+Aa-
    Zalo

    Những ca khúc làm nên tên tuổi nhạc sĩ An Thuyên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhạc sĩ An Thuyên sáng tác khá sung sức và đều tay. Công chúng biết và yêu mến ông với rất nhiều bài hát như: Ca dao em và tôi, Em chọn lối này...

    (ĐSPL) - Nhạc sĩ An Thuyên sáng tác khá sung sức và đều tay. Công chúng biết và yêu mến ông với rất nhiều bài hát như: Ca dao em và tôi, Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc...

    Nhạc sĩ An Thuyên qua đời khoảng 16h20 ngày 3/7 tại bệnh viện 108, Hà Nội, hưởng thọ 66 tuổi. Ông quê Nghệ An, hoạt động văn hóa văn nghệ tại đây từ năm 1967.

    Năm 1975, ông vào bộ đội rồi vào công tác ở đoàn văn công Quân khu 4 từ năm 1977. Sau đó ông được cử đi học ở nhạc Viện Hà Nội, môn Sáng tác âm nhạc bậc đại học.

    Sau khi tốt nghiệp, năm 1988 ông về phòng Văn nghệ Quân đội và đến tháng 8/1992, ông về công tác ở Trường Nghệ thuật Quân đội. Ông là nguyên hiệu trưởng của ngôi trường nghệ thuật này nhiều năm và có rất nhiều sáng tác để đời.

    Là người con xứ Nghệ nên các sáng tác của An Thuyên đều mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh. Nhiều người cho rằng, ông là một trong số nhạc sĩ đã khai thác, vận dụng và phát triển vốn âm nhạc của dân ca miền Trung một cách tài tình, hiệu quả.

    Nhạc sĩ An Thuyên (trái) khi là chủ tịch hội đồng thẩm định Bài hát Việt năm 2007. Ảnh: Tuổi trẻ

    An Thuyên sáng tác khá sung sức và đều tay. Công chúng biết và yêu mến ông với rất nhiều bài hát như: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền quan họ, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Mẹ Việt Nam anh hùng, Ca dao em và tôi...

    Tuy nhiên, An Thuyên chiếm trọn được trái tim của mọi người yêu nhạc Việt Nam là nhờ vào những bài viết nặng lòng với quê hương như Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi.

    Trong số tác phẩm của An Thuyên, ca khúc được ông sáng tác đầu tiên vào năm 21 tuổi là Em chọn lối này. Đây là ca khúc mang âm hưởng dân ca Nghệ An. Ca sĩ Thanh Hoa là người thể hiện thành công nhất ca khúc này.

    [mecloud]XhE3gqmts6[/mecloud]

    Tuy nhiên, tên tuổi của ông thực sự được biết đến và ghi dấu trong lòng khán giả từ khi ca khúc Huế thương ra đời. Nhạc sĩ An Thuyên sáng tác ca khúc này năm 1992 và đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất viết về Huế. Nghệ sĩ Thu Hiền là người thể hiện thành công nhất tác phẩm này, sau đó ca sĩ Vân Khánh, Quang Lê... cũng để lại dấu ấn của mình khi trình diễn Huế thương.

    [mecloud]R96WlrAKtx[/mecloud]

    Ca dao em và tôi là ca khúc ông sáng tác vào cuối những năm 80 nhưng đến những năm 90 thì mới thực sự phổ biến. Bài hát này từng làm mưa làm gió một thời trên thị trường âm nhạc Việt Nam qua giọng ca của ca sĩ Quang Linh. Ngoài Quang Linh, ca sĩ Thái Bảo cũng là người thể hiện thành công ca khúc này.

    [mecloud]xQyX0FPh7f[/mecloud]

    Neo đậu bến quê có thể xem là một trong những ca khúc viết về tình yêu quê hương điển hình của nhạc sĩ An Thuyên. Ca khúc này được ông sáng tác năm 1993 và cũng được nhiều người Việt thuộc nằm lòng. Nghệ sĩ Thu Hiền, ca sĩ Hương Mơ, Bùi Lê Mận đều là những người hát thành công ca khúc này.

    [mecloud]O0Z3AGzWP4[/mecloud]

    Ngoài sáng tác ca khúc, nhạc sĩ An Thuyên còn viết một số kịch hát đã được dàn dựng ở nhiều đoàn văn công như Trương Chi, Đôi đũa kim giao, Biển tình cay đắng, sáng tác cho khí nhạc như Concerto cho flute và dàn nhạc giao hưởng. Ông còn viết nhạc cho phim, nhạc cho múa và viết phần âm nhạc cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo...

    Với những sáng tác đi vào lòng người, nhạc sĩ An Thuyên vinh dự nhận được nhiều giải thưởng: Giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985: Tiếng đàn balalaica trên sông Đà (phỏng thơ Quang Huy); Giải thưởng chính thức của Bộ Quốc phòng: Hành quân lên Tây Bắc (1984), Thơ tình của núi (1994). Giải Nhất của Bộ Văn hoá - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Khi xe tăng qua miền Quan họ (1985), Mẹ Việt Nam anh hùng (1995).

    Ông đoạt nhiều giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Giải Nhì với bài Chín bậc tình yêu (1992), giải Nhất với bài Bài ca người tình báo (2000), Giải Nhất với bài Đi tìm bóng núi (2004), giải Nhì hợp xướng Chào Việt Nam thênh thang mùa xuân (2004). Đặc biệt, năm 2007 ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với chùm tác phẩm: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc.

    LAM ANH

    Video đang được xem nhiều:

    [mecloud]iF8CsHN6Yt[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-ca-khuc-lam-nen-ten-tuoi-nhac-si-an-thuyen-a100836.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.