Hiện khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân là gì, nhưng dựa vào căn nguyên, dậy thì sớm được chia làm 2 dạng: dậy thì sớm trung ương (phụ thuộc vào hormone GnRH) và dậy thì sớm ngoại biên (không phụ thuộc vào hormone GnRH).
Thế nào là trẻ dậy thì sớm?
Dậy thì sớm là khi trẻ bắt đầu có các dấu hiệu dậy thì trước 7 hoặc 8 tuổi ở trẻ em gái, và trước 9 tuổi ở trẻ em trai. Cụ thể, ở trẻ em gái, ba mẹ có thể chú ý các dấu hiệu dậy thì sớm bao gồm: Phát triển ngực trước 7 hoặc 8 tuổi, bắt đầu hành kinh trước 10 tuổi, tăng trưởng chiều cao nhanh hơn so với các bạn khác trước 7 hoặc 8 tuổi.
Còn ở các bé trai, các dấu hiệu dậy thì sớm trước 9 tuổi bao gồm: Tăng kích thước tinh hoàn, dương vật, tăng trưởng chiều cao nhanh hơn các bạn cùng tuổi.
Ngoài ra, ở cả bé trai lẫn bé gái, một số dấu hiệu dưới đây có thể là biểu hiện của dậy thì sớm, nhưng đôi khi là bình thường: Phát triển lông mu, lông dưới cánh tay hoặc trên khuôn mặt; giọng nói trầm hơn ở bé trai; xuất hiện mụn, thường ở khuôn mặt; có mùi cơ thể “trưởng thành”
Trẻ dậy thì sớm có bị lùn không?
Đáp án là có, nếu trẻ dậy thì sớm nếu không được phát hiện và có biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời, một số biến chứng có thể xảy ra. Đầu tiên, có thể kể đến là sự tăng trưởng chiều cao của trẻ thấp hơn các bạn dậy thì bình thường.
Trẻ dậy thì sớm lúc đầu có thể phát triển chiều cao nhanh chóng và trông phổng phao và “nhổ giò” hơn so với các bạn cùng lứa tuổi. Tuy nhiên, vì xương của trẻ trưởng thành nhanh hơn bình thường nên sự phát triển chiều cao cũng ngừng sớm hơn những trẻ bình thường khác. Điều này có thể khiến cho trẻ thấp hơn mức trung bình khi trưởng thành.
Ngoài hạn chế sự tăng trưởng chiều cao, trẻ (cả bé trai và bé gái) dậy thì sớm còn gặp phải các vấn đề tâm lý, tình cảm và xã hội. Cụ thể, các bé có thể tự ý thức về những thay đổi xảy ra trong cơ thể mình và trở nên bối rối. Nhất là các bé gái dậy thì sớm có thể thiếu tự tin, hoặc thậm chí xấu hổ về việc có kinh nguyệt hoặc có bộ ngực trông to hơn những bạn bè nào cùng trang lứa.
Chưa kể, việc phát triển sớm hơn cũng có thể khiến trẻ có thể bị đối xử khác vì trẻ trông già dặn hơn các bạn xung quanh. Điều này có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng và làm tăng nguy cơ trầm cảm hoặc lạm dụng chất kích thích. Các bé trai có thể trở nên hung dữ hơn và cũng có xu hướng tình dục không phù hợp với lứa tuổi.
Dậy thì sớm có cao được nữa không?
Ngoài nỗi lo lắng dậy thì sớm có bị lùn không thì dậy thì sớm có cao được nữa không cũng là thắc mắc của nhiều bố mẹ có con rơi vào tình trạng này. Bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng cho biết, trẻ em dậy thì sớm nếu không được phát hiện và điều trị thường không đạt được tiềm năng phát triển chiều cao đầy đủ khi trưởng thành.
Ngược lại, nếu phát hiện sớm và xây dựng phác đồ điều trị kịp thời dậy thì sớm ở trẻ, điều này có thể giúp trẻ cơ hội phát triển như những trẻ bình thường khác cũng như đạt được chiều cao tối đa trong tương lai.
Phương pháp tăng chiều cao cho trẻ dậy thì sớm
Dậy thì chính là "giai đoạn vàng" trẻ phát triển vượt bậc cả về chiều cao lẫn trí tuệ. Nhưng nếu như trẻ "không may" dậy thì sớm, ba mẹ cũng nên có những biện pháp phù hợp để tăng chiều cao cho trẻ.
Một trong những cách đơn giản, an toàn và hiệu quả, đó chính là để trẻ có một chế độ sinh hoạt và luyện tập thể dục thể thao phù hợp.
Quan trọng hơn, để giúp trẻ dậy thì sớm có thể tăng chiều cao, ba mẹ cần chuẩn bị cho trẻ một chế độ dinh dưỡng tốt nhất, đảm bảo thuộc 4 nhóm: tinh bột - đạm - chất béo - vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, không thể thiếu các dưỡng chất giúp tăng chiều cao là bộ 3 Canxi - Vitamin D3 - Vitamin K2.
Sau khi trẻ đã tới độ tuổi dậy thì bình thường hoặc đã trải qua quá trình dậy thì, bố mẹ có thể hỗ trợ trẻ tăng thêm chiều cao bằng cách:
Xây dựng chế độ ăn uống hàng ngày cho trẻ phù hợp, khoa học. Theo đó, bố mẹ cần cung cấp cho trẻ một chế độ ăn uống hàng ngày cân bằng các nhóm dưỡng chất chính như chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất. Trong đó, đặc biệt tăng cường cung cấp vitamin (vitamin D) và khoáng chất (canxi, phốt pho) cho cơ thể thông qua các loại thực phẩm tăng chiều cao tự nhiên là các loại rau quả, trái cây…
Bên cạnh xây dựng chế độ ăn hợp lý, việc kết hợp các bài tập tăng chiều cao, hoạt động thể dục thể thao thường xuyên cũng rất quan trọng, giúp kích thích phát triển chiều cao tối đa ở trẻ. Có thể kể đến như chơi bóng rổ, bơi lội, bóng chuyền…
Ngoài ra, trong các hoạt động học tập, đi lại bố mẹ nên hướng dẫn trẻ có tư thế ngồi học, đi đứng với lưng thẳng. Thực hiện giờ giấc sinh hoạt và nghỉ ngơi đầy đủ theo lứa tuổi. Thông thường trẻ trong và sau độ tuổi dậy thì nên ngủ ít nhất 7 – 8 giờ/ ngày.
Thùy Dung(T/h)