hoàng đầy đủ. Xứ sở kim chi có dân số vào loại già nhất trên thế giới, với số người ở độ tuổi trên 65 chiếm đến 13.1\% dân số, tăng 3.8\% so với năm 1980. Chính phủ đã có những nỗ lực nhằm tăng cường mạng lưới an toàn xã hội, nhưng phúc lợi dành cho người già vẫn còn là một bài toán bỏ ngỏ.  Theo số liệu Lương hưu toàn cầu, chỉ 45\% số người ở độ tuổi 55-79 tại Hàn Quốc được nhận lương hưu trong năm trước với trung bình mỗi tháng là 431USD (khoảng 9.5 triệu VND), tương đương 82\% chi phí sống tối thiểu của một người tại nước này.

    Khoảng 30\% số gia đình già Hàn Quốc đang sống dưới mức nghèo đói. Tuy nhiên chỉ khi nào họ chứng minh được họ hàng, người thân không đủ khả năng, hoặc không muốn chu cấp giúp đỡ mình. Rất nhiều người từ chối tìm đến họ hàng người thân vì ngại ngùng, cảm thấy xấu hổ khi không liên lạc trong thời gian dài mà lại đòi được giúp đỡ. Hậu quả, cứ 4 người già tại Hàn Quốc lại có 1 người bị trầm cảm vì lý do kinh tế, và nguy cơ tự tử của họ cũng gấp đôi so với lứa tuổi trẻ hơn.

    Khi một người chết mà không có người thân bên cạnh, cảnh sát sẽ phải cố gắng định vị thân nhân của người chết, sau đó liên lạc với họ để nhận lại xác thành viên trong gia đình. Thông thường quy trình này phải mất đến hàng tháng, có khi đến nỗi xác thì mục mà người thân vẫn chẳng tìm ra. Tuy nhiên giờ đây với những tổ chức từ thiện sẵn sàng làm một đám tang đơn giản, có lẽ nỗi sợ hãi không thể siêu thoát của người dân Hàn Quốc nghèo sẽ vơi bớt ít nhiều, nhưng còn vấn đề xã hội, chắc vẫn phải đợi thêm một thời gian nữa, hoặc phải có một tác động mạnh từ bên ngoài.

    Theo Trí Thức Trẻ

    Video tin tức được xem nhiều:

    Tài xế Uber bị phạt tù trung thân vì tội cưỡng hiếp hành khách

    [mecloud]BoVNkkL0Pw[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-cai-chet-trong-co-doc-giua-han-quoc-phon-hoa-a117922.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.